Hàng loạt tàu cá vỏ thép hư hỏng: 13 bước đăng kiểm, sao vẫn lọt?

Thứ sáu, 16/06/2017, 09:38
Theo các chuyên gia, đăng kiểm tàu cá trải qua 13 bước “ruồi không bay qua được”, nhưng tại sao vẫn để lọt? Cách làm lớt phớt, thiếu trách nhiệm, thậm chí lừa lọc… trong việc đóng tàu vỏ thép cho ngư dân, cả cơ quan đăng kiểm cũng như cơ sở đóng tàu phải chịu trách nhiệm.

Nhiều ngư dân điêu đứng vì tàu vỏ thép tiền tỷ hư hỏng, nằm bờ. 

Làm lớt phớt, sinh ra nông nỗi

Liên quan đến 19 tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 bị gỉ sét, lắp máy không chính hãng, hư hỏng nhiều bộ phận… Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) cho biết, việc kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho tàu cá tuân theo quy chế đăng kiểm tàu cá (Quyết định 96 ngày 28/11/2007 của Bộ NN&PTNT).

Theo đó, với đóng tàu vỏ thép phải tuân thủ tới 13 bước: Xét duyệt thiết kế, kiểm tra phóng dạng, vật liệu, dưỡng mẫu, lắp ráp (khung xương, tôn vỏ), kiểm tra máy (bệ máy, căng tim hệ trục, lắp đặt máy, hệ thống phục vụ), kiểm tra lắp đặt hệ trục chân vịt… thử đường dài và nghiệm thu xuất xưởng.

Với 13 bước đăng kiểm trên, kỹ sư Đỗ Thái Bình, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Công nghệ Tàu thủy Việt Nam cho biết, mỗi bước đều có chữ ký của đăng kiểm viên. Ông nói: “Quy chế kiểm tra tàu cá như thế là chặt chẽ, ruồi cũng không bay qua được, nhưng đó chỉ là lý thuyết, vì thực tế e rằng họ không làm đúng điều đó”. Bởi, theo ông Bình, xưa nay, việc đăng kiểm tàu cá vỏ gỗ của ngư dân, cũng chỉ kiểm tra “bậy”. “Thực tế, thiết kế tàu một đằng, ngư dân thì đóng một nẻo, còn đăng kiểm thì làm lớt phớt… và họ cũng bê cái tính lớt phớt đó sang tàu vỏ thép, mới sinh ra chuyện như vậy”- ông Bình nói.

“Đăng kiểm là một dịch vụ, họ thu phí của chủ tàu và cơ sở đóng tàu chứ không làm không. Nên khi họ làm không đúng là tội rất lớn. Còn họ có thông đồng với các bộ phận khác hay không, qua những vụ việc vừa rồi là quá rõ”- ông Bình nói thêm.

Chuyên gia về tàu vỏ thép cũng lấy thí dụ: Việc kiểm tra máy, có thể đăng kiểm biết không đúng, nhưng cũng gật đầu, rồi nhận là do trình độ kém, là không thể chấp nhận được. Hay vỏ tàu gỉ sét, nhiều người cho rằng do thép xấu nên mới gỉ nhanh… nhưng ở đây, khâu sơn và cạo gỉ làm qua loa, dối trá.

“Việc sơn tàu cực kỳ quan trọng, phải sơn vào ngày có độ ẩm không được vượt quá 85%, đồng thời phải cạo gỉ đến mức trắng ra… đạt tiêu chuẩn, mới được sơn. Tôi ngờ rằng, việc cạo gỉ và sơn bằng tay dối, nên sơn mới không bám và gỉ nhanh. Con tàu mới sử dụng vài tháng mà trông tàn tạ như đi hàng chục năm rồi”- ông Bình phân tích.

Theo vị chuyên gia này, trong sách học về đóng tàu, với tàu vỏ thép, công tác làm sạch trước khi sơn và sơn đúng quy trình còn quan trọng hơn hàng chục lần dùng sơn tốt hay xấu. Cạo gỉ khó, phải chui vào hầm, góc, nên nhiều khả năng nơi két sâu ở dưới đáy tàu còn gỉ, lở loét nhiều hơn.

Ông Bình cho rằng, những kỹ thuật, góc cạnh đóng tàu vỏ thép đó, chỉ cán bộ đăng kiểm mới hiểu, kiểm tra được, chứ đổ tội cho ngư dân không đúng. Theo ông, nếu chia trách nhiệm vụ tàu cá vỏ thép vừa rồi ba phần, nhà máy đóng tàu hai phần và cơ quan đăng kiểm một phần. “Tôi cũng đồng ý với một số luật sư, là vấn đề tàu cá vỏ thép có dấu hiệu phạm pháp, lừa đảo, làm không đúng hợp đồng, trách nhiệm”- ông Bình nói.

Còn ông Võ Duy Bông, nguyên Trưởng phòng đăng kiểm tàu cá (Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản) cho rằng, trong vụ việc nói trên, cơ sở đóng tàu, trước hết phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Còn về trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm, liên quan đến máy không chính hãng, vỏ thép này kia… cũng không nhỏ. Tuy nhiên, theo ông, nếu cơ sở đóng tàu đó “bịp”, đăng kiểm khó phát hiện.

“Chẳng hạn với máy tàu, khi mở thùng ra, các bên đều xác nhận là máy mới, đương nhiên đăng kiểm phải kiểm tra hồ sơ, để cho lắp máy. Còn khi lắp rồi, phát hiện ra có hỏng hóc, không phải máy mới, lúc đó mới thẩm định, chứ  đăng kiểm cũng không thể biết hết được”- ông Bông chia sẻ.

Theo ông Bông, đăng kiểm viên phải thực hiện đúng 13 bước theo quy định, tuy nhiên cũng không thể ở xưởng suốt để giám sát hết quá trình đóng tàu. Tuy nhiên, nếu đăng kiểm viên có trình độ và làm chặt, chắc chắn sẽ hạn chế được sự cố đáng tiếc.

Là chuyên gia lâu năm về đăng kiểm tàu cá, ông Bông cho rằng, đăng kiểm viên cũng phải chuyên nghiệp hóa, phải đúng chuyên ngành. “Anh đăng kiểm vỏ tàu thì phải có kỹ sư vỏ tàu, máy thì có kỹ sư về máy, còn trang thiết bị thì phải có anh kỹ sư khai thác… Nếu không đủ trình độ để kiểm tra, thì kiểu gì cũng có sai sót”- ông Bông nói.

19 tàu vỏ thép ở Bình Định bị hư hỏng phải nằm bờ.

Không tên tuổi, lại kiếm được nhiều hợp đồng?

Theo ông Võ Duy Bông, lâu nay, ngành thủy sản chỉ đóng tàu vỏ gỗ, nên khi mới bắt đầu chuyển sang tàu vỏ thép, cần có thử nghiệm, không thể đóng ào ào. “Năng lực về đóng tàu cá vỏ thép, cũng như quản lý, vận hành, kể cả đăng kiểm cũng chưa có kinh nghiệm. Do vậy, phải đầu tư, đào tạo dần mới nắm được, chứ làm ào ào, kiểu gì cũng có chuyện xảy ra”- ông Bông nói.

Chuyên gia đăng kiểm cũng cho rằng, kiểu đóng tàu cá vỏ thép như của Cty TNHH MTV Nam Triệu và Cty TNHH Đại Nguyên Dương là rất ẩu, trong khi, họ chưa đóng tàu cá vỏ thép bao giờ. Ông Bông cho rằng: “Để xảy ra vụ việc trên, cơ quan đăng kiểm cũng phải có trách nhiệm, cái đó không thể trốn tránh được hết, còn trách nhiệm phần nào, cụ thể ra sao phải làm rõ”.

Liên quan hai cơ sở đóng tàu nói trên, kỹ sư Đỗ Thái Bình cho biết: “Cả hai ông này trong giới đóng tàu không có tên tuổi gì cả”. Theo ông, đáng nhẽ, Nghị định 67 là một chương trình phục vụ, dành quyền lợi tốt nhất cho ngư dân, nhưng lại bị lợi dụng, kiếm lời chính danh một cách tàn bạo với ngư dân. Do vậy, cần phải rà soát lại toàn bộ Nghị định 67 đã thực hiện ra sao, kể cả xem lại các mẫu tàu, tổ chức đóng tàu…

“Tại sao những đơn vị đóng tàu tốt lại không giành được những hợp đồng đóng tàu này, lại lọt vào mấy ông nói trên… như vậy, cần xem lại hệ thống một cách rất nghiêm túc”- ông Bình nói.

Theo ông Bình, Trung Quốc đã cải tiến tàu cá vỏ gỗ lên vỏ thép cả mấy chục năm qua, nhưng chúng ta mới bắt đầu đã làm ào ào.

“Ngư dân chúng ta còn nghèo lắm. Cứ tưởng tượng, một con tàu gần 20 tỷ đồng mà rơi vào cảnh như trên, thì cuộc đời của họ xem như hỏng rồi… kiếm tiền trên thân xác của ngư dân là một tội rất lớn”.

Kỹ sư Đỗ Thái Bình, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Công nghệ Tàu thủy Việt Nam

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích