Thông tin từ Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Gia Lai, cơ quan này đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi tên gọi Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Sugar) thành Công ty TNHH Mía đường TTC Attapeu.
Trước đó, 2 doanh nghiệp nhà ông Đặng Văn Thành là Công ty CP Đường Biên Hòa (BHS) và Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) đã nhận chuyển nhượng gần 100% vốn cổ phần của Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai. Giao dịch được hoàn tất trong tháng 5 vừa qua.
Tổng chi phí mà BHS và TTC Tây Ninh chi ra cho thương vụ lên đến 1.330,1 tỷ đồng. Số tiền này bao gồm 99,99% vốn góp hiện do HAGL Agrico (HNG) sở hữu, với giá 1.330 tỷ đồng, và mua lại 0,013% vốn góp từ một cổ đông thiểu số với giá 110 triệu đồng.
Ông Đặng Văn Thành hoàn tất việc thâu tóm công ty mía đường của bầu Đức. Ảnh: VNN |
HAGL Sugar là pháp nhân được thành lập tại Việt Nam. Công ty này sở hữu 100% vốn của Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu – đơn vị sở hữu nhà máy đường và nông trường mía tại Lào của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Lào, do ông Đoàn Nguyên Đức làm Chủ tịch HĐQT.
Sau khi thương vụ thành công, BHS và TTC Tây Ninh sở hữu lần lượt là 60% và 40% vốn điều lệ của HAGL Sugar.
Việc đổi tên là bước cuối cùng doanh nghiệp nhà ông Đặng Văn Thành hoàn tất thâu tóm công ty mía đường của ông Đoàn Nguyên Đức, để trở thành ông trùm trong lĩnh vực mía đường tại Việt Nam hiện nay.
Trước đó, ông Đặng Văn Thành đã thực hiện quá trình sáp nhập các công ty mía đường trong hệ thống Thành Thành Công. Đường Ninh Hòa được sáp nhập vào Đường Biên Hòa và Mía đường Nhiệt điện Gia Lai sáp nhập vào TTC Tây Ninh. Tiếp đó, hai doanh nghiệp này (BHS và SBT) đã lên kế hoạch sáp nhập, trở thành công ty có quy mô gần nửa tỷ USD.
Hiện tại, đây là 2 doanh nghiệp mía đường có quy mô lớn nhất trên sàn chứng khoán.
Lợi ích trong việc thâu tóm các doanh nghiệp mía đường của bầu Đức với TTC là khá rõ. Đó là, đường từ nhà máy này nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi 0% theo quy định của Hiệp định Thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào.
Ngoài ra, khi TTC mua nhà máy đường của HAGL thì việc nhập khẩu đường thô cho Đường Biên Hòa sẽ không bị Hiệp hội mía đường Việt Nam phản ứng. Sự lớn mạnh của TTC sau khi thâu tóm doanh nghiệp của bầu Đức còn giúp ngành kinh doanh mía đường của TTC có thêm sức để cạnh tranh với các đối thủ trong và ngoài nước.
Theo Zing