Việt Nam leo 5 bậc, xếp thứ 6 về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu

Thứ ba, 06/06/2017, 09:18
Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam từng đạt được theo xếp hạng Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI).

Theo xếp hạng Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2017 được hãng tư vấn A.T. Kearney công bố hôm nay (5/6), Việt Nam leo lên vị trí cao nhất trong 16 năm xếp hạng GRDI, vị trí thứ 6.

Việt Nam đã cải thiện 5 bậc so với xếp hạng năm 2016. Theo A.T. Kearney, sự cải thiện đáng kể này đến từ việc nới lỏng chính sách đầu tư, giúp Việt nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các hãng bán lẻ nước ngoài.

Chính phủ đã nâng mức trần sở hữu của doanh nghiệp bán lẻ ngoại lên 100% năm 2015, cùng việc sửa đổi chính sách theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Những động thái này đã mang đến hiệu quả rõ rệt, khi FDI vào Việt Nam tăng trưởng 12,5% trong năm 2016.

Việt Nam xếp thứ 6 về chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu GRDI, thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được. Ảnh minh họa: VietnamNet.

GRDI là xếp hạng thường niên, đánh giá đầu tư phát triển ngành bán lẻ tại 30 quốc gia đang phát triển. Đây là năm thứ 16 A.T. Kearney công bố xếp hạng này.

"Nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi theo hướng cho khối tư nhân và hướng tới xuất khẩu hàng hóa giá trị cao, điều này được dự đoán sẽ giúp tăng thu nhập bình quân và mức chi tiêu dùng trong dài hạn. Với chính sách đầu tư được nới lỏng và GDP tăng trưởng dự doán sẽ đạt 6,6% trong năm 2017, các nhà bán lẻ nước ngoài có lý do để lạc quan về thị trường Việt Nam", đại diện A.T. Kearney tại Đông Nam Á cho hay.

Không chỉ có bán lẻ truyền thống, thương mại điện tử (TMĐT) cũng đang đóng góp vào xu thế với doanh thu dự kiến tăng trưởng 22%, chiếm 1,2% tổng doanh thu bán lẻ tính tới cuối năm 2017. Nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ đầu tư mạnh vào Việt Nam trong tương lai gần.

Cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đang là phân khúc phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Circle K và FamilyMart bước chân vào thị trường năm 2009 và mở rộng nhanh chóng. FamilyMart dự kiến sẽ có 800 cửa hàng nhượng quyền tới năm 2020. 7-Eleven cũng lên kế hoạch sẽ mở cửa hàng và đặt mục tiêu 1.000 cửa hàng trong 10 năm.

Lotte Mart cũng lên kế hoạch sẽ mở 60 cửa hàng tới năm 2020. Emart, hãng bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc cũng vừa khai trương trung tâm thương mại trị giá 60 triệu USD tại TP.HCM. Hãng bán lẻ Nhật Bản Takashimaya cũng đã mở cửa hàng tại Saigon Centre ở TP.HCM. Tập đoàn VNG cũng đầu tư 17 triệu USD để sở hữu 38% cổ phần nền tảng TMĐT Tiki.

Theo Zing

Các tin cũ hơn