Tiền vào thị trường đang tăng cao nhất 3 năm gần đây

Thứ tư, 07/06/2017, 11:38
Tín dụng ngành ngân hàng đến cuối tháng 5 đã tăng 6,53% so với cuối năm 2017, đây là mức tăng cao nhất trong các năm gần đây.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 19/5, tổng phương tiện thanh toán đã tăng 4,41% so với cuối năm 2016, huy động vốn cũng tăng 4,11% so với đầu năm.

Hiện lãi suất cho vay phổ biến 6-9%/năm đối với ngắn hạn và 9-11% đối với trung và dài hạn. Với nhóm khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ 4-5%/năm.

Đáng chú ý, lượng vốn toàn hệ thống cho nền kinh tế vay trong 5 tháng qua đang tăng cao kỷ lục trong nhiều năm gần đây.

Tín dụng vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2017, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Ảnh minh họa: Quang Thắng.

Cụ thể, đến ngày 25/5, tín dụng toàn ngành đã tăng 6,53% so với cuối năm 2016, đây là mức tăng cao nhất so với các năm gần đây. Cùng kỳ 2016, mức tăng tín dụng là 5%, cùng kỳ 2015 là 4,5% và 2014 là 1,3%. Mặt bằng lãi suất ổn định là nguyên nhân khiến dòng tiền vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh tiếp tục được tăng cường.

Vấn đề được quan tâm đặc biệt trong thời gian qua là hoạt động tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. NHNN đang xây dựng kế hoạch để thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Báo cáo trước Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết đến hết năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8% tổng dư nợ cho vay trong nền kinh tế. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn thì tỷ lệ này lên tới 10,08%, cao hơn rất nhiều con số thực.

Tính đến hết quý I, nợ xấu nội bảng của 12 ngân hàng TMCP đang ở mức 2,2% tổng dư nợ. Đồ họa: Quang Thắng.

Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung. Theo đó định hướng xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng yếu kém bằng cơ chế thị trường, nhưng phải đặc biệt đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.

Đề án xử lý nợ xấu đang được thảo luận, lấy ý kiến nhấn mạnh vào việc bảo vệ quyền lợi của chủ nợ, và hình thành một thị trường mua bán nợ xấu công khai. Nợ xấu sẽ được định giá theo nguyên tắc thị trường.

Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, để xử lý nợ xấu một cách hiệu quả, việc thành lập và phát triển thị trường mua bán nợ và bảo vệ quyền lợi của chủ nợ là điều kiện quan trọng nhất.

Trước đó, nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại cho biết điểm gây khó khăn trong khâu xử lý nợ xấu chính là chủ nợ không có quyền thu giữ tài sản đảm bảo. Nếu ngân hàng được phép thu giữ tài sản đảm bảo khi khách hàng không thể trả nợ, có thể xử lý khoản nợ xấu triệt để ngay lập tức.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích