Một khu phố có 6 bến cát: Nếu xã, huyện "bó tay", tỉnh sẽ "ra tay"

Thứ sáu, 02/06/2017, 13:56
Hàng chục bến cát, sỏi nằm trên địa phận huyện Nam Đàn (Nghệ An) dù đã bị đình chỉ hoạt động, giấy phép cũ cũng không còn hiệu lực, nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động như thách thức dư luận.

Hoạt động rầm rộ ngày đêm

Tháng 4, đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh Nghệ An gồm: Công an tỉnh, Sở GTVT, TNMT, Xây dựng tiến hành kiểm tra hoạt động của tất cả các bến cát, sỏi trên địa bàn huyện Nam Đàn (trong đó có 13 bến cát, sỏi của hợp tác xã (HTX) Nam Sơn Đại Thành).

Tại đợt kiểm tra này, đoàn đã ra văn bản đình chỉ, thu hồi giấy phép ác bến cát, sỏi vì thuê đất trái thẩm quyền và đình chỉ các bến chưa được cấp phép dọc tuyến sông Lam, yêu cầu các chủ bến phải tự dẹp bỏ máy móc, thiết bị, trả lại mặt bằng ngay lập tức.

Các sà lan đợi để đưa cát tập kết vào các bến của HTX Lam Sơn Đại Thành.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế của PV, việc đình chỉ được tuân thủ trong một thời ngắn, sau đó, mọi chuyện trở lại như cũ.

Trong quá trình tập kết và thu mua cát, sỏi, các bến này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, khiến môi trường ô nhiễm, cuộc sống sinh hoạt sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Nguy hiểm hơn, việc khai thác cát, sỏi trái phép ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy, gây thất thoát tài nguyên quốc gia, tiềm ẩn nguy hại về sạt lở đất sản xuất hoa màu của người dân.

Ông Nguyễn Trung Châu - Chủ tịch hợp tác xã (HTX) Lam Sơn Đại Thành trình bày: “Gần đây, Sở Giao thông - Vận tải trực tiếp cấp đăng ký thuyền và bến thủy nội địa. Bến hợp tác xã (HTX) Lam Sơn Đại Thành được cấp phép năm 2013 (có giá trị 5 năm), các bên chỉ sai thủ tục thuê đất”.

Ông Châu cho biết thêm: “Các chủ bến đang tiến hành làm thủ tục gửi lên các cơ quan chức năng để chờ chấp nhận được thuê đất. Bản chất là đất nông nghiệp mà lại sử dụng vào mục đích kinh doanh là không được nên cần phải chuyển đất này sang đất kinh doanh. Cơ quan chức năng sẽ về thẩm định, nếu đúng, đủ điều kiện thì cho thuê”.

Còn ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND thị trấn Nam Đàn nói: “Chủ các bến đang cùng chung một đợt chờ cấp phép. Họ đang xin làm quy hoạch, đất nào là đất thuê, đất nào là đất của nhà nước và phần nào phần đất nông nghiệp. Sau khi có đợt thanh tra, hiện nay các bến đều đã bị đình chỉ và hủy giấy phép để làm lại giấy phép hết năm 2017. Nếu các chủ bến không làm kịp thì sẽ bị đình chỉ”.

Nhu cầu về cát rất lớn

Làm việc với PV, ông Hà Ngọc Lan – Trưởng phòng Công Thương huyện Nam Đàn thừa nhận: “Chúng tôi đang làm quy trình ở tỉnh, còn giấy phép các bến cát, sỏi đó đã được quy hoạch của tỉnh phê duyệt rồi. Các bến chưa có giấy phép mà sản xuất trên địa bàn là sai. Nhưng thực tế mà nói huyện cũng đang có nhu cầu cát rất lớn”.

Bến cát vẫn hoạt động rầm rộ, quy mô.

Ông Lan nhấn mạnh: Đúng ra nếu chưa cấp phép mới thì phải đình chỉ ngay. Chúng tôi cũng đã có văn bản đình chỉ một số bến rồi. Thực tế các chủ bến cát, sỏi đầu tư rất là nhiều, ngoài ra một bến đình chỉ sẽ kèm theo thất nghiệp của vài ba chục người trong đó có một số người rất đông người "ăn theo". Hiện một đoàn thanh tra của tỉnh đang kiểm tra, làm việc với chủ bến. Nếu họ có ý kiến thì chúng tôi sẽ đình chỉ dứt khoát đình chỉ ngay lập tức.

Ông Đinh Xuân Quế - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: Huyện đang trình lên tỉnh kế hoạch bến nào được tồn tại và những bến nào không được. Đồng thời, huyện cũng tập trung làm hồ sơ để trình Sở xây dựng và các Sở khác vì các bến cát đó tồn tại hàng chục năm nay rồi. Tất cả cũng do cơ chế quản lý mới, bây giờ sẽ làm gọn.

“Huyện cũng đang rất trăn trở và là nhu cầu thực tiễn liên quan đến sản xuất vật liệu phục vụ, còn việc quản lý bến phụ thuộc vào quy trình hiện nay. Huyện cũng đã làm một năm trời nhưng vẫn chưa hoàn thiện được thủ tục cấp phép cho họ. Với những bến không được cấp phép, huyện đã và sẽ vào cuộc rất quyết liệt”, ông Quế phân bua.

Ông Võ Duy Việt – Giám đốc Sở TNMT tỉnh Nghệ An khẳng định: “Nếu nơi nào khai thác trái phép cứ thế mà thu hồi, giao cho địa phương cứ thế mà xử lý nghiêm, nếu xã, huyện làm không được thì báo cáo với tỉnh vào cuộc xử lý. Trách nhiệm của xã, huyện, nếu thấy khai thác cát không đúng thì phải ra tay ngay, đuổi đi ngay. Bến bãi trái phép là nơi khởi nguồn cho vi phạm pháp luật. Nơi nào để khai thác trái phép cát xảy ra, lãnh đạo địa phương nơi đó phải chịu trách nhiệm”.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích