Chặn cát lậu, giá cát tăng phi mã

Thứ tư, 07/06/2017, 08:28
Giá cát ở đồng bằng sông Cửu Long đang tăng phi mã khiến người dân điêu đứng, các công trình nhà nước cũng bị vạ lây.

Xáng cạp nạo cát từ lòng sông Tiền đưa lên cho các sà lan đến quá tải

Giá cát ở các địa phương tại ĐBSCL hiện tăng khoảng 40-50% so với trước thời điểm Chính phủ chỉ đạo ngưng cấp phép mới đối với việc khai thác cát sông.

Tăng từng ngày

Tại Cần Thơ, nhiều người dân xây nhà như đang ngồi trên lửa khi giá cát tăng và rất khó mua. Ông Trường, một chủ thầu xây dựng, cho biết ông đã nhận thầu trọn gói hai ba căn nhà nhưng mấy tuần nay giá cát tăng khiến ông “lãnh đủ” bởi không thể đàm phán được với chủ nhà.

Theo ông Trường, đến lấy cát thì cửa hàng nói không có ngay, giao rất chậm mà giá rất cao. Giá cát san lấp hiện ở mức 320.000 đồng/m3, cát xây tô 400.000 đồng/m3, cao gần gấp đôi mấy tuần trước.

Các xáng cạp ở sông Tiền bán cát cho các sà lan với giá 150.000 đồng/m3 tại mỏ, tăng gấp 3 lần so với trước. Chi phí vận chuyển cát từ mỏ về Cần Thơ hiện tại là 80.000 đồng/m3, cũng tăng gấp 3 so với trước.

Tại Bạc Liêu, ông Nguyễn Văn Nới (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi), chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng, cho biết ông thường lấy hàng ở đại lý lớn hơn tại Sóc Trăng, nhưng những ngày qua không có hàng.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thanh Liêm - tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Sóc Trăng, hơn một tháng nay giá cát xây dựng và cát san lấp trên địa bàn tỉnh cũng tăng chóng mặt. Đầu tháng 4, giá cát xây dựng chỉ 130.000 đồng/m3thì nay đã tăng lên 300.000 đồng/m3, trong khi giá cát san lấp cũng tăng từng ngày, từ 110.000 đồng lên 200.000 đồng/m3.

Ngày 6-6, nhiều chủ vựa cát tại Đồng Nai cho hay tình hình cát xây tô nhà cửa, công trình đang khan hiếm nên liên tục đội giá. Các vựa cho biết do việc cấm khai thác cát, ngưng nạo vét tại nhiều địa phương nên đã xảy ra tình trạng thiếu cát rất lớn. Dự báo của các vựa cát và các nhà thầu, giá cát còn tăng lên trong những ngày tới.

Tại Long An, ông Nguyễn Văn Hùng - giám đốc Sở Xây dựng Long An - cho biết hiện nay giá cát xây dựng ở tỉnh ghi nhận nhiều nơi hơn 400.000 đồng/m3, tăng so với tháng trước gần 30%.

Tại Hà Nội, ông Trần Văn Thành - chủ một doanh nghiệp xây dựng - cho biết giá cát trong những tháng gần đây tăng chóng mặt. Theo ông Thành, cát đổ bêtông tại bãi tăng từ 
160.000 đồng/m3 lên 220.000 đồng/m3, riêng cát đổ mái tăng từ 400.000 đồng/m3lên trên 800.000 đồng/m3.

Công trình xây dựng, đường sá gặp khó

Không chỉ những công trình tư nhân, cả công trình nhà nước cũng chịu chung số phận khi bị chậm tiến độ vì thiếu cát.

Tại hội nghị sơ kết công tác quản lý hoạt động khai thác cát mới đây, ông Nguyễn Văn Bé Sáu - chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm (Bến Tre) - nêu một thực trạng mà hầu hết các địa phương tại miền Tây đang gặp là các công trình xây dựng thiếu trầm trọng nguồn cát lấp và cát xây.

Chỉ riêng huyện Giồng Trôm đã có tới 21 công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ năm 2016 thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gặp khó khăn do thiếu cát.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - giám đốc Ban quản lý dự án huyện Giồng Trôm - cho biết nhiều công trình được ký kết cách đây vài năm khi giá cát san lấp chỉ khoảng 50.000-60.000 đồng/m3, cát xây khoảng 140.000-180.000 đồng/m3thì khoảng một tháng nay giá đã vọt lên, gấp 2-3 lần so với trước đây.

Tuy giá cát lên cao nhưng hiện nay không có nguồn để mua vì tại tỉnh Bến Tre, hầu hết các mỏ đã đóng cửa.

Trước đây toàn tỉnh có 20 mỏ cát được cấp phép, nay chỉ còn 2 mỏ đang hoạt động nên nguồn cung giảm mạnh, trong khi nhu cầu xây dựng ngày càng tăng, nhu cầu xây dựng đường sá, trường học, chợ để phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Các trường học trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang trong giai đoạn xây dựng cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu cát dẫn đến chậm tiến độ. Điển hình như Trường THCS Phong Nẫm, Trường mẫu giáo Lương Phú, hạ tầng giao thông xã Lương Phú (huyện Giồng Trôm) đều bị chậm tiến độ do khan hiếm cát lấp.

Ông Nguyễn Văn Chỉnh - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Long An - cho biết “điều khó khăn nhất chính là việc thiếu nguồn cát để xây dựng, khiến tiến độ thi công của đa số công trình giao thông đều bị ảnh hưởng”.

Ông Dương Quốc Việt, giám đốc Sở Xây dựng Sóc Trăng, cũng cho rằng tình hình giá cát tăng đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình sử dụng ngân sách nhà nước, do giá cát quá cao nên đơn vị thi công cầm chừng, vì càng đẩy nhanh tiến độ càng lỗ.

Còn đối với những công trình đã trúng thầu, các đơn vị thi công tỏ ra khá dặt dè, chưa dám ký hợp đồng, chờ giá cát hạ nhiệt rồi mới tính.

“Làm giá”

Một chủ đại lý cát ở huyện Cần Giuộc (Long An) thường xuyên lấy cát từ các mỏ cát tại Đồng Tháp về bán trên địa bàn huyện Cần Giuộc nêu một thực tế: “Cát có nhiều loại, việc nhiều loại cát tăng hơn 400.000 đồng/m3 là do có tình trạng một số loại bắt đầu khan hiếm. Thậm chí có một số đại lý không bán một số loại cát mà dân xây dựng ưa chuộng, đợi khi người ta bắt đầu đi săn lùng mua thì mới tung ra ở giá cao”.

Ông Lê Chí Tôn, chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Bạc Liêu, cho biết việc khan hiếm khiến cát tăng giá là có thật, nhưng giá tăng phi mã cũng có một phần do tâm lý thị trường, tức là các đại lý, cửa hàng vật liệu xây dựng tự nâng giá lên khi thấy thị trường hút hàng, nhu cầu về xây dựng đang rất lớn.

Ông Đồng Thanh Út, phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu, đánh giá hiện giá cát ở tỉnh tăng khoảng 40-50% so với trước đây, nguyên nhân do các địa phương đang siết lại hoạt động khai thác cát và cơ quan chức năng không cấp phép khai thác ở các mỏ mới.

Tuy nhiên, không loại trừ có tình trạng “thổi giá” cao so với mức tăng giá cho phép, vì vậy sở sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, rà soát việc này.

Ông Dương Quốc Việt cho rằng để bình ổn giá cát xây dựng và cát san lấp, cần thiết phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng. “Phải kiểm tra chặt chẽ, xử lý theo quy định pháp luật đối với những doanh nghiệp lợi dụng cơ hội để làm giá, gây bất ổn thị trường” - ông Việt nói.

Do cát lậu không còn

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết đã thành lập các đoàn khảo sát về tình hình tăng giá cát để có số liệu cụ thể, chính xác về thị trường cát. Nhận định ban đầu về nguyên nhân tăng giá là do các địa phương quản lý kỹ các nguồn khai thác cát nên lượng cát khai thác lậu, trái phép không còn, dẫn đến khan hiếm nguồn hàng làm giá cát tăng.

Theo TTO

Các tin cũ hơn