Cuộc giải cứu heo kỳ lạ của các ông lớn ngành thịt

Thứ ba, 13/06/2017, 08:42
Những DN lớn như Vissan, Sagri được người nuôi, người tiêu dùng đặt kỳ vọng trong đợt “giải cứu heo”. Tuy nhiên cách các ông lớn tham gia giải cứu khiến nhiều người đặt dấu hỏi.

Đầu tháng 5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi các đơn vị giết mổ và nhà bán lẻ tại TP.HCM tham gia hỗ trợ người chăn nuôi, bằng cách tăng lượng thu mua heo cấp đông, giúp giảm lượng heo tồn đọng trong dân, đồng thời giảm giá bán thịt trên thị trường.

Bộ đặt kỳ vọng vào TP.HCM, bởi thị trường này mỗi ngày tiêu thụ trung bình 10.000 con heo. Nếu có sự chung tay của các đầu mối lớn như Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), Vissan… thì sẽ có tác động lớn.

Luôn là người đến sau?

Đáp lại lời kêu gọi này, Sagri và Vissan công bố sẽ khuyến mãi “khủng”, nhưng mức khủng là giảm 5.000-8.000 đồng/kg cho một số ít mặt hàng thịt như: xương ống, đùi heo, thịt xay, nạc đùi, cốt lết, chân giò. Theo một số doanh nghiệp giết mổ nhỏ lẻ, đây là những mặt hàng ít người mua.

Với giá heo hơi đã giảm đến gần 30.000 đồng/kg thì mức giảm giá thịt vài nghìn đồng của các ông lớn chẳng khác nào “muỗi đốt gỗ”. Chương trình giảm giá này cũng chỉ diễn ra trong vòng một tuần lễ, phần lớn người tiêu dùng chỉ kịp mua khuyến mãi được một lần vào cuối tuần.

Các điểm giải cứu thịt heo luôn đông khách xếp hàng chờ mua. Ảnh: Thái Nguyễn.

Sang tháng 6, tình hình càng trở nên khẩn thiết hơn. Theo lời bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH DV An Hạ, có đến 400-500 con heo quá lứa (trên 140kg) tại khu vực Củ Chi, Hóc Môn…(TP.HCM) tồn đọng, gọi chẳng có người mua, dù đều là heo có chứng nhận VietGAP.

An Hạ phân trần doanh nghiệp (DN) muốn tham gia giải cứu từ nhiều tháng trước, nhưng lo ngại bị những công ty lớn quy tội “bán phá giá”. Tuy nhiên, heo tồn đọng ngày một nhiều hơn, nhiều chủ trại đối diện với nguy cơ phá sản, công ty quyết định mở điểm bán giải cứu vào ngày 3/6, với giá bán bằng 60% giá thị trường.

Ngay sau đó, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam cùng Công ty TNHH DSF Việt Nam cũng tổ chức chương trình  “Hỗ trợ hộ chăn nuôi - Trợ giá người tiêu dùng” với giá bán 35.000 đồng.

Lúc này, Vissan thêm một lần hưởng ứng, bằng cách giảm giá 39-42% một số sản phẩm thịt heo, và cũng chỉ giảm khoảng 5 ngày. Trong 5 ngày ngắn ngủi, lượng thịt bán ra được DN công bố đạt 530 tấn, tăng bình quân hơn 51% so với ngày thường, đặc biệt có những ngày tăng tới 130%.

Đợt giảm này của Vissan tạo ra một hiện tượng thú vị. Trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) chưa đầy 1 km nhưng có hàng loạt cửa hàng thịt với nhiều mức giá khác nhau, trong đó hai điểm bán của Vissan có giá cao nhất.

Mỗi đợt Vissan khuyến mãi, Sagri cũng đồng thời khuyến mãi, với mức giá, thời gian khá tương đồng với Vissan.

Có thật Vissan muốn giải cứu?

Khi người tiêu dùng từ nhiều nơi kéo đến những cửa hàng thịt heo giá rẻ của DSF, An Hạ để mua thịt, có người mua đến nửa con heo về phân phát cho người thân, bạn bè thì những điểm bán lớn nhất của Vissan trên tuyến đường này vắng người mua hơn. Và để đối trọng lại những điểm bán này, Vissan tuyên bố giảm giá “khủng”, tới 49%.

Vissan mới mở đợt giải cứu vào sáng 12/6 tại hai điểm bán trên đường Nơ Trang Long. Ảnh: Thái Nguyễn

Nhưng cũng như những lần trước, ông lớn này chỉ giảm giá một số mặt hàng trong hệ thống đặt điểm bán của mình.

Ngày 12/6, Vissan thực hiện đợt giảm giá “sốc” bằng tuyên bố bán 150 con heo theo dạng heo mảnh cũng tại hai cửa hàng trên đường Nơ Trang Long, với giá từ 25.500 đồng/kg. Công ty trưng dụng bãi đậu xe trước siêu thị làm điểm bán và treo bảng quảng cáo lớn, phát tờ rơi, phát loa, nhằm thu hút sự quan tâm của người dân.

Thịt heo bán ở điểm này được phân ra 4 loại, với giá 25.500-36.000 đồng/kg.

Phía Vissan cho biết bình thường công ty chỉ bán thịt heo loại đặc biệt và loại 1. Nhưng trong chương trình "giải cứu" lần này có bán thêm thịt loại 2-3, đây là heo có trọng lượng lớn, thịt sẽ không bằng loại đặc biệt và loại 1, nên mới có giá rẻ.

Vissan thanh minh chỉ mở bán "giải cứu" ở Nơ Trang Long vì gần nhà máy giết mổ, nhưng hành động này khiến không ít người đặt câu hỏi: DN thực sự muốn giải cứu người chăn nuôi, hay muốn giành khách với những điểm bán bên cạnh.

Nếu thực sự giải cứu thì với tiềm lực như Vissan, họ có thể bán thịt heo với mức giá thấp ở toàn hệ thống của mình, ở các quận huyện khác của TP.HCM, chứ không phải ở đường Nơ Trang Long.

"Miếng thịt mà biết nói năng”

Điều lạ là An Hạ dù giảm giá thịt heo VietGAP xuống thấp hơn thị trường 60% vẫn tuyên bố có lời, mức lời trung bình 100.000 đồng mỗi con heo hơi. Còn ở thời điểm Vissan chưa tham gia "giải cứu", lãnh đạo DN này đã cho rằng phải giảm lợi nhuận khá nhiều, chỉ còn 3,3%/tháng.

Phần lớn những người đi mua thịt giá rẻ đều mua số lượng lớn. Ảnh: Thái Nguyễn.

Là DN ngoài ngành tham gia giải cứu heo hơi, ông Nguyễn Tuấn Khởi, Giám đốc DSF Việt Nam, tính: Nếu mua heo hơi với giá 30.000 đồng/kg (mức cao hơn thị trường 5.000-7.000 đồng/kg), một con heo giá 3 triệu đồng thì tỷ lệ thu hồi thịt 70-75%.

Tức là con heo nặng 100kg, sau giết mổ sẽ được 70-75kg thịt mảnh. Nếu đem bán đồng giá 35.000đồng/kg sẽ thu về gần 2,5 triệu đồng. Cộng với các bộ phận khác bán được 150.000 đồng thì lỗ ít nhất 300.000 đồng.

Thực tế do được trợ giá nên phần lỗ không đáng kể. Ông Khởi khẳng định nếu bán giá khoảng 39.000 đồng/kg sẽ có lời.

Đặt câu hỏi với ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan: Tại sao cùng là con heo VietGAP được thu mua với giá hơi 26.000-27.000 đồng/kg mà giá thịt của Vissan lại cao hơn nhiều các đơn vị khác, các đơn vị bán giá thịt rẻ vẫn có lời. Ông An đưa lý do, heo VietGAP cũng được phân theo phẩm cấp, hạng 1, 2 cho đến 5, 6.

Vissan chỉ đưa thịt loại 1 ra thị trường bán lẻ (?).

Lãnh đạo doanh nghiệp này cũng cho rằng giá thịt ở ngưỡng cao trước đây là khi heo hơi 50.000-54.000 đồng/kg. Khi heo hơi giảm gần 30.000 đồng/kg, giá thịt chỉ giảm 5.000-7.000 đồng/kg không có gì là khó hiểu?

Báo cáo tài chính quý I của Vissan cho thấy doanh thu thuần đạt 979 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm sâu đến 6% nên lợi nhuận gộp thu về 265 tỷ đồng, tăng đến 17% so với lợi nhuận gộp đạt được quý I năm ngoái.

Nguyên nhân giá vốn giảm là do giá heo hơi đầu vào giảm mạnh.

Theo Zing

Các tin cũ hơn