'Công an không phải là người đi đòi nợ cho tổ chức tín dụng'

Thứ ba, 13/06/2017, 08:48
Chiều 12/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nhiều ý kiến băn khoăn về vai trò của công an trong việc xử lý nợ xấu.

Tuy đã được Quốc hội cho ý kiến song tính chất quan trọng của nợ xấu được nhiều đại biểu quan tâm. Đây là vấn đề cấp bách cần được tháo gỡ khi được ví là cục máu đông bất ổn, lực cản trong sản xuất kinh doanh.

Đại biểu băn khoăn tổ chức tín dụng có quyền lớn

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho biết cần làm rõ việc kê biên tài sản của bên phải thi hành án.

Theo đó, Điều 11 của dự thảo quy định tài sản đảm bảo khoản nợ xấu tại ngân hàng không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác của pháp luật về thi hành án, có nghĩa tài sản đảm bảo này không bị kê biên để thực hiện quyết định bản án của Tòa án.

Điều 90 Luật thi hành án dân sự hiện hành đã quy định việc ưu tiên đảm bảo quyền lợi của bên nhận thế chấp. Nếu vì tính cấp bách của xử lý nợ xấu mà phải quy định tiếp tục nội dung này tại dự thảo nghị quyết thì cần cân nhắc, xem xét thấu đáo.

Trong trường hợp tài sản đảm bảo có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng tiền vay thì quy định như dự thảo là hợp lý.

Nhưng tài sản đảm bảo có giá trị lớn hơn tiền vay tại tổ chức tín dụng, thì quy định không cho kê biên là không hợp lý. Vì tiền vay chỉ là một phần giá trị của tài sản, nhưng tổ chức tín dụng lại được phép giữ toàn bộ tài sản này.

Đại biểu Trang nhấn mạnh người vay còn có các nghĩa vụ tài sản khác đã được Tòa án xác định. Điều này không chỉ làm vô hiệu hóa bản án của tòa tuyên sau thời điểm nghị quyết này có hiệu lực, như ý kiến giải trình tại Báo cáo 134, mà còn làm vô hiệu hóa các bản án quyết định tuyên trước nhưng chưa thi hành.

Nếu không được kê biên, bản án không thực hiện thì có nghĩa là công lý chỉ ở trên giấy tờ, vô hình trung quy định này sẽ tạo cơ hội cho người phải thi hành án trốn tại nghĩa vụ thi hành án.

Đề nghị làm rõ vai trò của cơ quan công an cấp xã

Đồng tình với đại biểu Thu Trang, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) lưu ý tài sản được kê biên có thể không phải là tài sản trong diện tranh chấp. Có thể tài sản đó bị kê biên để thực hiện một nghĩa vụ liên đới, hoặc một nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định của pháp luật.

Như vậy không có nghĩa là tài sản có tranh chấp thì mới đưa vào kê biên. Quy định như hiện tại thiếu, sau này dẫn đến tranh chấp.

Theo đó, cần quy rõ trong Khoản 8, Điều 7 việc thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại điều này chỉ thực hiện đối với tài sản bảo đảm không có tranh chấp, không bị Tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kê biên theo pháp luật.

Đại biểu Quốc hội băn khoăn về nợ xấu, cục máu đông của nền kinh tế. Ảnh minh họa.

Đại biểu Nhưỡng cũng đề nghị bổ sung cụm từ "cấp xã" sau cụm từ "cơ quan công an" tại Điềm c, Khoản 4 và Khoản 6, Điều 7, để xác định rõ trách nhiệm, tránh gây khó khăn khi áp dụng.

Theo đại biểu, hiện có quy định về Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan công an, nhưng không rõ cơ quan công an nào. Vậy, sau này để giải thích vấn đề thì rất khó áp dụng về mặt thẩm quyền.

Đại biểu nhấn mạnh Bộ Công an lại phải đi giải quyết vấn đề. "Bản thân cơ quan cấp xã, nếu có liên hệ với cơ quan công an cấp huyện cũng là vấn đề. Ghi chung chung như thế rất khó. Tôi đề nghị ghi rõ là cơ quan công an cấp xã”, đại biểu nhấn mạnh.

Cơ quan công an không phải người đi đòi nợ

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu lại có cái nhìn khác về vai trò của công an cấp xã. Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng đây là vấn đề dân sự, chứ không phải vấn đề về hình sự hay an ninh, trật tự.

"Bởi vậy, cơ quan công an không phải là người đi đòi nợ cho tất cả các tổ chức tín dụng, mà ở đây chúng ta đảm bảo an ninh, trật tự. Đảm bảo an ninh, trật tự ở đây có 3 cấp độ. Nếu bình thường thì cấp xã đảm nhận, nếu phức tạp hơn thì có cấp huyện đảm nhận, và thậm chí cấp tỉnh đứng ra đảm nhận", đại biểu phân tích.

Ông Cầu cũng cho rằng nếu phân cấp một cách cứng nhắc, sau này huy động quân rất khó. Ngoài ra còn có một điều khoản sau cùng để cho Bộ trưởng Bộ Công an quy định, về vấn đề phối hợp, xử lý như thế nào?

“Tôi cho như thế rất mở, và sau này Bộ Công an chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho tất cả mọi người, tổ chức thi hành quyền thu giữ tài sản đấy’, đại biểu Cầu nhấn mạnh.

Đại biểu này cũng đề nghị trong trường hợp bên không có mặt tại tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước, người nợ thì đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi tiến hành thu giữ tài sản, ký tên vào biên bản.

Ngoài Ủy ban nhân dân cấp xã nên có thêm một người chứng kiến nữa, để đảm bảo tính khách quan cho hoạt động của tổ chức tín dụng, khi thu hồi nợ xấu.

Nợ sau 31/12/2016 thuộc về ai?

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), nợ trước 31/12/2016 được xác định là nợ xấu. Vậy nợ sau năm 2016 xử lý theo quy định nào?

“Không thể áp dụng pháp luật xử lý khác nhau. Nợ xấu có thể kéo dài 5 năm hoặc hơn 5 năm thì xử lý như thế nào? Đề nghị bổ sung nội dung cùng với quá trình thực hiện”, đại biểu Phương cho băn khoăn.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu), đây là Nghị quyết đặc biệt để xử lý tình trạng đặc biệt. Tuy nhiên nếu năm 2017 tăng trưởng khá, đã ổn định hơn thì có phải tiếp tục xử lý hay không?

“Nếu áp dụng cho xử lý nợ xấu trong tương lai, chưa biết tương lai thế nào thì sẽ có mặt không khuyến khích ngân hàng đổi mới, nâng cao chất lượng tín dụng để xử lý nợ xấu”, đại biểu Toàn bày tỏ.

Theo Zing

Các tin cũ hơn