Không chỉ xuất hiện dày đặc trong nội thành Hà Nội, TP.HCM, hai hãng "taxi công nghệ" Uber và Grab đã bắt đầu lấn sân sang taxi sân bay, thị trường được cho là thế mạnh của nhiều hãng taxi truyền thống.
"Cuộc chiến" tại sân bay đã âm ỉ từ lâu nhưng được cho là thực sự "châm ngòi" khi Uber đưa ra mức "đồng giá" 150.000 đồng/chuyến đi từ nội thành Hà Nội, bất kể điểm đón.
Còn tại TP.HCM, mức khuyến mãi của Grab cho mỗi cuốc đi sân bay có khi lên đến 50.000 đồng. "Tính ra, cuốc đi từ quận 1 ra sân bay Tân Sơn Nhất đi taxi thường hết 130.000 đồng thì Grab 70.000 đồng còn được khuyến mãi, khách chỉ phải trả 20.000 đồng", anh Tín, một khách hàng tại TP.HCM cho biết.
Công việc thường xuyên phải di chuyển giữa Hà Nội và TP.HCM, mỗi lần ra sân bay, anh Đức Mạnh (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cán bộ thiết kế một công ty bất động sản lớn tại Hà Nội, hay đặt xe chuyên dụng. Giá cước chiều đi dao động 180.000-220.000 đồng, chiều về đắt hơn khoảng 100.000 đồng.
Thỉnh thoảng, anh đặt xe qua ứng dụng Grab, Uber để tiết kiệm thời gian chờ. Song gần đây, việc đặt xe này khá khó khăn. Có lần phải đợi rất lâu mới, tài xế sau khi biết anh ra sân bay cũng từ chối và xin hủy chuyến. Hỏi ra, anh mới biết Uber đang áp dụng cước di chuyển tiễn và đón từ nội thành tới sân bay được áp dụng đồng giá 150.000 đồng/chuyến chiều đi và 220.000 đồng/chuyến chiều về. Tài xế cho biết với mức giá này, họ không thể đảm bảo thu nhập nên từ chối chở khách trên tuyến nội thành - sân bay.
Theo khảo sát của Zing.vn, qua ứng dụng đặt xe trên di động, số lượng xe Uber và Grab không chỉ xuất hiện dày đặc trong nội thành Hà Nội mà đã mở rộng ra cả sân bay quốc tế Nội Bài. Mở ứng dụng tại khu vực sân bay có thể thấy xe của Uber, Grab đậu chi chít khu vực này.
Với Grab, hầu hết xe tại sân bay là GrabCar trong khi GrabTaxi chỉ lác đác vài xe. Đối với Uber, xe đậu ở sân bay trải đều cả UberX và loại xe sang UberBlack.
Ngay sau khi Uber đưa ra mức cước phí di chuyển này đã nhận được rất nhiều phản ứng tích cực từ phía người tiêu dùng, đặc biệt là những người thường xuyên phải di chuyển tuyến Hà Nội - Nội Bài.
Anh Quang Huy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết cước phí di chuyển 150.000 đồng/chuyến này rẻ hơn rất nhiều so với giá anh đặt xe của các hãng taxi sân bay, thông thường cùng tuyến di chuyển anh phải chi trả từ 200.000-250.000 đồng bằng cách đặt xe truyền thống.
“Không hiểu phía Uber có hỗ trợ gì cho các tài xế hay không mà có thể đưa ra mức giá rẻ như vậy, tuy nhiên mình là khách hàng nền mức giá như vậy rất hợp lý, hơn nữa dịch vụ của Uber cũng khá ổn định”, anh V. Thụy (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết.
Qua ứng dụng tìm xe trên di động Uber, Grab xuất hiện dày đặc quanh sân bay quốc tế Nội Bài.Ảnh chụp màn hình. |
Tuy nhiên, theo phản ánh của không ít khách hàng sử dụng ứng dụng gọi xe Uber thì đưa ra mức cước phí cạnh tranh như vậy nhưng rất khó để có thể bắt được một chuyến xe Uber lên sân bay.
Nguyên nhân là mỗi khi tài xế biết khách có ý định lên sân bay đều từ chối khéo với nhiều lý do khác nhau. Nhưng phần lớn các tài xế đều cho rằng mức giá 150.000 đồng Uber đưa ra là quá rẻ, sau khi từ chiết khấu phải nộp lại cho hãng và các chi phí xăng xe, bến bãi trên sân bay họ thu lại chẳng được là bao.
Trên một số diễn đàn lái xe Uber, nhiều tài xế cho biết họ sẽ không nhận khách đi chuyến Hà Nội – Nội Bài với mức mà Uber đưa ra.
Phóng viên Zing.vn cũng thử nghiệm bắt xe tuyến này và tất cả tài xế đều từ chối chuyến đi khi biết khách có ý định lên sân bay Nội Bài.
Theo chia sẻ của một tài xế Uber, anh từ chối vì tính ra, doanh thu thực tế thu về sau một chuyến đi không cao, chỉ khoảng 50.000 đồng sau khi trừ đi 25% thuế phí, chi phí xăng xe, sân đỗ... “Hiện nay, hầu như không anh em Uber nào đồng ý chạy chuyến Hà Nội – Nội Bài với giá đó hết. Bọn em cũng phải hiểu cho anh vì chạy tuyến đó lời lãi không được bao nhiêu mà rất mất thời gian”, tài xế Uber này cho biết.
Theo lời tài xế này, một số người khác khi biết khách bắt xe lên sân bay thì sẽ từ chối nhận. Nếu đã nhận, người lái sẽ đề nghị khách huỷ chuyến và khách đồng ý sẽ phải chịu mức phí phạt là 10%, tương đương 15.000 đồng, từ phía Uber.
Một tài xế khác cũng cho biết gần đây, để hạn chế việc tài xế hủy chuyến, phía Uber đã phát đi thông báo áp dụng chính sách nếu tài xế nào hủy quá 3 chuyến xe bất kỳ sẽ bị khóa tài khoản trong vòng 15 ngày, nếu còn tái phạm sẽ bị khóa tài khoản vĩnh viễn.
"Khi có khách hàng đặt xe, bọn anh không được thông báo điểm đến của khách mà chỉ khi xác nhận đã đón khách bọn anh mới biết khách muốn đi đâu. Nếu bọn anh tự ý hủy chuyến quá 3 lần sẽ bị khóa tài khoảng nửa tháng không làm ăn được gì. Vì thế nhiều lần anh phải xin khách hàng hủy chuyến để không vướng vào chính sách của Uber đưa ra", tài xế Uber này cho biết.
Theo lời anh Hiếu, một lái xe Uber, anh không được thông báo về việc cước chuyến đi sân bay giảm về 150.000 đồng và nhiều người lái khác cũng vậy. Cho đến khi chạy cuốc đầu tiên thì chủ xe mới nhận được thông tin từ Uber rằng giá đã điều chỉnh về “đồng giá” 150.000 đồng, thay cho mức phổ biến 200.000-250.000 đồng/chuyến trước đây.
“Khi khách lên xe, đến sân bay, mở điện thoại ra chốt thanh toán, mình mới giật mình vì mức cước 150.000 đồng. Với mức này, sau khi trừ đi thuế, phí, chi phí xăng xe, tài xế chỉ bỏ túi khoảng 40.000-50.000 đồng, tính ra chạy cuốc lẻ trong nội thành còn có lợi hơn”, anh Hiếu chia sẻ.
Anh này cũng cho biết Uber lý giải với tài xế việc áp dụng "đồng giá" 150.000 đồng/chuyến đi do trước đây có hiện tượng tài xế "chặt chém" khách với cuốc từ trung tâm thành phố ra sân bay nên siết lại.
Theo lời anh, Uber vẫn đang hỗ trợ cho tài xế dựa trên số lượng chuyến. Do đó, việc nhận các cuốc ra sân bay vô hình trung làm người lái mất cơ hội bắt các cuốc khác để lấy số lượng.
Với cước phí áp dụng mới của Uber, mức giá tuyến di chuyển từ Hà Nội - Nội Bài chỉ 150.000 đồng dù khách hàng xuất phát tại bất kỳ vị trí nào. Ảnh chụp màn hình. |
“Đi đủ 60 cuốc một tuần, không kể dài, ngắn, tôi được hỗ trợ 1 triệu đồng. Như tuần rồi tôi được hỗ trợ đến 1 triệu đồng vì đủ cuốc, nên tính ra thu nhập rất ổn. Đi cuốc sân bay vừa tốn thời gian mà bắt khách chiều từ sân bay về cũng khó, có khi phải chờ quá lâu, nên thấy bất tiện, mà có khi còn không đủ số chuyến mà hỗ trợ”, anh Công nói.
Theo tìm hiểu của Zing.vn, hiện tại, một số hãng taxi chiếm phần lớn thị phần vận tải tại sân bay Nội Bài bao gồm Nội Bài, Group, Đại Nam... và một số hãng đón khách tại sảnh như Mai Linh, ABC...
Theo bảng giá niêm yết hiện nay của các hãng taxi truyền thống chuyên chạy tuyến Hà Nội - Nội Bài và ngược lại thì cước phí di chuyển cho chiều đi của một số hãng như Taxi Nội Bài là 200.000 đồng; TaxiGroup là 250.000 đồng; Đại Nam Taxi dao động từ 180.000 đến 260.000 đồng tùy từng vị trí khởi hành trong nội thành Hà Nội… Mức này đều đắt hơn giá khi gọi từ ứng dụng Uber, Grab.
Theo chia sẻ của không ít tài xế taxi sân bay, gần đây, thu nhập của họ khá bấp bênh, có ngày dưới mức chỉ tiêu của hãng.
Anh Quang Trường (Bắc Ninh), tài xế một hãng taxi sân bay cho biết sự xuất hiện của Uber và Grab ảnh hưởng nhiều tới thu nhập của anh. Trước đây, mỗi ngày anh có thể chạy được hơn 10 chuyến trên tuyến Hà Nội - Nội Bài nhưng hiện nay anh chỉ chạy được hơn nửa số đó.
Thời điểm này các năm trước là lúc các hãng taxi "hái ra tiền" do trẻ em được nghỉ học, người dân đi du lịch nhiều. Song hiện tại, anh Trường cho hay đã vào mùa cao điểm mà năng suất của tài xế phần lớn đều thấp. "Mình mới gặp trường hợp khi khách chuẩn bị lên xe thì một người trong gia đình đó khuyên sử dụng taxi của Uber hay Grab sẽ rẻ hơn, thế là ngậm ngùi mất khách", anh Trường cho biết.
Theo anh Quang Trường, "chạy Uber và Grab thu nhập cũng không khá hơn. Càng nhiều xe thì thu nhập của anh em càng giảm mà thôi". Ảnh minh họa: Hiếu Công. |
Anh V. Hiệp, tài xế một hãng taxi sân bay khác cho biết từ khi Uber và Grab lấn sân sang thị trường sân bay, thu nhập của anh cũng đã giảm đáng kể.
"Trước đây, chúng tôi chỉ lo cạnh tranh với mấy hãng taxi sân bay, giờ còn phải lo cạnh tranh với mấy ông Uber và Grab. Nhiều xe hơn đồng nghĩa với việc chạy được ít chuyến hơn, thu nhập lại ngày càng giảm", anh Hiệp phân trần.
Theo anh Trường, nhiều anh em trong đội xe của anh đều bị giảm thu nhập do chạy được ít chuyến hơn trước.
Khi được hỏi tại sao không chuyển qua chạy taxi Grab hay Uber để có nhiều khách hơn, anh Trường cho biết đã có hợp đồng với hãng nên không thể nói bỏ là bỏ. Ngoài ra, theo lời anh, càng nhiều người chuyển qua "chạy" Uber, Grab thì thu nhập càng có nguy cơ giảm.
Anh Q.Tín (Nam Từ Liêm, Hà Nội), một tài xế Uber tại sân bay Nội Bài, cho biết khoảng vài tháng trước số lượng xe Uber và Grab chạy tại sân bay rất ít, ngày cao điểm không hề có xe. Tuy nhiên, gần đây, rất nhiều tài xế Uber và Grab đổ về cạnh tranh trên thị trường này.
“Ngày trước, nhiều người chở khách ra sân bay rồi ở lại chờ đón bắt khách di chuyển về cho tiên đường, nhưng hiện nay nhiều tài xế đã chọn sân bay là thị trường vận tải chính”, anh Tín cho biết.
Theo Zing