|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Quốc tế về Tương lai châu Á tổ chức sáng nay 5-6 ở Tokyo - Ảnh: Reuters |
Với bài viết có tiêu đề “Chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam”, tờ Japan Times cho biết Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ có chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 6 đến 8-6 theo lời mời của Chính phủ Nhật Bản.
Đây là phái đoàn Việt Nam thăm Nhật Bản lớn nhất từ trước đến nay với nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng và các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các tỉnh và thành phố lớn cùng với hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam.
Tờ báo của Nhật nhận định điều này thể hiện sự mong muốn của các giới tại Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ với Nhật Bản.
Theo Japan Times, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thăm Việt Nam hồi tháng 1, Nhà Vua và Hoàng Hậu cũng đã có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam hồi cuối tháng 2 và đầu tháng 3, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Tadashi Oshima cũng đã thăm Việt Nam hồi tháng 5.
Các chuyến thăm cấp cao liên tục này đã đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương lên mức cao nhất từ trước đến nay, trên mọi phương diện, từ ngoại giao, an ninh và quốc phòng, kinh tế, thương mại và đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và giao lưu nhân dân.
Tính đến thời điểm này, Nhật Bản là đối tác phát triển hàng đầu của Việt Nam, là quốc gia đầu tư lớn thứ 2, là quốc gia có lượng khách du lịch đến Việt Nam đông thứ 3 và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Nhật Bản cũng đã trở thành điểm đến hàng đầu của thanh niên Việt Nam để học tập và nghiên cứu, với hơn 600.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại nhiêu cơ sở khác nhau trên toàn Nhật Bản. Hơn 100.000 thực tập sinh Việt Nam đang làm việc tại hầu hết các tỉnh của Nhật Bản, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của nước chủ nhà.
Liên quan đến chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một diễn đàn doanh nghiệp song phương lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức chiều ngày 5-6 với sự tham gia của 1.500 doanh nghiệp hai nước, vượt quá dự đoán của ban tổ chức.
Điều này thể hiện sự quan tâm lớn của 2 chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư và thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ có thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm và hành động của Chính phủ Việt Nam nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và công khai, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản.
Việt Nam đang tiến hành những cải cách và cơ cấu kinh tế một cách sâu rộng, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được cải thiện từ vị trí thứ 12 trong năm 2015 lên vị trí thứ 9 trong năm 2016 trên Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB). Tương tự, hồi tháng 5, hãng Moody's đã điều chỉnh chỉ số triển vọng của Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.
Trong bối cảnh này, các cơ hội ngày càng nhiều đối với các đối tác doanh nghiệp Nhật Bản để đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Những cơ hội này bao gồm các hoạt động sáp nhập với việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, phát triển hạ tầng, xây dựng, vận tải, viễn thông, thực phẩm và nông nghiệp, doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ, các cơ chế đối tác công-tư trong lĩnh vực kho vận, du lịch, dịch vụ, y tế, giáo dục các ngành công nghiệp phụ trợ…
Chính phủ Việt Nam hoan nghênh 1 làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản trong những năm tới và coi những thành công của doanh nghiệp Nhật Bản cũng chính là thành công của Việt Nam và thành công của Việt Nam cũng chính là thành công của Nhật Bản.
Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc được Tập đoàn Nikkei mời làm diễn giả chính tại phiên khai mạc Hội nghị Quốc tế về Tương lai Châu Á diễn ra trong hai ngày 5 và 6-6 tại Tokyo.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 23 về "Tương lai châu Á" tổ chức sáng nay 5-6 ở Tokyo - Ảnh: Reuters |
Đây là 1 trong những sự kiện quốc tế được quan tâm nhất tại châu Á. Với chủ đề “Toàn cầu hóa ở ngã ba đường - Hành động của châu Á”, hội nghị thu hút hơn 400 chính trị gia trong đó có những người đứng dầu chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp lớn và chuyên gia cấp cao của khu vực cũng như trên thế giới.
Theo dự kiến, trong bài phát biểu, Thủ tướng Việt Nam sẽ đề cập đến quan điểm của Việt Nam về các chủ đề được thảo luận cũng như cam kết của Việt Nam với hòa bình, ổn định và phát triển khu vực.
Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được dự đoán sẽ đóng góp lớn cho việc phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực.
Cùng trong số báo này, tờ Japan Times đã đăng tải các thông điệp của nhiều tập đoàn lớn tại Nhật Bản như Mitsubshi, Sojitz, Sumitomo chào mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Nhật Bản.
Theo TTO