Hai năm qua, sân khấu miền Nam đối diện với muôn vàn khó khăn vì lượng khán giả sụt giảm mạnh. Những đơn vị xã hội hóa tiêu biểu một thời như kịch Idecaf, Phú Nhuận... đều hoang mang trước tương lai mù mịt.
Bà bầu Hồng Vân nhiều lần chia sẻ những khó khăn mà sân khấu của chị phải đối diện. Nữ nghệ sĩ kỳ cựu còn ý định đóng cửa sân khấu nếu tiền thuê mặt bằng tiếp tục tăng cao và doanh thu không đủ bù chi.
Trong tình hình khó khăn đó, các nghệ sĩ cho biết sân khấu ở miền Nam luôn mong muốn sự giúp đỡ từ các cơ quan quản lý. Tuy nhiên họ cho rằng đáp lại mong muốn này lại không phải là những chính sách ưu đãi mà là quy định khó khăn hơn về cấp phép vở diễn.
Theo đó, nghị định 15/2016/NĐ-CP của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quy định về việc cấp phép vở diễn trong một năm. Điều này đã khiến các nghệ sĩ đang hoạt động sân khấu tại TP.HCM bức xúc và lên tiếng phản đối.
NSƯT Kim Tử Long trong một trích đoạn cải lương. |
Quy định không thực tế
Trao đổi với Zing.vn về quy định này, chủ tich Hội sân khấu TP.HCM - NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng: "Cơ quan nhà nước có căn cứ để quản lý các hoạt động văn hóa nghệ thuật nhưng nên tìm hiểu thực tế trước khi đưa ra quyết định. Quy định cấp phép vở diễn trong một năm không góp phần thúc đẩy sân khấu phát triển mà ngược lại càng gây phiền phức trong thủ tục hành chính".
Theo ông, việc cấp phép không cần thiết với những vở diễn của đơn vị đã hoạt động ổn định. Quản lý qua một tờ giấy như vậy chỉ là hình thức, lại gây khó khăn cho người làm nghề.
Đạo diễn Ái Như trăn trở trước những quy định khó hiểu của Bộ. "Người làm sân khấu như chúng tôi đang chống đỡ từng ngày để giữ được sân khấu. Có thể nay các bạn thấy chúng tôi diễn nhưng mai chưa chắc đã tồn tại. Sân khấu đang gặp khó khăn, không có tương lai trong khi đó các cấp quản lý lại đưa ra những quy định thế này chỉ càng khiến người làm sân khấu chán nản".
Cũng đồng quan điểm, NSƯT Kim Tử Long khẳng định: "Nghệ sĩ theo sân khấu bây giờ xuất phát từ niềm đam mê. Nếu những hi sinh và tình yêu của họ không được khuyến khích mà lại ràng buộc bằng những quy định khó hiểu thì họ sẽ buông. Như thế nền văn hóa nghệ thuật của Việt Nam sẽ đi về đâu".
Theo anh, có những vở diễn bất hủ như Tô Ánh Nguyệt, Lá sầu riêng... nhắc tới ai cũng biết thì có cần thiết phải cấp phép? Những thủ tục này ảnh hưởng khó khăn đến kinh tế, tâm lý của người làm nghề.
Nghệ sĩ Ái Như và Thành Hội trong vở Một nửa của mình. |
Kiểm tra, giám sát nhưng không gây phiền phức
Theo các nghệ sĩ miền Nam, mỗi quy định được đưa ra đều bắt nguồn từ mục đích muốn kiếm soát tốt chất lượng các vở diễn trước khi ra mắt khán giả.
Tuy nhiên muốn hiệu quả thì quy định ấy phải bắt nguồn từ yêu cầu của thực tiễn. Thực tế là trước khi công bố nghị định 15, các nghệ sĩ và sân khấu lại chưa từng được hỏi, tham khảo ý kiến về vấn đề này.
NSƯT Kim Tử Long cho rằng: "Có nhiều cách quản lý hiệu quả mà vẫn sát sao với tình hình sân khấu như đến tận nơi, xem cụ thể các vở diễn hơn là đưa ra các thủ tục lằng nhằng về giấy tờ".
Đạo diễn Ái Như ý kiến: "Đã khuyến khích sân khấu xã hội hóa thì cơ quan quản lý cũng nên làm gọn nhẹ các thủ tục hành chính. Sân khấu Hoàng Thái Thanh có các vở diễn khá ổn định. Có những vở diễn được khán giả yêu thích diễn liên tục chả lẽ phải canh đủ một năm để đi xin giấy phép sao?".
Đạo diễn- NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng cơ quan nhà nước muốn quản lý tốt vở diễn thì nên có bộ phận kiểm tra với những vở diễn có thay đổi về nội dung. Thực tế mỗi vở diễn đều có sự thay đổi về diễn viên, lời thoại...
Những thay đổi đó không thể tránh khỏi vì diễn viên không phải theo vai diễn suốt thời gian dài. Còn những thay đổi về lời thoại góp phần tăng sự mới mẻ, hấp dẫn cho vai diễn.
Nam Thư và Trường Giang trong vở kịch Tết. |
Trao đổi với Zing.vn về quy định chưa sát thực tế của nghị định 15, ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM, khẳng định: "Sở đã nắm bắt được ý kiến của nghệ sĩ, báo chí và nhận thấy những bất cập của quy định này. Trong những cuộc họp với Bộ, Sở sẽ kiến nghị để sửa đổi nghị định cho phù hợp hơn".
Ngoài ra, ông khẳng định Sở Văn hóa - Thể thao luôn ủng hộ, hỗ trợ để sân khấu đưa vở diễn giới thiệu đến công chúng.
Nghị định 15/2016/NĐ-CP được ban hành vào ngày 15/3/2016, là nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012, quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2016 với nội dung cụ thể được sửa đổi ở điều 6 (khoản d) về hiệu lực của giấy phép như sau: “Giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc, trừ trường hợp hạn chế về địa điểm biểu diễn quy định trong giấy phép. Thời hạn có hiệu lực của giấy phép cấp cho chương trình ca, múa, nhạc tối đa 6 tháng và giấy phép cấp cho chương trình sân khấu tối đa 12 tháng".
Theo Zing