|
Dự án PVTex 7.000 tỷ đồng "đắp chiếu". |
Liên quan tới tiến độ xử lý các dự án yếu kém của ngành công thương, tại buổi họp báo sáng 14/7, ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo xử lý các dự án yếu kém ngành công thương.
Theo ông Hưng, từ 17/12/2016 đến 16/1/2017, trong vòng 1 tháng, Ban chỉ đạo đã làm việc với 9/12 dự án, với từng giám đốc, quản đốc phân xưởng... để nắm được tình hình, cùng với các Bộ, ngành, địa phương liên quan để có chỉ đạo, xử lý. Từ đó đến nay, có gần 200 văn bản chỉ đạo rất sát đối với từng vấn đề, từng dự án.
"Đến thời điểm này, trên cơ sở chỉ đạo, tháo gỡ như vậy, một số dự án đã có chuyển biến ban đầu rất tốt, đặc biệt là nhóm dự án 4 nhà máy phân bón, đã đi vào sản xuất trở lại, có hiệu quả. Hai nhà máy sản xuất thép cũng có chuyển biến tích cực. Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã lên phương án tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản, hàng tồn kho. Thời gian tới sẽ còn nhiều vấn đề tiếp tục phải triển khai", ông Hưng nói.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch nhấn mạnh, nguyên tắc chỉ đạo đầu tiên của Thủ tướng cũng như của Ban chỉ đạo là làm cho dự án tốt lên, xử lý triệt để các vấn đề còn tồn đọng của từng dự án. Nguyên tắc thứ hai là ngay lập tức các tập đoàn, tổng công ty, các chủ đầu tư, nhà máy của các dự án phải nâng cao hiệu quả quản trị, tiết giảm chi phí, tối ưu hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Điều này Bộ Công Thương đã có chỉ đạo trực tiếp và rất sát sao. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ, của Thường trực Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo... theo đúng các tiêu chí, mục tiêu đặt ra. Theo lộ trình như vậy, trong tháng 7 Bộ Công Thương sẽ có phương án trình Ban Chỉ đạo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ về các phương án xử lý triệt để các dự án", ông Hưng nói thêm.
Về phương án cho phá sản các dự án thua lỗ không thể tái khởi động, người phát ngôn của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: "Thẩm quyền cho phá sản hay không không phải của Bộ Công Thương mà là Chính phủ. Sau khi có phương án thì phải thực hiện đúng theo quy định".
Cũng về xử lý các dự án yếu kém, tại buổi tiếp xúc với cử tri mới đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: "Phải kiên quyết xử lý dứt điểm các vụ việc, không để kéo dài, khắc phục tối đa hậu quả. Các dự án phải xử lý khẩn trương trong năm 2017-2018, nếu càng để kéo dài càng thua lỗ, gánh nặng nợ công càng đè nặng”.
Theo Chủ tịch nước, quan điểm xử lý các dự án kém hiệu quả là tuân theo cơ chế thị trường, trên cơ sở các doanh nghiệp tự cân đối, chịu trách nhiệm, Nhà nước không cấp thêm vốn.
“Dừng dự án cũng lỗ và nếu cấp thêm vốn cho chạy mà vẫn lỗ thì chúng ta cũng không đồng tình theo cách làm này. Nhà nước không dùng ngân sách hỗ trợ các dự án này. Chúng ta ưu tiên thoái vốn, chấp nhận cho giải thể, phá sản, thu hồi tối đa tài sản nhà nước, hạn chế thất thoát”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nêu quan điểm, Nhà nước sẽ thanh tra các dự án làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân liên quan có sai phạm và xử lý nghiêm minh. Từ đó, tránh tái diễn tình trạng quản lý yếu kém làm thất thoát tài sản Nhà nước.
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ một lần nữa khẳng định “không bỏ thêm vốn nhà nước” vào những dự án này.
Phó Thủ tướng nêu rõ quan điểm xử lý theo nguyên tắc thị trường. “Nếu không chuyển sang phương án bán đấu giá, bán đồng nát thu được đồng nào hay đồng nấy”.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc với Bộ Công Thương chiều nay, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT cho biết: "Hiện các dự án trong tình trạng khó khăn, dòng tiền và chi phí đều không còn nên để triển khai đều cần tiền. Vướng mắc lớn nhất là không được rót thêm vốn Nhà nước để phục vụ cho các dự án nên giờ chưa được triển khai. Hiện mọi dự án đều có phương án triển khai nhưng đều cần sự phê duyệt tài chính Chính phủ và Bộ Công Thương về phương án tài chính".
"Đối với phương án phá sản là phương án tiêu cực và không mong muốn, song vẫn đòi hỏi phải có chi phí nhất định cho công ty tư vấn, duy trì tài sản, bảo vệ điện nước cho dự án với thời gian từ 18 tháng đến 2 năm, riêng Đình Vũ trong 2 năm phải tốn hàng trăm tỷ đồng, nên phải xin phê duyệt tiếp", ông nói thêm.
Theo Dân Trí