|
Tường ở cổng ra vào khán đài sân Mỹ Đình nứt toác ( Theo kết luận của thanh tra Chính phủ, tổng thầu là công ty Hanoi International Group (HISG) của Trung Quốc được đánh giá cao bởi kinh nghiệm xây dựng nhiều công trình lớn!?, đã dùng tới 94% thiết bị không có trong hợp đồng, tương đương với 17/18 triệu USD giá trị của thiết bị sử dụng, mà theo đó thì thiết bị phải được sử dụng ở dự án này có xuất xứ từ Tây Âu và Mỹ. |
Chấp nhận nhà thầu mới được vay vốn
Hàng loạt dự án quan trọng của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc thi công như Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Nhà máy đạm Ninh Bình… rơi vào tình trạng chậm tiến độ, đội vốn. Thậm chí, có công trình hoàn thành chất lượng thấp, xuống cấp nhanh sau khi hết hạn bảo hành. Trước thực trạng này, Bộ KH&ĐT lần đầu tiên lên tiếng giải thích nguyên nhân.
Theo đó, nguyên nhân cơ bản nhất là sử dụng vốn vay của Trung Quốc. Trong hợp đồng hợp tác, để vay vốn, Việt Nam phải chấp nhận nhà thầu Trung Quốc thực hiện gói thầu như một điều kiện để vay vốn. Để khắc phục tình trạng này, Bộ KH&ĐT cho rằng, Việt Nam cần tự chủ nguồn lực tài chính, thu hút vốn đầu tư tư nhân, nước ngoài; tăng cường các dự án hợp tác công tư (PPP)...
Rút kinh nghiệm từ những đại dự án vay vốn Trung Quốc kèm theo điều kiện chấp nhận nhà thầu. Khi Bộ GTVT đề xuất sử dụng khoản tín dụng ưu đãi bên mua 300 triệu USD của Trung Quốc để đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh, vào tháng 3/2016), Bộ KH&ĐT không đồng ý.
“Bộ KH&ĐT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt chưa sử dụng khoản tín dụng ưu đãi 300 triệu USD nêu trên cho dự án và kiến nghị tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc để có được điều kiện vay ưu đãi hơn”, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu trong công văn gửi Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội giải đáp ý kiến cử tri.
Trả lời báo chí, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, cần hết sức thận trọng trong đề xuất các dự án vay vốn ODA từ Trung Quốc. Bởi đây không phải là nguồn vốn bền vững cho sự phát triển của quốc gia. Hơn nữa, những dự án vay vốn và sử dụng nhà thầu Trung Quốc đội vốn, mất an toàn lao động đã và đang xảy ra.
Cần quy trách nhiệm người đứng đầu
Liên quan nguyên nhân chọn nhà thầu Trung Quốc trong các dự án quan trọng, trong kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ 2 (Quốc hội khoá XIV), cử tri tỉnh An Giang đề nghị cơ quan chức năng xem xét kỹ khi đấu thầu, chọn thầu, không vì giá rẻ mà chọn nhà thầu Trung Quốc.
Lý giải điều này, Bộ KH&ĐT cho biết, Luật Đấu thầu không quy định chọn thầu theo giá rẻ mà chỉ quy định những nhà thầu được đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Sau khi đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, nhà thầu bỏ thầu với mức giá thấp nhất mới được xem xét, đề nghị trúng thầu.
“Do hạn chế về năng lực, kinh nghiệm nên trong hồ sơ mời thầu, các chủ đầu tư Việt Nam chưa đưa ra được rào cản kỹ thuật để loại bỏ những hàng hóa có chất lượng thấp; chưa đưa ra được công thức xác định giá phù hợp nhằm lựa chọn các nhà thầu có thực lực, có kỹ thuật tốt”, Bộ KH&ĐT nêu nguyên nhân.
Bộ này cũng cho rằng, chất lượng lập, phê duyệt dự án còn thấp, chưa xác định được một cách tương đối chính xác về công nghệ, khối lượng cũng như tổng mức đầu tư của dự án dẫn đến phát sinh khối lượng khi thực hiện. Cơ quan chức năng phê duyệt tổng mức đầu tư thấp, dẫn đến các nhà thầu chào công nghệ tiên tiến, xuất xứ từ các quốc gia phát triển đều không trúng thầu do vượt tổng mức đầu tư.
Để giải quyết thực trạng này, chủ đầu tư phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, năng lực trong việc tổ chức lập, phê duyệt dự án. Những gói thầu phải tổ chức đấu thầu quốc tế, đồng thời đưa ra tổng mức đầu tư của dự án phù hợp với công nghệ và xuất xứ của hàng hóa, thiết bị mong muốn.
“Cuối cùng là người phê duyệt, chấp thuận nhà thầu phải chịu trách nhiệm khi gói thầu xảy ra các vấn đề. Có như vậy mới chấm dứt được tình trạng đội vốn, mất an toàn lao động ở các dự án có nhà thầu nước ngoài nói chung và nhà thầu Trung Quốc nói riêng”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT đề nghị.
Theo Tiền Phong