Ngân hàng 0 đồng trưng 'bảo bối' 100% vốn Nhà nước thu hút khách

Thứ bảy, 17/06/2017, 09:03
Các banner quảng cáo, cửa phòng giao dịch của nhóm ngân hàng '0 đồng' đều được giới thiệu là ngân hàng 100% vốn Nhà nước như một cách nhằm tăng uy tín và thu hút khách hàng.

Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần của nhóm 3 ngân hàng GPBank, OceanBank và VNCB với giá 0 đồng. Sau khi mua lại, NHNN đã chuyển đổi mô hình hoạt động thành ngân hàng trách nhiệm hữu hạn 100% vốn Nhà nước, đồng thời cử người của Vietcombank và VietinBank vào hỗ trợ, đổi tên VNCB thành CBBank, đổi nhận diện thương hiệu của GPBank.

Tại thời điểm bị NHNN mua lại bắt buộc cả 3 ngân hàng này đều đang trong tình trạng vô cùng khó khăn, lỗ lũy kế hàng chục nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm nhiều lần.

Các chỉ số cơ bản của nhóm ngân hàng "0 đồng" theo báo cáo tài chính công bố gần nhất. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Như tại VNCB, thời điểm bị mua lại nhà băng này đang có khoản lỗ lũy kế lên tới 27.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 24.000 tỷ đồng. Giá trị thực của cổ phiếu VNCB khi đó là âm hơn 80 nghìn đồng/cổ phiếu.

Oceanbank cũng có khoản nợ xấu lên tới hơn 15.000 tỷ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ và lỗ lũy kế gần 10.200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 2 lần. Còn GPBank, tại thời điểm ngày 2/4/2015, tổng số lỗ lũy kế của nhà băng này lên đến 12.280 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu bị âm 9.195 tỷ đồng. Dư nợ cho vay giảm mạnh chỉ còn 6.669 tỷ đồng, trong đó có tới 45,37% là nợ xấu.

Theo báo cáo của NHNN, sau khi được mua lại 100% vốn và cử người sang hỗ trợ, nhóm ngân hàng "0 đồng" này đã hoạt động ổn định trở lại.

Theo tìm hiểu thực tế, hiện nay tại các cửa phòng giao dịch, chi nhánh của nhóm ngân hàng này hầu hết đều có banner quảng cáo nhấn mạnh là "ngân hàng 100% vốn Nhà nước".

Tham khảo trên website của một ngân hàng bị NHNN mua lại bắt buộc với giá 0 đồng, các vị trí giới thiệu chương trình huy động vốn, giới thiệu cho vay đều chú thích "ngân hàng 100% vốn Nhà nước".

Các ngân hàng "0 đồng" giới thiệu dòng chữ "100% vốn Nhà nước" ngay ngoài cửa phòng giao dịch. Ảnh: Quang Thắng.

Theo chia sẻ của nhiều khách hàng, các ngân hàng "0 đồng" được Nhà nước mua lại giúp khách hàng cảm thấy yên tâm hơn khi giao dịch tại đây.

“Khi Oceanbank còn là diện ngân hàng yếu kém, mình rất lo sẽ ảnh hưởng đến khoản tiền gửi của mình tại đây. Hiện nay nhà băng này đã trở thành ngân hàng 100% vốn Nhà nước, cảm giác có Nhà nước chịu trách nhiệm nên an toàn hơn. Các giao dịch vẫn diễn ra bình thường không bị ảnh hưởng gì”, anh Huy Thành (quê Nà Nam) cho biết.

Trong khi đó, nhiều khách hàng cho biết từ khi các ngân hàng này được Nhà nước mua lại, họ mới dám tiếp tục sử dụng dịch vụ.

Chị Hà My (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết từ khi Nhà nước mua lại ngân hàng GPBank chị mới dám gửi tiền vào ngân hàng này.

“Trước đây, mình từng rút tiền gửi khỏi ngân hàng này, nhưng sau khi Nhà nước mua lại thì cũng yên tâm quay lại gửi tiền vì có Nhà nước bảo lãnh. Dịch vụ của ngân hàng sau khi được mua lại cũng tốt hơn. Trước đây muốn rút khoảng tiền lớn rất khó, hiện nay các giao dịch đều được đáp ứng tốt”, chị My cho biết.

Hiện tại, Agribank cũng là ngân hàng thương mại do Nhà nước làm chủ sở hữu, tuy nhiên trong các quảng cáo hay giới thiệu của nhà băng này không hề nhấn mạnh vào việc là ngân hàng 100% vốn Nhà nước, như nhóm 3 ngân hàng 0 đồng".

Theo những kết quả kinh doanh mới nhất về tình hình hoạt động của 3 ngân hàng "0 đồng" thì tính đến hết tháng 6/2016, hoạt động huy động tiền gửi cá nhân của Oceanbank đã tăng gần 30%, cho vay khách hàng cá nhân tăng trưởng 24% so với cuối năm 2015.

Cũng theo số liệu mới nhất từ GPBank, đến cuối tháng 6/2016, số dư huy động vốn của nhà băng này đã tăng 8,7% so với ngày 6/7/2015. Trong khi đó, đến hết tháng 6/2016, CBBank đã đạt số dư huy động vốn xấp xỉ 29.552 tỷ đồng, với doanh số huy động vốn tăng ròng trong nửa đầu năm 2016 đạt 2.497 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng đã bán 500 tỷ đồng nợ xấu cho phía VAMC và tiếp tục bán thêm.

Theo Zing

Các tin cũ hơn