|
Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung gặp khó. |
Những người ở lại tại những dự án nghìn tỷ thua lỗ cho biết họ có điểm chung là chịu nỗi đau dai dẳng. Trong số những chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty đã phê duyệt việc đổ vốn đầu tư các dự này, đến nay nhiều người đã chuyển công tác, nắm giữ các chức vụ cao hơn ở các địa phương hoặc các đơn vị khác. “Chúng tôi là những người đi sau, giờ phải tập trung giải quyết những vấn đề, những tồn tại của dự án để tiếp tục duy trì hoạt động, duy trì tiền lương, công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động của nhà máy”, ông Bùi Thanh Bình, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung tâm sự.
Ông Phạm Văn Chất, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) cũng thừa nhận, dự án nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (PvTex) đến nay chỉ biết “đắp chiếu”. Đại diện công ty cũng cho hay, vấn đề lớn nhất với PVTex hiện nằm ở chỗ lòng tin cũng như vốn để hoạt động. Với lịch sử thua lỗ như vậy, giờ ai dám cấp tiền để nhà máy hoạt động trở lại. Khi không hiệu quả, trách nhiệm ai là người gánh chịu.
“Ban lãnh đạo công ty đã họp bàn rất nhiều, cũng nhìn thấy các “cửa” để hoạt động, để sản xuất trở lại nhưng mọi việc giờ rất khó. Ngay bên cạnh có nhà máy của Bridgestone làm lốp cao su, họ rất cần sợi polyester nhưng hai bên không có mối liên hệ gì cả. Họ vẫn phải nhập hàng từ các nước về. Trong bối cảnh lỗ như vậy, nếu đề xuất đầu tư thêm để sản xuất hàng bán cho Bridgestone, liệu ai dám phê duyệt? Kể cả chứng minh là rất lãi đấy nhưng người ta đã mất lòng tin rồi”, ông Chất chia sẻ.
Sẽ chuyển nhượng hoặc thoái vốn nhiều dự án
Một lãnh đạo Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam cho hay, để cứu các dự án thua lỗ, cụ thể như dự án của PVTex, phải có các doanh nghiệp “tay to” nước ngoài tham gia thì mới có thể thực hiện tiếp được. Việc đầu tư tay ngang vào các lĩnh vực dệt may, công suất không lớn, khiến dự án không thể hiệu quả.
Để “giải cứu” các dự án thua lỗ, Bộ Công Thương đã đưa ra hàng loạt phương án với các kịch bản cụ thể. Đối với 4 dự án đầu tư sản xuất phân bón, Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục tập trung thực hiện xử lý các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các giải pháp liên quan tới quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Sau khi đã hoạt động có hiệu quả sẽ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp (dự kiến sau năm 2018). Riêng dự án Đạm Ninh Bình phải khẩn trương tiến hành xử lý dứt điểm tranh chấp, vướng mắc đối với hợp đồng EPC.
Với dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, có 2 phương án được xem xét để xử lý. Tuy nhiên, Bộ Công Thương yêu cầu trước khi thực hiện phương án, phải tính toán khởi động lại nhà máy và xử lý dứt điểm các vướng mắc với nhà thầu EPC về hạng mục xử lý nước thải để hoàn thành việc quyết toán dự án đầu tư xây dựng nhà máy. Với Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, giải pháp được trọn trong 4 phương án là PVOil chuyển nhượng hoặc thoái vốn khỏi dự án.
“Với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên, phương án xử lý là tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc như đàm phán để sửa đổi lại hợp đồng liên doanh và điều lệ công ty, trên cơ sở đó tiếp tục triển khai hoàn thiện các hạng mục đầu tư và sản xuất kinh doanh của dự án. Đồng thời thực hiện các biện pháp cải tiến trong quản trị sản xuất kinh doanh để tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và đầu tư trong thời gian tới”, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết.
Với Dự án Nhà máy đầu tư sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ, phương án được ưu tiên là khởi động lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn theo phương thức hợp tác với đối tác nước ngoài để sản xuất kinh doanh xơ PSF trong 2 năm và sau đó thoái vốn hoặc PVTex chuyển nhượng công ty.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31/12/2016 là 16.126,02 tỷ đồng. Tổng tài sản của 12 nhà máy là 57.679 tỷ đồng; tổng nợ phải trả là 55.063 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả VDB là 10.633 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 4.299 tỷ đồng. Tổng số vốn đã giải ngân của 3 dự án dở dang, đang bị dừng thi công là 8.614 tỷ đồng, trên tổng nguồn thanh toán dự kiến là 13.066 tỷ đồng. |
Theo Tiền Phong