Vietjet Air sẽ niêm yết trên sàn NewYork?

Thứ hai, 29/05/2017, 13:19
Đây là tiết lộ mới nhất của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của Vietjet Air.

Chia sẻ với một hãng thông tấn nước ngoài, bà Thảo cho biết hãng hàng không giá rẻ này đang đàm phán để trở thành công ty đầu tiên tại Việt Nam niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán ở nước ngoài. Với việc chiếm 40% thị phần hàng không trong nước, đây là một lợi thế không nhỏ.

Mới đây, hãng cũng được sự đồng thuận của cổ đông về việc nới room cho khối ngoại từ 30% lên 49%, nên sẽ tìm kiếm nhiều cơ hội trên các sàn quốc tế.

Tuy nhiên, việc tăng sở hữu nước ngoài cần phải được Thủ tướng chấp thuận, vì ngành hàng không được coi là ngành công nghiệp hạn chế, với giới hạn hiện tại là 30%.

Hãng hàng không này đã đệ trình văn bản đề xuất được mở room tăng thêm.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết: "Chúng tôi đã tiếp cận được một số sàn giao dịch nước ngoài, bao gồm London, Hong Kong và Singapore và họ tỏ ra thích thú với cổ phiếu VJC. Tôi sẽ gặp và giao lưu với các quan chức của sàn New York vào cuối tuần này, để tìm kiếm cơ hội”.

Cũng theo CEO này, việc niêm yết ở nước ngoài trên các thị trường lớn sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận của hãng đối với nhiều nguồn vốn, tăng cường kinh doanh chứng khoán và mở rộng danh sách các nhà đầu tư. "Chúng tôi không muốn che giấu hy vọng trở thành công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết cổ phiếu ra nước ngoài", bà Thảo nói thêm.

Hãng hàng không giá rẻ này đưa ra dự báo lợi nhuận sẽ tăng 36% trong năm nay, từ mức 2.500 tỷ đồng vào năm 2016. Hãng cũng đặt kỳ vọng phục vụ 17 triệu hành khách trong năm 2017 so với 15 triệu của năm 2016.

Cổ phiếu Vietjet Air hiện đã tăng 50% kể từ khi chào sàn 3 tháng trước, cao hơn rất nhiều so với đà tăng 6,5% của chỉ số gồm cổ phiếu của các hãng hàng không châu Á Thái Bình Dương mà Bloomberg đã tổng hợp.

Trước đó, nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Đông Nam Á cho biết khi bắt đầu hành trình chuẩn bị IPO, hãng đã quyết định sẽ niêm yết một cách chuyên nghiệp theo đúng quy chuẩn quốc tế. Đây là cơ sở đầu tiên để cổ phiếu có thể niêm yết thuận lợi trên sàn quốc tế sau này.

Hãng phải làm việc liên tục trong 800 ngày với sự tư vấn của nhiều đơn vị mới đi đến quyết định kết quả cuối cùng. Riêng chi phí để chi trả cho các hãng luật tư vấn đã lên đến vài triệu USD.

Theo Zing

Các tin cũ hơn