Nhật Bản đối đầu Trung Quốc: Sức mạnh mũi đinh ba

Thứ ba, 06/06/2017, 18:45
Nhật Bản có đủ căn cứ sức mạnh trên cả 3 lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật và quân sự trong cuộc đối đầu với một Trung Quốc đang lên.

Trung Quốc đang chứng tỏ sức mạnh đang lên cả về kinh tế, khoa học và quân sự. Trong tình hình hiện tại, có cảm tưởng Nhật Bản đang từng bước bị Trung Quốc vượt qua, thậm chí lấn át.

Những sự kiện nổi bật như việc Trung Quốc ồ ạt điều tàu chiến, máy bay chiến đấu khiêu khích và uy hiếp Nhật Bản ở khu vực Hoa Đông dường như củng cố thêm quan điểm này.

Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ thì thực lực của Nhật Bản vẫn rất mạnh, có thể ví theo cách nói của người Trung Quốc là “ngọa hổ tàng long”.

Nhật Bản có đủ sức mạnh trên cả 3 lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật và quân sự để tự tin trước Trung Quốc.

Trong phần một bài viết, chúng tôi xin trích dẫn các số liệu để làm rõ vấn đề trên 2 lĩnh vực là kinh tế và khoa học kỹ thuật. Trong bài viết tiếp theo, các con số về quân sự sẽ là minh chứng cho sức mạnh quân sự không hề thua kém của Nhật Bản.

Âm thầm những con số nghìn tỷ đô

Đầu năm 2017, Thủ tướng Nhật Bản đi thăm 4 nước ở châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài việc cam kết tài trợ cho một số nước, nhà lãnh đạo Nhật Bản còn cam kết đầu tư 800 tỷ yên cho Nga và 150 tỷ USD cho Mỹ.

Giới phân tích cho rằng, động thái này chứng tỏ để thúc đẩy ngoại giao đối đầu với Trung Quốc, ông Abe không hề tiếc tiền. Nhật Bản có những sức mạnh “cứng” gồm kinh tế, khoa học kỹ thuật và quân sự để đấu với Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Về mặt kinh tế, Nhật Bản tuy trải qua “10 năm, 20 năm mất mát”, nhưng vẫn là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, đến nay vẫn chưa có đối thủ. Ưu thế của Nhật Bản nằm ở chỗ:

Thứ nhất là GDP có giá trị thực, đóng góp của doanh nghiệp nước ngoài dường như không đáng kể trong GDP của nước này; thứ hai là tuy nợ công của Nhật Bản rất lớn nhưng đều là nợ ở trong nước, họ lại luôn là cường quốc chủ nợ lớn nhất thế giới.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản khá thấp, nhưng về tổng thể vẫn tiếp tục tăng trưởng. Có thể nói, đây là trạng thái bình thường để Nhật Bản phát triển kinh tế.

Thu nhập bình quân đầu người tính theo GDP của Nhật Bản là 56.000 USD vào năm 2015, đứng thứ 5 trên thế giới. Tuy mức thu nhập này không thể bằng thời kỳ trước khi bong bóng kinh tế Nhật Bản vỡ, nhưng vẫn chứng tỏ sức mạnh của kinh tế Nhật Bản.

Núi Phú Sĩ phía xa làm nền cho những tòa nhà chọc trời thể hiện sức mạnh kinh tế của Nhật Bản

Thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy vào cuối năm 2015, tài sản ở nước ngoài của họ (bao gồm của doanh nghiệp, chính phủ và cá nhân) nếu được định giá bằng đồng yên thì đầu tư trực tiếp nước ngoài là 152 nghìn tỷ yên, đầu tư cổ phiếu là 42 nghìn tỷ yên, trái phiếu là 270 nghìn tỷ yên, sản phẩm tài chính phái sinh là 45 nghìn tỷ yên, các khoản đầu tư khác là 180 nghìn tỷ yên, dự trữ ngoại hối khoảng 149 nghìn tỷ yên... tổng cộng là 949 nghìn tỷ yên.

Nếu họ trừ đi 609 nghìn tỷ yên dư nợ thì số dư tài sản ở nước ngoài của họ là 340 nghìn tỷ yên (khoảng 3.400 tỷ USD). Đây là điều mà không nước nào trên thế giới theo kịp.

Nếu tính bằng đồng yên, năm 2015 tiền lãi thường xuyên từ các dự án là 17 nghìn tỷ yên, tăng 5,3 lần so với năm 2014. Trong đó, tiền lãi lần đầu (bao gồm tiền lãi của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp và đầu tư chứng khoán ở nước ngoài) là khoảng 21 nghìn tỷ yên, tăng 14,7% so với năm 2014.

Đây là lần đầu tiên mức tiền lãi này vượt 20 nghìn tỷ yên, là mức cao nhất kể từ khi thống kê vào năm 1985.

Người dân Nhật Bản luôn bận rộn và chăm chỉ

Về ngoại thương, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản khoảng 75 nghìn tỷ yên, nhập khẩu khoảng 76 nghìn tỷ yên, mức thâm hụt khá thấp, chỉ khoảng 643,4 tỷ yên, giảm 1/16 so với năm 2014 (khoảng 10 nghìn tỷ yên).

Về du lịch, nguồn thu từ lĩnh vực này khoảng 1 nghìn tỷ yên, là lần đầu tiên kể từ năm 1962, Nhật Bản từ lỗ chuyển sang có lãi. Du khách nước ngoài đến Nhật Bản đạt kỷ lục 19,73 triệu lượt người, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2014, du khách cũng chi tiêu 3.400 tỷ yên.

Nguồn thu từ sử dụng quyền sở hữu trí tuệ trong ngành dịch vụ cũng cao kỷ lục kể từ năm 1996, đạt được khoảng 2 nghìn tỷ yên.

Nhật Bản duy trì danh hiệu một trong những nước giàu nhất thế giới suốt 25 năm.

Thực lực khoa học trên cơ

Cho dù là khoa học cơ sở hay công nghệ sản xuất thì Nhật Bản đều có sức mạnh rất lớn. Trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên như hóa học, vật lý, y học..., số lượng nhà khoa học Nhật Bản giành được giải Nobel đã lên tới 24 người (bao gồm cả người nhập quốc tịch nước ngoài).

Trên thế giới, con số này chỉ ít hơn Mỹ, Đức, Pháp và Đan Mạch, đứng đầu trong số những quốc gia của người da màu (không phải da trắng).

Trong lĩnh vực kỹ thuật sản xuất, Nhật Bản đã thực hiện độc lập tự chủ thật sự, về căn bản là “nội địa hóa”, cũng không có linh kiện then chốt trong “kỹ thuật cốt lõi” phụ thuộc vào nhập khẩu mà đều được sản xuất ở trong nước.

Một góc thành phố Osaka của Nhật Bản

Về trình độ kỹ thuật sản xuất và năng lực nghiên cứu, quốc gia bị Nhật Bản coi là đối thủ chỉ có Mỹ. Thực ra, trong hai lĩnh vực điện dân dụng và quân sự, ngay cả Mỹ cũng phải sử dụng linh kiện của Nhật Bản.

Theo báo chí Nhật Bản, linh kiện để bộ vi xử lý Pentium của Tập đoàn Intel vận hành là linh kiện của Công ty Nikon, điện thoại của Công ty Nokia sử dụng pin công nghệ cao của Công ty Sanyo, ô tô Cadillac của Mỹ dựa vào máy công cụ của các công ty Nhật Bản như Komatsu, FANUC... để gia công chế tạo. Vì vậy về kỹ thuật sản xuất, rất nhiều người Nhật Bản thậm chí coi thường Mỹ.

Trong đánh giá “100 quốc gia sáng tạo hàng đầu thế giới”, Nhật Bản luôn đứng hàng đầu khi trong 2016 có 34 công ty lọt vào danh sách này, thậm chí còn vượt Mỹ trong 2014. Để dễ hình dung, Trung Quốc chỉ có Tập đoàn Hoa Vĩ được đưa vào danh sách này năm 2014.

Tỷ lệ ngân sách nghiên cứu khoa học công nghệ trong GDP của Nhật Bản đã tăng lên 3,4% vào năm 2014, cao hơn 2,7% của Mỹ và 2% của châu Âu.

Robot tự động trong sản xuất ôtô tại Nhật Bản

Bước ngoặt là năm 1989, kim ngạch xuất khẩu kỹ thuật của Nhật Bản cao hơn kim ngạch nhập khẩu. Năm 2010, Nhật Bản vượt Anh, sau đó mỗi năm đều tăng kim ngạch xuất khẩu, hiện nay kim ngạch xuất khẩu kỹ thuật đã gấp 4,6 lần nhập khẩu. Trong danh sách xuất khẩu kỹ thuật hàng đầu thế giới, Nhật Bản chỉ đứng sau Mỹ.

Trong lĩnh vực kỹ thuật tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, Nhật Bản là quốc gia phát triển nhất thế giới, có danh hiệu quốc gia đứng đầu về tiết kiệm năng lượng.

Đến nay, ở rất nhiều quốc gia, nhiều ngành sản xuất vẫn phụ thuộc vào sự hỗ trợ kỹ thuật của Nhật Bản như ổ trục bi, kỹ thuật quang học, pin tính năng cao, máy công cụ, CCD, LCD...

Công nghệ tinh xảo cũng là thế mạnh của Nhật Bản như thiết bị bán dẫn, công nghệ nano..., người Nhật Bản tự nhận họ đi trước Mỹ và châu Âu 10 năm. Về bộ linh kiện và màn hình hiển thị của điện thoại, máy kiểm tra thiết bị bán dẫn, Nhật Bản chiếm hơn một nửa thị trường thế giới.

Theo báo chí Nhật Bản, nước này có rất nhiều kỹ thuật sản xuất đứng đầu thế giới như thép chịu lực cao và kỹ thuật luyện thép thế hệ thứ ba, công nghệ luyện kim phi than cốc, dây điện siêu dẫn nhiệt độ cao, robot...

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn