Dân cứ ra đường là phải trả tiền
Theo tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, dự án này được chia làm 20 dự án thành phần với hai giai đoạn.
Về hình thức đầu tư, tờ trình nêu rõ, một số đoạn được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng dự án là BOT. Còn một số đoạn đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư. Với 2 phương thức đầu tư, sau khi hoàn thành đường cao tốc Bắc – Nam sẽ có thêm nhiều trạm thu phí.
Trước thông tin trên, trao đổi với PV, TS Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông cho biết: "Tôi chỉ băn khoăn vì sao đường xá chưa dùng hết năng lực đã làm thêm đường cao tốc Bắc - Nam, nghe theo tư vấn Nhật Bản một cách vô lý, không có cơ sở phân tích.
Đường Hồ Chí Minh mới sử dụng được 30% công suất, đường QL1 mới chỉ dùng 60%, thế mà giờ lại xây dựng thêm cao tốc Bắc - Nam là chưa hợp lý về chiến lược, lãng phí về tài chính.
Trong khi bao nhiêu công việc khác người dân đang cần, ví dụ như sạt lở bờ biển, bờ sông, mỗi năm mất hàng nghìn hecta đất, đặc biệt khi mức đời sống của nhân dân còn rất thấp.
Cao tốc Bắc Nam sẽ có thêm nhiều trạm thu phí |
Chúng ta làm cách mạng để nâng cao đời sống của dân, chứ không phải chạy theo GDP, nói thẳng ra làm đường cao tốc Bắc - Nam thì GDP đạt được sẽ tăng lên, nhưng GDP đó không phục vụ trực tiếp đời sống của người dân mà gây lãng phí.
Cho nên, Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT, Chính phủ phải xem xét lại có nên hay không xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam".
Bên cạnh đó, theo ông Thủy hiện nay cả nước có trên 80-90 trạm BOT, nhưng thu phí tại các trạm vẫn dùng cách thu phí một dừng, như vậy là không đảm bảo, đáng lẽ là càng sớm áp dụng thu phí không dừng (ETC) thì mới kiểm soát được, đảm bảo sự công bằng, minh bạch, mà không thất thoát.
Hiện nay, không ai dám nói lợi ích nhóm, nhưng chắc chắn có sự thống nhất với nhau là thu một dừng thì sẽ có thể gian lận đường tiền thu phí, tiền dư ra thì chia nhau. Chỉ trong một thời gian ngắn, kiểm tra 29 trạm thu phí mà giảm được cả trăm tỷ đồng, tiền đó nếu không phát hiện sẽ chảy vào túi của một số cá nhân, nhóm người.
Giao thông là công cộng, phải cho dân có sự lựa chọn
Ở góc độ khác, theo vị chuyên gia trên, bây giờ triển khai làm tuyến cao tốc Bắc Nam là quá sớm, theo ông, chiến lược xây dựng hạ tầng giao thông phải cuốn chiếu thì mới hợp, tức 5-10 năm nữa hãy làm đường bộ cao tốc.
Việc cấp thiết hiện nay là củng cố lại đường sắt, vận tải đường biển, đường thủy nội địa, lúc đó tiết kiệm cho nhà nước hàng trăm nghìn tỷ mỗi năm.
Nếu quyết tâm xây dựng chắc chắn sẽ làm tăng chi phí xã hội một cách không kiểm soát được, vì người dân cứ ra đường là phải trả tiền, trong khi, một ô tô đang chịu hàng chục loại phí. Chúng ta mở ra BOT có cái tốt là tập trung tận dụng được nguồn lực xã hội, nhưng nếu đi quá mức cần thiết thì sẽ trở thành thương mại hóa một cách vô lý.
"Thế nên, tôi thiết nghĩ phải xem lại tuyến cao tốc Bắc - Nam nên làm hay không? Làm mức độ nào để phù hợp túi tiền của dân và trong hoàn cảnh nợ công đang cao như vậy, có nên thương mại hóa giao thông một cách quá mức như vậy hay không.
Giao thông là dịch vụ công cộng, người dân có quyền lựa chọn, trục Bắc - Nam là chính, nếu không mất tiền thì người dân bây giờ phải đi ngược lên phía Tây Nguyên bằng đường Hồ Chí Minh, còn muốn đi chính tuyến thì lại phải mất tiền, mất hàng chục triệu đồng cao hơn cả tiền nhiên liệu, ai dám đi, trong khi QL1 là tiền ngân sách xây dựng.
Nếu làm cao tốc Bắc Nam thì không còn mấy chục trạm thu phí mà là hàng trăm trạm thu phí?", ông Thủy phân tích.
Mặt khác, theo ông Thủy, vận tải đường biển Bắc Nam nếu sử dụng hợp lý, quy hoạch phù hợp thì chi phí vận tải chỉ bằng 1/3 vận tải đường bộ. Nếu vận chuyển lô hàng lớn, hàng nghìn tấn bằng đường biển thì rất hợp lý.
Đừng đổ gánh nặng lên dân
Một vấn đề khác liên quan đến trạm thu phí BOT được ông Thủy chỉ rõ, đó là xác định vị trí trạm BOT, hiện không phải do các Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ GTVT cầm chịch, mà do chủ đầu tư cầm chịch. Vì lợi ích họ luôn chọn địa điểm mà thu được phí nhiều nhất, bất chấp quy định.
Như trạm thu phí cầu Bến Thủy, trạm thu phí Tam Nông - Phú Thọ, khi dân kêu phản ứng thì mới xử lý, nó gây ra sự lãng phí vô ích vì khi làm trạm thu phí hàng chục tỷ đồng.
"Về quy định, trạm BOT phải đặt vị trí hợp lý, khu vực người dân sống gần đó thì giảm phí, thậm chí không thu phí nữa.
Cho người dân chọn đường để đi, như trục Bắc - Nam, đường QL1 không được thu phí nữa, đường độc đạo dân phải có quyền được lựa chọn. Ở Nhật Bản cũng vậy họ chia thành 2 loại đường, muốn đi đường ngon thì trả tiền, nhưng tiền đó hợp lý theo mức sống, mức lương của dân.
BOT là một hình thức có thể tận dụng được năng lực xã hội là đúng, nhưng BOT phải có đường tiến, đường lùi, chứ không phải như hiện nay, chỉ nghĩ đến thương mại hóa, đổ gánh nặng lên dân", ông Thủy nói thêm.
Theo Đất Việt