|
Tổ thẩm định độc lập của UBND tỉnh Bình Định siêu âm kiểm tra độ dày vỏ thép tàu của ngư dân Trần Văn Tạo (TP.Quy Nhơn) |
Ngày 14-6, ông Phan Trọng Hổ - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định - cho biết bên cạnh gửi những mẫu thép của các tàu bị hư hỏng đi kiểm nghiệm tại TP.HCM để đánh giá chất lượng, độ dày... tổ thẩm định độc lập do UBND tỉnh Bình Định thành lập còn thực hiện một số thủ tục mang tính pháp lý khác để có kết quả chính xác.
Đề nghị cung cấp hồ sơ gốc máy tàu
Ông Hổ còn nói tổ thẩm định có văn bản gửi các ngân hàng cho ngư dân vay vốn để đóng mới 18 tàu vỏ thép ở Bình Định bị hư hỏng, qua đó đề nghị cung cấp toàn bộ hồ sơ gốc động cơ tàu để đối chiếu.
“Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cũng có văn bản gửi cho Hãng Mitsubishi của Nhật Bản đề nghị thông tin chính thức về những chiếc máy thủy trong tám chiếc tàu nghi là lắp máy Mitsubishi không được phân phối chính hãng và là máy bộ cải hoán để hoạt động trong môi trường thủy” - ông Hổ nói.
Trong hôm qua, ông Bùi Thanh Hải - giám đốc Công ty TNHH ôtô Đông Hải (Hà Nội), đại diện ủy quyền phân phối động cơ thủy Doosan (Hàn Quốc) tại VN - mang linh kiện thay thế vừa được chuyển từ Hàn Quốc sang đến Bình Định.
Dự kiến sẽ lắp ráp cho máy thủy trên tàu vỏ thép BĐ 99245 TS của ông Trần Đình Sơn (ở huyện Phù Mỹ) theo chính sách bảo hành máy hư hỏng.
Tuy nhiên ông Sơn từ chối: “Tôi đề nghị thay máy mới vì máy Doosan của tàu tôi hư hỏng nặng hai lần, giờ thay thế linh kiện vào e không đảm bảo an toàn hoạt động khơi xa trong nhiều năm nhưng phía Doosan không đồng ý".
"Hiện nay các cơ quan chức năng đang thẩm định toàn diện tàu của tôi, do vậy phải chờ kết quả thẩm định trên rồi mới xử lý hư hỏng”.
Trao đổi với PV, ông Hải cho biết đang xác định việc máy tàu của ông Sơn hư hỏng là do lỗi của nhà sản xuất, của đơn vị lắp ráp hay do ngư dân vận hành.
“Các mẫu của máy tàu ông Sơn được gửi về Tập đoàn Doosan bên Hàn Quốc kiểm tra, sắp có kết quả. Dù thế nào chăng nữa, chúng tôi có thiện chí là muốn thay thế linh kiện để ông Sơn có điều kiện sớm đưa tàu trở lại biển, giảm thiệt hại do nằm bờ dài ngày. Ông không đồng ý thì phải chờ kết quả xử lý của cơ quan chức năng” - ông Hải cho hay.
|
Các kỹ sư của hãng Mitsubishi (Nhật Bản) tại Singapore kiểm rra máy trên tàu vỏ thép của ngư dân Nguyễn Văn Lý |
Có dấu hiệu “lừa dối khách hàng”
Luật sư Võ Hồng Nam - chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Định - nói qua theo dõi thông tin vụ 18 tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định bị hư hỏng, ông nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
“Nếu Công ty Đại Nguyên Dương (Nam Định) tự ý thay thế thép Trung Quốc để làm vỏ tàu thay vì thép Hàn Quốc hay Nhật Bản, còn Công ty Nam Triệu (thuộc Bộ Công an) lắp máy bộ cải hoán thành máy thủy mà không thông báo hoặc không được chủ tàu đồng ý thì họ có dấu hiệu phạm tội “lừa dối khách hàng” quy định tại điều 162 Bộ luật hình sự” - ông Nam cho biết.
Về trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm tàu cá, theo ông Nam, nếu xác định cơ quan này biết việc thay đổi thép, máy tàu và những cấu kiện khác có thể không đảm bảo an toàn kỹ thuật khi vận hành tàu mà vẫn ký chứng nhận đủ điều kiện an toàn thì các cơ quan chức năng có thể xem xét hành vi của họ là “cố ý làm trái”, hay “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo một đăng kiểm viên tàu cá, việc đăng kiểm tàu cá vỏ thép phải trải qua quy trình 13 bước nghiêm ngặt.
“Nếu máy tàu là máy mới thì luôn có catalogue hướng dẫn sử dụng, đồng thời cơ quan đăng kiểm kiểm tra kỹ hồ sơ và thực tế từ khi máy được đưa về nhà máy, khi lắp đặt máy vào tàu, khi thử tàu tại bến và khi thử đường dài.
Trừ trường hợp đơn vị cung cấp máy có “chiêu” độc nào đó mới qua mắt được đăng kiểm về máy tàu” - vị này cho biết.
Có không việc ngân hàng chỉ định nhà máy đóng tàu? Chiều qua, ông Lê Đức Hải - giám đốc Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BIDV) chi nhánh Phú Tài (tỉnh Bình Định) - bác bỏ thông tin có dư luận cho rằng ngân hàng chỉ định nhà máy đóng tàu cho ngư dân. Ông Hải nói: “Trong quy trình về việc chọn hãng để đóng tàu, ngư dân đi tham quan 2-3 nhà máy, sau đó họ quyết định chọn nhà máy, kiểu tàu, vật liệu, giá đóng tàu. Hồ sơ để đóng tàu đi từ xã lên huyện, tỉnh và ban chỉ đạo nghị định 67 cấp tỉnh xét duyệt, những trường hợp đủ điều kiện mới chuyển qua ngân hàng thẩm định. Như vậy khi hồ sơ vay vốn đóng tàu đến ngân hàng thì việc chọn cơ sở nào để đóng tàu đã xong rồi”. Ông Hải cũng nói có thể có trường hợp cán bộ của BIDV chi nhánh Phú Tài tư vấn cho ngư dân không nên ký hợp đồng với một cơ sở đóng tàu vỏ thép tại Hải Phòng do không đủ năng lực, thực tế có tàu ngư dân Bình Định đóng tại đó phải kéo dài đến 15 tháng thay vì 6 tháng như trong hợp đồng. |
Theo TTO