|
Theo ước tính thì đợt tôm hùm chết hàng loạt này đã cướp đi của người nuôi tôm Phú Yên hơn 400 tỷ đồng. |
Sau khi sự cố trên xảy ra, ngày 27/5 các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên đã vào cuộc lấy mẫu xét nghiệm và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Phú Yên đã kết luận: Do mật độ nuôi còn quá dày cả về số lượng lồng nuôi và số con/trên một lồng nuôi, thức ăn dư thừa, chất thải từ hoạt động nuôi tích tụ, gây ô nhiễm nguồn nước tại khu vực nuôi. Mặt khác thời tiết chuyển đổi đột ngột mưa nắng thất thường; đồng thời khu vực tôm chết xuất hiện nhiều tảo gây hiện tượng thiếu ô xy cục bộ làm tôm hùm chết hàng loạt.
Kết luận ban đầu là vậy, nhưng người nuôi tôm vẫn cho là không đúng và nghi ngờ doanh nghiệp xả thải. Theo đó, liên tiếp những ngày qua, hàng trăm người dân đã nhiều lần tập trung xung quanh cơ sở chế biến hải sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng tại xã Xuân Phương (thị xã Sông Cầu) để yêu cầu làm rõ nghi ngờ công ty này xả thải trái phép ra môi trường biển, làm chết tôm hùm nuôi của dân.
Ngày 31/5, đại diện UBND thị xã Sông Cầu (Phú Yên) cho biết, sau khi người dân phản ứng tập thể vì cho rằng công ty xả thải gây ra chết tôm hùm, chính quyền địa phương đã có nhiều cuộc đối thoại vận động người dân chờ kết luận của cơ quan chức năng.
Liên quan đến việc này, trước đó ông Nguyễn Hưng Hòa - Giám đốc Nguyễn Hưng cũng thừa nhận: Hai tháng qua, công ty đang khắc phục bể khử trùng, bể lắng và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của nhà máy lên khoảng 120m3/ngày nên hiện tại công ty chỉ xử lý đến công đoạn Aerotank. Sau đó, đơn vị dùng xe bồn vận chuyển lượng nước thải này đến nhà máy bột cá Phú Bình để tiếp tục xử lý nên không có việc xả nước gây ô nhiễm môi trường. Hiện tại công ty này đã tạm ngưng hoạt động, chờ kết quả xét nghiệm của cơ quan chức năng.
|
Người dân kéo về công ty TNHH Nguyễn Hưng phản ứng tập thể vì cho rằng doanh nghiệp này xả thải gây ra chết tôm hùm. |
Ngay sau khi nhận được tin người dân phản ứng tập thể, ngày 29/5 ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo cho cơ quan chuyên ngành lấy mẫu nước tại Nguyễn Hưng để đưa kiểm định cụ thể.
Ông Thế cũng nói thêm: “Nếu người dân không tin tưởng thì người dân có thể thuê đơn vị độc lập để kiểm tra vấn đề này. Nếu doanh nghiệp thực sự sai, thì UBND tỉnh sẽ xử lý theo quy định luật pháp hiện hành”.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên, cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành lấy mẫu nước thải tại cơ sở trên để đưa xét nghiệm. Dự kiến, khoảng một tuần nữa mới có kết quả chính thức.
Tình trạng tôm hùm nuôi ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa chết rải rác và hàng loạt đã xảy ra thường xuyên trong vòng hai năm trở lại đây. Trước tình trạng này, để giải cứu tôm hùm hiện tại tỉnh Phú Yên đã có quy hoạch 1.600ha nuôi tôm hùm với phương châm nuôi đa dạng, áp dụng công nghệ cao, giảm thiểu ô nhiễm, tránh phát sinh dịch bệnh và đa dạng mô hình nuôi (tôm hùm nuôi sẽ được định hướng nuôi ở các vùng biển mở thay vì khi chỉ nuôi ở vùng vịnh vùng biển kín như hiện nay). Ông Nguyễn Tri Phương – Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên nói: Vừa qua Bộ NN&PTNN đã giao cho Phú Yên cố gắng xây dựng từng bước một về quy hoạch nuôi tôm hùm. Đến nay, Sở đã thực hiện được quy hoạch tổng thể và xác định vùng còn một số giai đoạn sau thì đang cố gắng hoàn thiện… Trước thực trạng tôm hùm chết hàng loạt như trên đã gây thiệt hại cho người nuôi tôm hàng trăm tỷ đồng. Thiết nghĩ, sau sự cố này, UBND tỉnh Phú Yên cần gấp rút xây dựng hoàn thiện quy hoạch khu vực nuôi tôm hùm mới. Để người nuôi tôm bớt thấp thỏm lo âu khi bỏ hàng tỷ đồng ra đầu tư, nhưng rủi ro cho việc nuôi tôm là quá lớn. |
Theo Dân Trí