Theo chân người dân từ cảng quốc tế An Thới (thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc) và quân cảng Vùng 5 hải quân nhìn ra hơn 1km, chúng tôi chứng kiến nhiều chiếc tàu khổng lồ đang neo đậu, có tàu trọng tải hàng chục ngàn tấn, đã “no” cát chuẩn bị rời đi.
Tại đây, chúng tôi thấy gần trăm chiếc thuyền, sà lan cập thành nhiều tụ, đậu dọc bờ. Trên mỗi thuyền, sà lan, nhiều thanh niên liên tục thay nhau điều khiển dây ga máy, hì hục lay chuyển ống dẫn để hút cát lên.
Một giờ sau khi thấy đầy, các đối tượng di chuyển thuyền, sà lan đi đến tàu lớn có trọng tải hàng chục ngàn tấn gần đó để chuyển cát lên. Chuyển xong, các thuyền, sà lan quay trở lại vị trí cũ, tiếp tục hút cát. Cứ thế, đến hơn 2 giờ sau, mỗi thuyền, sà lan đã hút và chuyển đi cả trăm tấn cát.
Trong khi đó ngay sát Mũi Dương, có gần chục chiếc sà lan đang thả neo và bơm cát từ đáy biển lên, tiếng máy nổ ầm ầm. Các sà lan di chuyển đến đâu, nước từ đáy biển cuộn lên và nước từ các vòi bơm trên sà lan phun ra làm vùng biển xung quanh đục ngầu.
Không chỉ dùng sà lan dìm ống đâm sâu xuống đáy biển, các đối tượng khai thác còn sử dụng cả xe đào, xe múc “gặm” sạt đất của dân để tận thu cát. Hoạt động này đã diễn ra trong thời gian dài nhưng chính quyền và ngành chức năng địa phương vẫn “im hơi lặng tiếng”,
Trong khi cát tại đây phải mang “xuất khẩu” sang Singapore, thì các dự án tại Phú Quốc phải mua cát từ nơi khác về san lấp mặt bằng!
![]() |
Một tàu công suất lớn của nước ngoài đang chờ lấy cát. |
Có mặt tại vùng biển bị khai thác kinh khủng cát này, chúng tôi thấy ven bờ biển, đất sản xuất của người dân bị sạt lở nặng, rất nhiều cây bị bật gốc, phơi rễ chết khô. Chỉ tính riêng đoạn qua thị trấn An Thới, có cả trăm điểm sạt lở, mỗi vị trí bị sạt kéo dài hàng km.
Ông Q., một người dân địa phương cho biết: “Nạn khai thác cát ở Thị trấn An Thới diễn ra từ nhiều năm nay. Không chỉ hoạt động ban ngày, đám khai thác cát còn ngang nhiên lộng hành cả ban đêm. Có một thời gian tạm lắng xuống do báo, đài lên tiếng nhưng sau đó cả “tập đoàn” thuyền bơm hút cát đổ về, xới tung mặt biển lên để đãi cát khiến đất ven bờ bị sạt lở nghiêm trọng, bờ kè ngã đổ. Bức xúc, bà con nhiều lần gọi điện báo, làm đơn kêu cứu nhiều nơi, nhưng lần nào sự việc cũng không được giải quyết”.
Cũng theo những người dân tại địa phương, nhiều năm nay bờ biển bị sạt lở, ăn sâu vào bờ hàng trăm mét, nhiều đoạn tạo thành những vực sâu, sụt lún rất nguy hiểm. Tiếng máy móc gầm rú hút cát inh ỏi suốt cả ngày lẫn đêm. Nhiều người bức xúc phản đối thì bị các chủ tàu, nhân công làm thuê chửi bới, đe dọa hành hung, uy hiếp, gây áp lực với các hộ dân.
Dù rất bức xúc nhưng người dân tại đây đành bất lực, không thể làm gì được. Các đối tượng khai thác lấy đi hàng ngàn tấn cát, khai thác cát ồ ạt từ nhiều năm qua, khiến cho lượng cát biển ngày càng cạn kiệt.
Do nạn “cát tặc”, hàng trăm mét vuông ruộng vườn của người dân ven biển bị sạt lở; nhà cửa có thể bị “hà bá” cuốn trôi bất cứ lúc nào. Hoạt động đầy tai họa này không những coi thường sự sống của người dân, mà còn như thách thức nơi đây không có chính quyền của dân và cơ quan bảo vệ pháp luật.
Ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, địa phương đã có kiến nghị cho tạm dừng xuất khẩu cát ra nước ngoài, tuy nhiên, đó mới chỉ là đề xuất của địa phương và phải chờ các cơ quan có thẩm quyền quyết định. Ông Hưng bày tỏ mong muốn có thể được sử dụng lại chính cát của Phú Quốc để phục vụ cho mục đích của địa phương. Theo ông Hưng, việc tiếp tục khai thác, nạo vét tận thu cát có thể sẽ xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại các khu vực khác. |
Được nạo vét theo cơ chế “xã hội hóa”?
Đây là dự án thi công nạo vét vùng nước quân cảng Vùng 5 hải quân tại thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) do Công ty CP Hải Việt (Nam Định) làm chủ nhưng hiện đã bán lại cho Công ty TNHH xây dựng XNK Hải Dương KG (Kiên Giang).
Bắt đầu từ ngày 1/5, công ty này ký hợp đồng liên doanh, nhưng giao trực tiếp cho Công ty Hải Dương KG trực tiếp nạo vét, tận thu để xuất khẩu. Theo đó, để có được “đặc ân” này, cứ mỗi m3 cát thu được thì Công ty Hải Dương KG phải trả cho Công ty Hải Việt 21.000 đồng/m3 cát và phải có trách nhiệm đóng thuế, phí.
Do đây là hạng mục công trình quốc phòng nên Bộ Quốc phòng phê duyệt từ các bước thẩm định hồ sơ, thủ tục, báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo đó, để thực hiện dự án này, chủ đầu tư đã hợp đồng với Công ty CP Hải Việt và Công ty TNHH sản xuất xây dựng – thương mại Đức Long thi công nạo vét theo cơ chế “xã hội hóa”.
Một cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang cho biết, chính Bộ Xây dựng duyệt cấp khối lượng cát khai thác ở dự án nạo vét luồng tàu tại quân cảng Vùng 5 hải quân với tổng số khoảng 7 triệu m3 cát, trong đó, đơn vị thi công được phép xuất khẩu 1 triệu m3 cát.
![]() |
Hàng chục tàu và sà lan kèm ống hút, máy bơm đang neo đậu để “ăn” cát. |
Không có cát dùng, vẫn đưa cát bán?
Tại tỉnh Kiên Giang, đê biển từ thị xã Hà Tiên đến huyện An Minh bị xói lở nghiêm trọng, diện tích đất rừng đang đứng trước nguy cơ bị nước biển xóa sổ, vì vậy diện tích đất ngày càng thu hẹp. Tất cả nơi này đều cần được bồi đắp nhưng không có cát để bồi.
Tuy nhiên, nghịch lý là tỉnh Kiên Giang lại có cát xuất khẩu, mà xuất khẩu với giá rẻ bèo! Theo các doanh nghiệp xuất khẩu cát sang Singapore, giá trung bình 1 USD/m3, thậm chí nơi có khai báo chỉ 0,8 và 0,9 USD/m3. Chỉ tính từ ngày 1/1/2017 đến nay, có tổng cộng hàng chục tàu đến Việt Nam chở cát đi Singapore với tổng khối lượng hàng ngàn tấn.
PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ: Mình tạo ra sự phát triển về mặt kinh tế hay dân sinh, công nghiệp… thì phải có những hy sinh về mặt môi trường. Tuy nhiên, mình phải hết sức cân nhắc. Vừa qua, chúng ta khai thác quá mức của thiên nhiên thì chúng ta phải trả giá, mà giá phải trả là phải tính vào giá thành chúng ta đầu tư; đồng thời cũng nên xem xét lại là vừa qua, cũng cấp phép xuất khẩu cát. Điều này rất vô lý, là trong khi đồng bằng mình đang ngày càng tan rã, mà mình đi lấy cát để bán qua Singapore.
Tại sao Singapore không cho khai thác cát, mà còn mở rộng lãnh thổ ra? Trong khi chúng ta không bồi đắp, mà lại bán đi. Cho nên nếu cần, thì mình phải nhập khẩu cát. Vẫn có thể khai thác cát trong nước chứ không phải cấm hoàn toàn, nhưng phải thận trọng trong đánh giá tác động môi trường. Phát triển kinh tế bao giờ cũng phải đánh đổi, nhưng đừng quá mức. Trung bình mỗi năm ĐBSCL mất 500 ha đất. Mất là không lấy lại được. Vì thế, phải cân nhắc khi chúng ta lấy cát để san lấp một khu nào đó.
Ví dụ như một số địa phương cho phép đầu tư sân golf, mà như vậy thì phải thổi cát lên. Dự án này đã lấy cát, làm mất đất chỗ khác, nay đến đây lại thổi cát lên nữa, rất phí. Chưa kể, việc thổi cát còn gây ra ô nhiễm nguồn nước… Theo dư luận, những đầu tư đó là thiếu thận trọng, đã từng phải trả giá ở những vùng khác. Vì thế, chúng ta có cần phải đánh đổi để tiếp tục cho hút cát vô tội vạ ở Phú Quốc hay không?
Phản đối tận thu cát Chiều 25/5, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước tại phiên họp tổ kỳ họp Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu lại vấn đề khai thác cát lậu. “Báo chí đăng đã xuất qua Singapore 67 triệu m3, còn khai thác cát lậu trong nước bao nhiêu?”. Theo ông Nghĩa, cần phải làm rõ lợi ích thu được từ khai thác hàng chục triệu tấn cát, trong đó có 67 triệu m3 bán qua Singapore. Số tiền này “chui” vào túi ai và đi vào ngân sách được bao nhiêu? Quan trọng hơn, cái giá phải trả cho việc hút hàng trăm triệu tấn cát như thế nào? “Tăng GDP nhưng đánh đổi bằng những hậu quả mà báo chí vẫn đăng chuyện xóm này xóm kia bị sạt lở, hàng chục căn nhà bị cuốn xuống sông, biển. Nghe nói nhiều bí thư, chủ tịch các địa phương ủng hộ nhưng cũng có nhiều người không muốn khai thác cát, còn Bộ thì cấp phép cho tư nhân” - ông Nghĩa nói thêm. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy 10 năm qua, Việt Nam đã xuất khẩu gần 67 triệu m3 cát sang thị trường Singapore với giá chỉ 1 USD/m3, rẻ gấp nhiều lần so với giá thị trường thế giới. Các chuyên gia cảnh báo, nếu tình trạng khai thác cát ở các địa phương vẫn diễn ra ồ ạt như hiện nay thì nguồn tài nguyên cát sẽ sớm cạn kiệt, châu thổ sẽ lùi dần và biến mất, gây ra nhiều hệ lụy khôn lường. Sự mất mát đó không thể đem ra đong đếm với chút lợi nhuận cỏn con mà các doanh nghiệp khai thác và xuất khẩu cát mang về. |
Theo Đất Việt