Tàu cá 'đắp chiếu': Phát hiện thép Trung Quốc, dân bị dọa?

Thứ ba, 30/05/2017, 18:40
Trong quá trình giám sát, ngư dân phát hiện công ty đóng tàu thay đổi thép Hàn, Nhật sang Trung Quốc, nhưng bị hăm dọa, thuê giang hồ đánh đập.

Ký nhiều giấy tờ không có nội dung

Liên quan đến việc đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an), Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) phải có nghĩa vụ sửa chữa các tàu cá do đơn vị mình đóng bị hư hỏng theo hợp đồng thỏa thuận với các chủ tàu.

Việc khắc phục các tàu vỏ thép bị hỏng, sự cố trục trặc phải hoàn thành trong tháng 6/2017.

UBND tỉnh cũng giao chủ tịch UBND các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, TP.Quy Nhơn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các chủ tàu cá các thủ tục pháp lý để tiến hành khởi kiện ra tòa theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân trong trường hợp các đơn vị đóng tàu không thực hiện nghĩa vụ của mình.

Nhiều con tàu bị han gỉ dù mới sử dụng

Trước thông tin trên, trao đổi với PV, ngày 29/5, ông Hà Ngọc Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết: "Thời gian qua chúng tôi tiếp nhận khá nhiều thông tin từ phía ngư dân, đặc biệt là chuyện theo dõi giám sát công ty đóng tàu.

Về nguyên tắc cần có tư vấn giám sát nhưng ngư dân tự giám sát, trong quá trình giám sát, ngư dân cũng phát hiện công ty đóng tàu thay đổi từ thép Hàn Quốc, Nhật Bản sang Trung Quốc, lấy máy chụp lại thì nhân viên Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) hăm dọa, thuê giang hồ đánh đập.

Hay mới đây tôi lại nghe trước khi dân đến làm hợp đồng Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đưa rất nhiều tờ giấy bảo ngư dân ký vào, để thực hiện các cam kết cho đảm bảo, không phải đi lại nhiều lần, ngoài các giấy tờ hợp đồng ký kết hai bên.

Dân cũng phản ánh họ ký mà không biết ký cái gì trong đó, vì nội dung không có, sau đó công ty mới điền vào, cái này tôi mới nghe phản ánh 3 ngày.

Đây là thông tin chúng tôi nghe một bên, chưa có kiểm tra, phải cẩn thận. Chính vì những thông tin trên, chúng tôi quyết định điều tra và nếu có dấu hiệu lừa dân thì chắc chắn phải xử lý", ông Tân kể thêm.

Hợp đồng không được thực hiện đúng sẽ khởi kiện ra tòa

Về thông tin đề nghị đơn vị công an vào cuộc điều tra, Phó chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ khẳng định: "Chúng tôi vẫn đang đợi đơn vị tư vấn độc lập đánh giá chất lượng tàu hư hỏng ở cấp độ nào, sau đó mới xem xét việc để công an vào cuộc điều tra.

Bởi vì, bên chỗ Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an), đại diện lãnh đạo cũng có trao đổi với chúng tôi, khẳng định nếu máy móc trên tàu bị hỏng thì công ty sẽ thay hoàn toàn bằng máy móc mới, dân biển không dùng tàu đi đánh cá được thì công ty sẽ hỗ trợ.

Ngư dân Nguyễn Công Quý (ở cảng cá Đề Gi, Phù Cát)

Cách xử lý của bên công ty Nam Triệu như vậy là khá hợp tình, hợp lý, chứ không phải sửa chữa lại máy, vì chỉ nếu sửa chữa dân không đồng tình.

Còn bên chỗ Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) thì họ vẫn khẳng định theo hợp đồng thỏa thuận giữa ngư dân và công ty thì chỉ sơn lại vỏ tàu, nhưng bản thân tôi cũng không đồng ý sơn lại, vì có sơn cũng không đảm bảo yêu cầu.

Bởi vì, hợp đồng ghi phải đóng bằng thép Hàn Quốc, Nhật Bản mà tự ý thay bằng thép Trung Quốc là buộc phải tháo gỡ ra, đóng lại theo đúng yêu cầu. Theo tôi, cứ đánh giá độc lập lại rồi dựa vào hợp đồng mà xử lý, mà bên công ty hứa sơn lại nhưng cũng đã chỉ nói vậy mà chưa cho sơn, trong khi dân lại đi biển rồi".

Bên cạnh đó, theo ông Tân, về phía huyện, thực tế địa phương đã ghi nhận kiến nghị của các ngư dân chủ tàu và đang kiểm tra việc khắc phục của các công ty đóng tàu, nhưng tất cả mới chỉ là trao đổi tại các cuộc họp, còn bằng văn bản chính thức chưa có.

Khi ngư dân chính thức có văn bản, có đơn yêu cầu, trên cơ sở kết luật của đơn vị tư vấn, giám sát, khi đó huyện sẽ phân công cán bộ chuyên môn trợ giúp về pháp lý để khởi kiện ra tòa.

"Trong trường hợp nếu như khi đánh giá chất lượng tàu không đảm bảo, lúc đó chúng tôi sẽ đặt vấn đề mời công an vào điều tra. Bây giờ thì cũng mới chỉ nghe 1 bên ngư dân nói, nên chưa đủ đánh giá khách quan để kết luận, nhưng xu hướng là ra tòa, khi ra tòa thì chắc chắn công an phải vào cuộc.

Khi thỏa thuận hợp đồng không được thực hiện đúng thì chắc chắn phải ra tòa, về phía địa phương cũng chỉ mong có cách xử lý hợp lý giữa hai bên, có lợi cho ngư dân, còn đưa ra tòa, mời công an vào cuộc chỉ là hạ sách", ông Tân nói rõ thêm.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: "Nghe lời hãng, dân sẽ chết"

Đó là khẳng định của ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trước việc các hãng sản xuất máy tàu Hàn Quốc cố tình đổ lỗi, không đền máy mới cho ngư dân.

Một thực tế khác, cả ba tàu vỏ thép của các ông Lê Văn Thãi, Đinh Công Khánh, Nguyễn Công Quý (ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) đều bị một “bệnh” chung là vỡ hộp số.

Trả lời báo chí, ngày 28/5, ông Bùi Hữu Hùng - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công An) nói làm đúng theo thiết kế, nhưng thừa nhận thiết kế này không phải theo 21 mẫu của Bộ NN-PTNT đưa ra, mà do nhà máy thuê tư vấn khác để lập.

Được biết, trong tuần này, Bình Định sẽ thành lập tổ kiểm định độc lập gồm các chuyên gia về điện, cơ khí, thiết bị, máy công cụ từ TP.HCM ra, tiến hành kiểm tra từng con tàu vỏ thép bị hư hỏng.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích