Đề xuất mức mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện người LĐ) đề xuất mức tăng phải 13,3% so với năm 2017.
Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI (đại diện giới chủ sử dụng LĐ) đề xuất không tăng, hoặc tăng dưới 5%.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra mức tăng phải 13,3%, để đảm bảo chăm lo tốt hơn cho người lao động. Ảnh minh họa . |
Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Doãn Mậu Diệp cho rằng, hiện nền kinh tế đã vận hành theo cơ chế thị trường. Nên tiền lương, tiền công, phúc lợi của người LĐ phải dựa trên đối thoại, thỏa thuận giữa người LĐ và chủ sử dụng.
Cơ chế của Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng dựa trên đối thoại để tìm ra điểm chung. Không phải quá nhấn mạnh vào tăng lương để đạt mức sống tối thiểu theo Bộ Luật Lao động.
“Với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi mong muốn 2 bên (đại diện người LĐ và giới chủ - PV) thương lượng đạt điểm cân bằng cho tăng lương tối thiểu năm sau. Mong mọi thành quả phát triển kinh tế - xã hội đều được chia sẻ giữa doanh nghiệp và người LĐ”, ông Diệp nói.
Theo Chủ tịch Hội đồng Tiền lương, việc bàn tăng lương tối thiểu vùng là cơ chế thương lượng, không phải “mặc cả” của các bên.
Tại phiên họp thứ nhất vừa qua, Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương đã đưa ra 3 mức tăng lương tối thiểu năm 2018 gồm: Tăng 5%, 6% hoặc 6,8% so với năm 2017, căn cứ theo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến tăng 4% trong năm nay.
Cụ thể, mức tăng lương 5% để bù CPI và 1% năng suất lao động (tăng từ 130.000 - 180.000 đồng/tháng tùy vùng); Hoặc tăng 6% để bù CPI và 2% năng suất lao động (tăng từ 160.000 - 220.000 đồng/tháng); Hoặc tăng 6,8% để bù CPI và 2,8% năng suất lao động (tăng từ 180.000 - 250.000 đồng).
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra mức tăng phải 13,3%, để đảm bảo chăm lo tốt hơn cho người lao động, tiến tới đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu.
Trong khi VCCI đề nghị không tăng hoặc tăng dưới 5%, để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt.
Theo Tiền Phong