Vụ tàu vỏ thép 67 hư: Họp “kín” với ngư dân

Thứ bảy, 17/06/2017, 18:09
“Buổi họp không thông báo rộng rãi cho báo chí biết, đại diện hãng máy Doosan tiếp tục đổ lỗi tàu hư hỏng là do ngư dân. Họ còn nói tôi đừng thông tin cho báo chí, nói lên nói xuống nữa…”- ngư dân Trần Đình Sơn bức xúc.

Đại diện nhà cung cấp máy Doosan (Hàn Quốc) đã nhập thiết bị từ Hàn Quốc về để thay thế, sửa máy cho ngư dân Trần Đình Sơn, chủ tàu BĐ 99245TS. Thế nhưng, ông không đồng ý với cách “chắp vá” mà yêu cầu phải thay toàn bộ máy mới, trong khi đại diện hãng máy Doosan một lần nữa đổ lỗi tàu hư hỏng là do ngư dân.

Hãng máy “cầm đèn chạy trước ôtô”?

Ngày 16/6, trao đổi với báo chí, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, đại diện nhà cung cấp máy Doosan (Hàn Quốc) tại Việt Nam đã đến Bình Định để làm việc với ngư dân Trần Đình Sơn (trú xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu vỏ thép số hiệu BĐ 99245 TS đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu (thuộc Bộ Công an) được lắp máy của hãng Doosan. Tuy nhiên, ông Sơn không đồng ý và yêu cầu thay máy mới.

Đại diện hãng Doosan (Hàn Quốc) liên tục đổ lỗi hỏng máy là do ngư dân khiến ngư dân bức xúc

Theo ông Phan Trọng Hổ, Công ty Hoàng Gia Phát và Công ty Đông Hải ký hợp đồng cung cấp máy với Công ty TNHH MTV Nam Triệu để đóng tàu vỏ thép cho ngư dân. Vì vậy, 2 công ty này có trách nhiệm bảo hành với Công ty TNHH MTV Nam Triệu. Tuy nhiên, theo ông Hổ, các chủ tàu vỏ thép ký hợp đồng với công ty đóng tàu thì đơn vị này có trách nhiệm bảo hành cho ngư dân chứ không phải 2 công ty trên.

“Chúng tôi đã giải thích cho các chủ tàu, nếu đơn vị cung cấp máy thay máy thì kiên quyết không cho, phải để Công ty TNHH MTV Nam Triệu thay, đây là trách nhiệm của họ. Chúng tôi rất thông cảm cho hãng máy, nhưng nếu ngư dân để họ thay sau này có vấn đề gì phía công ty Nam Triệu nói họ không thay thì ai chịu trách nhiệm”- ông Hổ nói.

Cũng theo ông Hổ, lúc Tổ thẩm định của tỉnh Bình Định tiến hành kiểm tra 18 tàu vỏ thép (1 tàu đang hoạt động khai thác ở phía Nam không về thẩm định) đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ thì có 7 ngư dân bất ngờ rút đơn khiếu nại. Một số tàu không đồng ý cho tổ công tác cắt mẫu thép để đi kiểm định nên đến ngày (15/6) tổ công tác mới lấy đầy đủ mẫu thép gửi đi TP.Hồ Chí Minh kiểm tra. Dự kiến 20 - 22/6 sẽ có kết quả.

Chuyên gia Hàn Quốc kiểm tra máy trên tàu vỏ thép của ngư dân Trần Đình Sơn

Trong khi đó, ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH ôtô Đông Hải (Công ty Đông Hải), đại diện ủy quyền phân phối động cơ Doosan tại Việt Nam khẳng định: “Chính sách bảo hành toàn cầu của hãng Doosan là thay thế phụ tùng cho các bộ phận hư hỏng. Chúng tôi sẽ chứng minh những cái không phải lỗi của hãng máy mà là lỗi của ngư dân. Phía công ty không công bố kết quả mà chỉ đưa chứng cứ cho UBND tỉnh Bình Định để địa phương có kết luận chính thức”.

“Đừng thông tin cho báo chí nữa"

Theo ngư dân Trần Đình Sơn, hôm (15/6), Sở NN&PTNT Bình Định đã mời ông đến để tham gia buổi làm việc với đại diện hãng Doosan, cùng Tổ thẩm định của Sở này. Tại buổi làm việc, đại diện hãng Doosan tiếp tục chất vấn và đổ lỗi tàu hư hỏng là do ngư dân.

Ngư dân Trần Đình Sơn không chấp nhận kiểu "chắp vá" thay phụ tùng?

Không đồng tình với kiểu đổ lỗi của đại diện hãng máy Doosan, ông Sơn dẫn các thành phần tham dự buổi làm việc trực tiếp xuống tàu BĐ 99245TS để đối chiếu lỗi của máy tàu là do đâu?. Sau đó, ông Sơn bất ngờ lấy 12 cái piston trong máy tàu lên, trong đó có 3 cái biston khác hẳn với 9 cái còn lại.

12 cái piston mà có 3 cái nhỏ hơn và khác hẳn với những cái còn lại. Buồng nổ máy phải đồng bộ thì máy nổ mới đều được, không đồng bộ thì buộc phải gồng và gãy máy. Cái sai nó sờ sờ ra đó mà họ cứ cãi, còn đổ lỗi là do ngư dân. Họ tưởng ngư dân dốt lắm nên đè đầu cưỡi cổ làm sao cũng được. Khi tôi chỉ ra lỗi họ mới biết họ đã sai. Tôi nghĩ, thực ra ông Hải chỉ là đại lý kinh doanh bán máy thôi, chứ về máy móc buồng nổ thì biết gì mà nói” - ông Sơn phẫn nộ.

“Rõ ràng họ sai lại còn đổ lỗi cho chúng tôi, rồi lại nói đừng thông tin cho báo chí, nói lên nói xuống nữa. Tôi nghĩ, lúc ngư dân gặp khó thì báo chí là kênh bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân. Ai sai thì người đó chịu trách nhiệm trước pháp luật, mắc mớ gì ngăn chúng tôi cung cấp thông tin cho báo chí. Quan điểm của tôi trước sau vẫn vậy, máy tàu hỏng phải thay máy mới chứ không có chuyện thay thế phụ tùng, chắp vá” - ông Sơn khẳng định.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích