Việc VCPMC tiến hành thu tiền tác quyền âm nhạc ở quán cà phê đang gây ra những phản ứng trái chiều. Với tư cách Thứ trưởng Bộ VHTT&DL kiêm Cục trưởng Cục NTBD, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Tôi thấy việc VCPMC tiến hành thu phí tác quyền âm nhạc ở các quán cà phê như phản ánh trên báo chí vừa qua là không ổn. Không ổn ở chỗ, chứng cứ pháp lý để tiến hành thu phí tác quyền chưa có cơ sở rõ ràng mà Trung tâm này đã ra văn bản như là cơ quan quản lý nhà nước.
Tôi cho rằng, Trung tâm này chỉ là một đơn vị tư nhân mà ra văn bản như cơ quan quản lý nhà nước là không được. Tôi còn nghe người ta nói, Trung tâm này nhấn mạnh trong văn bản, nếu quán cà phê nào không chịu nộp phí tác quyền âm nhạc sẽ mời Công an, Thanh tra đến làm việc.
Cách hành xử như thế lại càng không ổn. Rõ ràng, việc nộp phí tác quyền âm nhạc này là quan hệ dân sự, chỉ thỏa thuận với nhau và khi đi đến ý kiến thống nhất giữa hai bên mới tiến hành thu. Trung tâm này không thể và không được phép sử dụng biện pháp hành chính như cơ quan nhà nước.
Thứ trưởng Vương Duy Biên |
Rất nhiều người cho rằng, bản thân việc thu phí tác quyền âm nhạc của VCPMC tồn tại khá nhiều vấn đề chưa minh bạch, gây nên nhiều bức xúc trong dư luận. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi cũng có suy nghĩ như vậy. Vấn đề này tôi đã được nghe rất nhiều đơn vị nghệ thuật, đơn vị tổ chức sự kiện và nghệ sỹ phản ánh. Tức là nếu nhạc sỹ ủy quyền cho Trung tâm này thu phí tác quyền hộ thì Trung tâm này phải chứng minh được là những nhạc sỹ nào đã ủy quyền và ủy quyền ra sao. Thời đại này là thời đại công nghệ, chỉ một tích tắc là mọi giấy tờ đã có thể công khai trên website, điều này không có gì là khó. Trung tâm này cứ lấy lý do số đông, không thể trưng ra cho từng người… là hoàn toàn ngụy biện.
Vì vậy việc thu phí tác quyền không nên thu khoán, thu không minh bạch. Ví dụ, hôm nay tôi mở ngần này bài nhạc nhưng Trung tâm có người giám sát ở đấy không để biết những bài hát tôi mở nằm trong danh mục phải nộp phí tác quyền mà ra văn bản. Cách đây không lâu, quy định thu phí tác quyền âm nhạc tivi ở khách sạn chưa hoàn toàn thống nhất quan điểm mà đã tiến hành thu ở 3 thành phố Hà Nội, TP.HCM và Khánh Hoà. Và bây giờ thu phí tác quyền âm nhạc ở quán cà phê lại tiếp tục dấy lên những phản ứng trái chiều.
Thêm nữa, việc thu phí tác quyền dù chưa hợp lý nhưng đã diễn ra nhiều năm nay, vậy số tiền thu được, được chi trả cho các tác giả cụ thể như thế nào, các tác giả có kiểm soát được việc này hay không. Tôi không thấy có cơ chế nào giúp các tác giả kiểm soát được việc này và cũng không thấy công khai con số cụ thể. Vì thế, nhiều đơn vị tổ chức nghệ thuật, đơn vị biểu diễn và nghệ sỹ đã bày tỏ sự bất bình trước việc này.
Vậy quan điểm của Bộ VHTT&DL trước việc này như thế nào, thưa ông?
Quan điểm của Bộ VHTT&DL là tôn trọng việc bảo vệ quyền tác giả nhưng mọi việc phải được tiến hành một cách chính xác và minh bạch. Bộ VHTT&DL đang chuẩn bị các văn bản để chỉ đạo các Sở VHTT&DL, các đơn vị nghệ thuật, cá nhân… phải thực thi đúng Luật bảo vệ quyền tác giả, phải đảm bảo quyền lợi của người sáng tác nhưng mặt khác bên thu phí tác quyền phải chứng minh được việc thu đúng, thu đủ, không được phép thu thừa.
Từ sự việc này, tôi đặt vấn đề rằng: “Phải chăng việc thu phí tác quyền đang quá đà, đi quá xa?”. Vì “đi quá đà, đi quá xa” nên sẽ dẫn đến việc hạn chế sự hưởng thụ nghệ thuật của công chúng. Đặc biệt là những tác phẩm âm nhạc của Việt Nam. Ví dụ, nếu trước đây trên máy bay rất hay phát nhạc Việt Nam thì nay họ đã chuyển sang phát nhạc nước ngoài.
Và nếu cứ giữ quan điểm cực đoan trong việc thu phí tác quyền như thế này thì nay mai người dân đi ngoài đường nhìn tranh cổ động, ngắm một bức tượng… cũng phải nộp phí tác quyền. Như thế thì khác nào cản trở sự hưởng thụ nghệ thuật của công chúng.
Hôm trước tôi đã đề nghị dừng việc thu phí tác quyền tivi tại khách sạn vì rõ ràng người ta đến nghỉ ở khách sạn đâu phải để xem tivi hoặc ra quán cà phê đâu phải để nghe nhạc.
Tôi thấy bên VCPMC đưa ra nhiều lập luận nhưng chưa đủ sức thuyết phục. Trước sự việc này, tôi nghĩ, đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ VHTT&DL cần phải có chỉ đạo để chấn chỉnh sự việc này, tránh những phản ứng trái chiều trong dư luận như vừa qua.
VCPMC có lý giải rằng, việc họ tiến hành thu phí tác quyền âm nhạc dựa trên nhiều yếu tố trong đó có tham khảo các quốc gia trên thế giới. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi cho rằng, với tình hình thực tế của đất nước mình hiện nay, không phải cứ áp dụng bất kỳ điều gì từ quốc tế đều phù hợp. Điều kiện, hoàn cảnh, thực tiễn đời sống của Việt Nam hoàn toàn khác. Trung tâm này không thể áp đặt một cách cứng nhắc như thế.
Chẳng hạn, Trung tâm đưa ra một khoản phí rồi cho là rất rẻ so với các nước trên thế giới nhưng không nghĩ rằng, điều kiện của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước.
Nhà nước bây giờ đang tuyên truyền miễn phí, biểu diễn miễn phí, chiếu phim miễn phí… để cổ vũ mọi người thưởng thức nghệ thuật. Vậy tại sao VCPMC lại mang tư duy kinh tế thị trường vào tất cả các hoạt động nghệ thuật. Nghị quyết 35 của Chính phủ là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Trung tâm này là một doanh nghiệp thì cũng bình đẳng như các doanh nghiệp khác trước pháp luật.
Ở một góc độ nào đó, tôi cho rằng, việc Trung tâm này đứng lên trên cơ quan quản lý nhà nước để áp đặt việc thu phí tác quyền âm nhạc với các doanh nghiệp là cũng sai luật.
Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.
Theo Dân Trí