Trung Quốc tự hào về dòng phim cổ trang cung đình. Hoàn Châu cách cách, Chân Hoàn truyện, Bộ bộ kinh tâm hay Cung tỏa tâm ngọc tái hiện một phần lịch sử triều Thanh trên phim. Khán giả nhiều thế hệ cũng hiểu lịch sử qua những tác phẩm này.
Nhưng thực tế, sự chân thực mà phim ảnh mang lại khiến nhiều người phải suy nghĩ. Hãng tin Phượng Hoàng đặt câu hỏi: "Xem phim cổ trang nhiều năm như thế, lịch sử đang bị biến thành dạng gì?".
Trong số các cung phi thời Càn Long, Hàm Hương được nhớ đến hơn cả hoàng hậu nhờ Hoàn Châu cách cách. Đó là cung phi xinh đẹp, có mùi hương cơ thể tự nhiên, ôm mối tình thanh mai trúc mã với Mông Đan. Có truyền thuyết cô mất đi và hóa bướm bay lên trời.
Hàm Hương trong phim không có nguyên mẫu rõ ràng. Ảnh: HCCC. |
Thế là mấy chục năm nay, khán giả vẫn nghĩ đến Hàm Hương như một tiên nữ. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV4 cho biết trong ghi chép hậu phi Càn Long thậm chí không có tên Hương Phi.
Sự trùng hợp về nguồn gốc Hương Phi khiến nhiều người phỏng đoán Dung Phi là Hương Phi. Một vài hình ảnh mô phỏng về Dung Phi tại Đông Lăng được cho là Hương Phi. Nhưng ngay cả các sử học gia cũng đành "bó tay" vì không xác định chính xác.
Theo ghi chép, Dung Phi vào cung khi 26 tuổi. Chưa đầy hai năm vào cung, bà được phong hàng "tần" sau đó là "Dung Phi". Dung Phi rất được lòng hoàng thượng và hoàng thái hậu. Bà qua đời khi 55 tuổi, được an táng tại Đông Lăng, thay vì đưa về quê nhà Hồi Cương.
"Sự tương đồng giữa sử và phim chỉ khoảng 2%", CCTV4 đánh giá.
Hình ảnh tái hiện từ khu mộ Dung Phi tại Đông Lăng, được cho là Hàm Hương. Ảnh: CCTV4. |
Khi xem phim cổ trang triều đại nhà Thanh, không khó để thấy những mối tình tay ba tay tư giữa các "a ca" và người đẹp. Tư liệu để lại thời Thuận Trị khẳng định thời Thanh, các hoàng tử được nuôi dưỡng khác người. Họ bị gò bó và sống trong sự căng thẳng, hầu như không thể có thời gian để yêu cùng một cô gái.
"Thuận Trị năm xưa khi sinh ra cũng chỉ thấy mẹ đẻ được một lần. Từ Hy thái hậu sinh con vài ngày đã được nhũ mẫu bế đi", trích dẫn từ ghi chép.
Dàn hoàng tử si mê một thiếu nữ, yêu đương lãng mạn là chuyện không tưởng. Thời đó, các hoàng tử đến mẹ còn khó gặp vì triều đình sợ "nhà ngoại" vượt quyền khi con lên ngôi. |
Do nội quy cung đình nghiêm ngặt nên mẹ và con còn khó có cơ hội gặp nhau, càng không có chuyện dễ dàng gặp gỡ cùng một cô gái.
Một tiết lộ gây sốc nữa là a ca thời nhà Thanh "đói ăn". Cung đình giàu có nhưng vua chúa nhà Thanh cho rằng ăn nhiều không tốt. Khang Hy và Càn Long ra quy định một ngày chỉ ăn hai bữa để tốt cho dạ dày. Vua Quang Tự khi bé vì ăn không đủ no còn đi lấy đồ ăn của thái giám.
"Thế nên những tình tiết yêu rơi nước mắt trong phim chỉ là dàn dựng cho vui", một nhà phê bình tiết lộ.
Mô típ "cung đấu - hậu cung tranh tình yêu và quyền lực" rất quen thuộc trên màn ảnh. Các phi tần bằng mọi cách lấy lòng hoàng thượng và dễ dàng lên ngôi hoàng hậu. Trong nhiều phim, ngôi vị hoàng hậu bị cho là quá mong manh.
Chuyện phi tần ngang hàng hoàng hậu là điều khó xảy ra. Ảnh: Chân Hoàn truyện. |
Hoàng hậu lạnh lùng sẽ bị sủng phi mới hạ bệ. Các cung phi tranh nhau nũng nịu, dụ dỗ hoàng thượng ở lại cung là nâng địa vị. Chân Hoàn truyện thành công nhờ kịch bản này và đủ khiến nhiều người hiểu sử thất vọng.
Trong sử đề cập khả năng phi tần tranh đấu không dễ dàng. Hoàng hậu vị trí cao nhất, là nữ chủ nhân hậu cung. Những phi tần khác dù có được yêu đến đâu cũng chỉ là "tiểu chủ". Hoàng hậu có quyền ở lại cả đêm cùng hoàng thượng, đó là đặc quyền riêng. Các phi tần khác không thể ở lại tẩm cung hoàng đế trọn đêm.
Khi hoàng hậu mắng hay đe nẹt các thứ phi, dù là hoàng thượng cũng không dám can ngăn vì đây là tổ tông tông pháp. Hoàng hậu chỉ bị phế khi phạm tội lớn.
Trong chương trình Hồ sơ quốc bảo của CCTV4, đài này bình luận: "Nếu thích, hoàng hậu không cho ai ở bên hoàng thượng đều có thể làm được. Hoàng thượng là chủ hoàng cung nhưng hậu cung là của hoàng hậu".
Theo Zing