9 triệu tấn than tồn kho: Nghịch lý nhiệt điện nhập than

Thứ ba, 20/06/2017, 10:45
Việc xử lý 9 triệu tấn than tồn kho rất khó do nhu cầu trong nước không có nhiều và giá than của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước.

Chất lượng thấp, giá bán cao

Mới đây, trong một cuộc họp, TKV đã bị yêu cầu xử lý 9 triệu tấn than tồn kho. bởi đây là trở ngại lớn nhất cho tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh của TKV. Chia sẻ với Đất Việt, các chuyên gia đã đã đưa ra những nhận định về nguyên nhân của thực trạng tồn kho nói trên.

TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) khẳng định có nhiều lý do dẫn đến tình trạng 9 triệu tấn than tồn kho.

Việc xử lý 9 triệu tấn than tồn kho của TKV rất khó do nhu cầu trong nước không có nhiều và giá than của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước. Ảnh minh họa

Thứ nhất, do Việt Nam có quá nhiều chủng loại than được sản xuất ra (được hạch toán vào giá thành) nhưng có chất lượng thấp, không phù hợp với nhu cầu của thị trường. Lẽ ra, than có chất lượng thấp đến mức thị trường không chấp nhận thì phải được coi là “phế phẩm”, không được coi là “sản phẩm” và không được hạch toán vào giá thành hàng năm.

“Về nguyên tắc, than dưới lòng đất của Việt Nam đã được hình thành qua vài trăm triệu năm. Vì vậy, hàng trăm năm nay có chất lượng không thay đổi. Hiện nay, than có chất lượng thấp là do than chất lượng cao bị thất thoát, chẳng hạn như: do tiêu thụ ngoài luồng hoặc do đã được chọn lọc ra để xuất khẩu.

Trong trường hợp than tốt bị ăn cắp thì người ta phải pha trộn đất đá vào để “bù sản lượng”. Trong trường hợp sàng lọc than tốt ra để xuất khẩu thì đương nhiên chỉ còn lại than xấu”, ông Sơn nhấn mạnh.

Một lý do khác được vị chuyên gia nhắc đến đó là tình trạng nhà nước buông lỏng quản lý chất lượng than, đã ban hành quá nhiều tiêu chuẩn không phù hợp với tiêu chuẩn của thị trường.

“Ngoài tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) hiện đang tồn tại cả tiêu chuẩn ngành (TCN) hay tiêu chuẩn cơ sở (TCCS). Mà TCN và TCCS là những thiêu chuẩn rất thấp, không được thị trường chấp nhận”, ông Sơn khẳng định.

Vị chuyên gia tính toán, việc tồn 9 triệu tấn tương đương với giá trị 13.500 tỷ đồng vốn lưu động bị đọng lại trong kho, hay tương đương với hơn 1.000 tỷ đồng/năm tiền lãi vay ngân hàng.

Trong khi đó, theo đánh giá của PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Nhiệt Việt Nam, hiện nay giá than trong nước vẫn khá cao so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.

Ông Nghĩa dẫn chứng: “Thời điểm những năm 2014, 2015 sang đầu năm 2016  giá than trên thế giới rất thấp. Than đấu thầu từ nước ngoài về đến nhà máy Duyên Hải là chưa tới 40 USD/tấn. Trong khi than của Vinacomin bán cho các nhà máy Việt Nam vẫn ở mức cao, khoảng 70-80 USD/tấn, gấp đôi giá nước ngoài.

Giá này tồn tại từ nhiều năm chứ không phải đột nhiên TKV tăng lên. Vì thế các nhà máy được thiết kế sử dụng than nhập khẩu đều kiên trì nhập than ngoại và không mua than của Vinacomin”.

Một lý do khác được PGS.TS Trương Duy Nghĩa nhắc đến đó là nhu cầu nhập khẩu than từ Việt Nam của các quốc gia truyền thống như Hàn Quốc và Trung Quốc đang ngày càng giảm. Việc này cũng khiến cho trữ lượng than trong nước tồn kho còn nhiều.

“Thị trường xuất khẩu than chủ yếu của Việt Nam là Trung Quốc và Hàn Quốc. Có thời kỳ 2 quốc gia này nhập cả triệu tấn than từ Việt  Nam nhưng hiện nay thì số lượng đã giảm đi đáng kể.

Thực tế than nhập khẩu như bitum của Úc hay á bitum của Indonesia là  các loại than thích hợp cho nhà máy nhiệt điện, trong đó than á bitum của Indonesia hiện có giá thấp hơn than cám 5 Việt Nam. Muốn bán được than, doanh nghiệp Việt bắt buộc phải giảm giá thành sản phẩm”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Nói thêm về chất lượng than Việt, PGS.TS Trương Duy Nghĩa thừa nhận, than Việt Nam chủ yếu là than antraxit khó cháy và được xếp vào dạng than đá già nhất. Đặc biệt than thường chứa nhiều tro. Hàm lượng tro có thể lên tới 40%. Đối với than cám 5 các nhà máy mua vào khoảng 1,7-1,8 triệu đồng/tấn cũng dao động từ 30-32%. Vì thế khi sử dụng than trong nước, các nhà máy đốt rất vất vả.

“Than nhập khẩu hàm lượng tro rất thấp, chỉ dưới 8%. Nó chỉ có một nhược điểm là độ ẩm cao, có thể tới 27-28%. Nếu cộng cả độ tro và độ ẩm thì than nội địa với than nhập khẩu cũng tương đương nhau.

Tuy nhiên những hạn chế về độ ẩm của than nhập khẩu thì dễ xử lý hơn việc than chứa nhiều tro”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Nhập than số lượng lớn, khó bán than tồn

Một thống kế được TS Nguyễn Thành Sơn đề cập đến đó là trong 5 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 5,57 triệu tấn than, trị giá 577,218 triệu USD, giảm 4,7% về lượng nhưng tăng 58,3% về trị giá.

Theo vị chuyên gia con số này trong thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.

“Việc nhập khẩu than là đương nhiên vì than tồn không phù hợp với tiêu chuẩn mà thị trường trong nước cần. Đây không phải nghịch lý mà là hậu quả đương nhiên của việc phát triển ngành than không có tầm nhìn.

Nó cũng là kết quả đương nhiên của việc chạy theo thành tích là tăng “sản lượng than” để tăng GDP. Nếu chúng ta vẫn coi trọng chỉ tiêu GDP thì ngành than sẽ còn tiếp tục tồn kho và hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành sẽ ngày càng giảm”, ông Sơn chia sẻ.

PGS.TS Trương Duy Nghĩa cũng thừa nhận, hiện nay than nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các nhà máy nhiệt điện. Do đó để đảm bảo sản xuất được diễn ra liên tục, bắt buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu than từ nước ngoài.

“Các nhà máy nhiệt điện vốn sử dụng nhiều than như Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, sắp tới là Vĩnh Tân 4, Long Phú hay Sông Hậu đều được thiết kế để dùng than nhập khẩu.

Tôi cho rằng nếu chúng ta đưa ra các chính sách khuyến khích thì các nhà máy nhiệt điện trên cũng không sử dụng than nội địa bởi lẽ không phù hợp và tương thích trong sản xuất”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Trong bối cảnh trên, vị chuyên gia khẳng định, việc xử lý 9 triệu tấn than tồn kho trên không phải dễ dàng và đòi hỏi nhiều nỗ lực từ các ban, ngành.

“Hiện nay các nước bị ứ đọng than đều hạ giá để giải phóng than. Như Nam Phi cũng từng hạ giá xuống còn 25 USD/tấn hay Indonesia đã hạ giá xuống còn 29 -30 USD/tấn để xử lý than tồn kho.

Khi nhu cầu trong nước không có nhiều thì chúng ta chỉ có cách khuyến khích xuất khẩu. Việc Việt Nam có chấp nhận bán giá rẻ hay không thì các Bộ, ngành phải phân tích và đưa ra quyết định cụ thể”, ông Nghĩa khẳng định.

Bổ sung thêm, TS Nguyễn Thành Sơn đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước phải lập túc loại bỏ các tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn cơ sở để không chấp nhận các chủng loại than có chất lượng thấp là sản phẩm.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích