Theo The New York Times, trong khi các nhà đầu tư đang bận tâm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, biến chuyển ở Washington, sự thiếu chắc chắn trong chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhiều cuộc bầu cử căng thẳng ở châu Âu cùng việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), một rủi ro quen thuộc với thị trường toàn cầu đang ngày càng lớn lên. Đó chính là kinh tế Trung Quốc.
Hai năm sau khi Trung Quốc khiến giới đầu tư toàn cầu chao đảo vì thị trường chứng khoán sụp đổ, nội tệ lao dốc và lo ngại núi nợ lên cao, nhiều người có vẻ đã quên những sự biến tồi tệ đó. Cổ phiếu các hãng Trung Quốc giao dịch ở Hồng Kông và những nơi khác ngoài Đại lục đang lên đến mức cao nhất kể từ đợt lao dốc chứng khoán, đánh bại nhiều thị trường đang phát triển khác trong bối cảnh nhà đầu tư tận dụng nỗ lực bắt kịp đà công nghệ và tiêu dùng của nước này.
“Đại đa số ý kiến đồng ý Trung Quốc đang ổn”, nhà sáng lập kiêm giám đốc Kevin Smith của hãng Crescat Capital, công ty đang có nhiều khoản đầu tư vào Trung Quốc, cho hay. Song khi nhắc đến nợ và các vấn đề tài chính khác, ông Smith nói: “Mọi người thực sự không nhìn vào quả bong bóng tiềm năng. Quả bong bóng đang ngày càng lớn”.
Diễn biến kinh tế Đại lục có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường toàn cầu vì nước này từ lâu đóng vai trò là cỗ máy tăng trưởng. Các nhà đầu tư có thể sớm chịu tác động từ sự trồi sụt trong cổ phiếu Trung Quốc. MSCI, hãng tư vấn đầu tư tập hợp các chỉ số chứng khoán vốn được nhiều quỹ đầu tư, quỹ hưu trí toàn cầu theo sát, đang cân nhắc bổ sung cổ phiếu Trung Quốc vào chỉ số chính. Công ty dự kiến sẽ công bố quyết định trong hôm nay 20.6.
Nhiều nhà đầu tư đã và đang nhận được lời khuyên tốt về thị trường Trung Quốc. Hồi tháng 3, ngân hàng Goldman Sachs khuyến nghị giới đầu tư tăng mức nắm giữ cổ phiếu nước này vì tăng trưởng kinh tế cải thiện, chính sách ổn định và nhiều yếu tố tích cực khác.