Sau sự xáo trộn về nhân sự cấp cao ở Vinamilk vào năm 2015, tại nhiều doanh nghiệp, việc thay đổi cũng đang diễn ra. Những người kiêm nhiệm hai chức vụ vừa là chủ tịch HĐQT, vừa là CEO, đều “bớt việc”.
Nhân vật được cho là “linh hồn” của Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang, vừa bất ngờ rời ghế Chủ tịch HĐQT nhưng vẫn làm Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
“Tôi cho rằng chuyện ông Quang thôi làm Chủ tịch Masan bản chất không khác nhiều sự kiện bà Mai Kiều Liên - người được cho là ‘linh hồn’ của Vinamilk - cũng rời ghế Chủ tịch HĐQT tại doanh nghiệp vào ngày 26/7/2015, về làm Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc”, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính chia sẻ với Zing.vn.
Chia sẻ về sự thay đổi trên, nguyên Chủ tịch Masan, ông Nguyễn Đăng Quang, cho biết việc này được cho là để hoàn tất quá trình chuyển giao các trọng trách quản trị, điều hành sang thế hệ lãnh đạo mới.
Gần đây, nghị quyết đại hội cổ đông của HĐQT Công ty Xây dựng Coteccons cũng nhất trí phương án ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty, sẽ chỉ còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch thay vì kiêm nhiệm vị trí đứng đầu trong ban điều hành.
Ông Nguyễn Bá Dương đồng thời chính là Thành viên HĐQT độc lập của Vinamilk, được bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc - mời về. Chia sẻ tại đại hội cổ đông của Coteccons mới đây, ông Nguyễn Bá Dương cho biết trong tương lai, doanh nghiệp này cũng hướng đến hệ thống quản trị theo thông lệ quốc tế như Vinamilk đang thực hiện.
Hai biến động dễ nhận thấy ở nhóm công ty tỷ đô trong thời gian qua là thay chủ tịch HĐQT, bầu bổ sung thành viên HĐQT.
“Phát súng” đầu tiên diễn ra tại Vinamilk. Bà Mai Kiều Liên rời vị trí Chủ tịch HĐQT, chỉ làm Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc từ tháng 6/2015.
Đến nay, Vinamilk có 9 thành viên, tăng 3 người so với năm 2016. Báo cáo thường niên năm 2016 của công ty nêu rõ bà Lê Thị Băng Tâm là Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm Thành viên độc lập. Doanh nghiệp này có 4/6 thành viên HĐQT không điều hành.
Hết năm 2016, Vietcombank có 7 thành viên HĐQT. 5/7 người không kiêm nhiệm điều hành. Đại hội cổ đông của ngân hàng diễn ra tháng 4 bầu bổ sung 3 người vào HĐQT.
Ông Nguyễn Đăng Quang đã kiêm nhiệm 2 chức danh cao nhất trong HĐQT và Ban điều hành Masan từ nhiều năm, song hiện tại chỉ làm Tổng giám đốc. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Công ty tỷ đô khác là Hòa Phát hiện có 9 thành viên HĐQT trong đó có 2 người kiêm nhiệm điều hành, một thành viên độc lập. Tỷ lệ thành viên độc lập tại doanh nghiệp này đang ít hơn so với quy định.
Tương tự, với VietinBank, nhân sự HĐQT có 6 người, trong đó có một thành viên độc lập - thấp hơn tỷ lệ sắp áp dụng.
Với “ông lớn” GAS, báo cáo đơn vị này chưa thể hiện có thành viên HĐQT độc lập. Tất cả thành viên trong HĐQT đều có cổ phần ở GAS.
Thế Giới Di Động vẫn duy trì kiêm nhiệm 2 chức danh chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc. HĐQT của đơn vị này có 8 nhân vật, một độc lập, 3 không điều hành. Tuy vậy, việc đơn vị này vẫn duy trì 2 chức danh cao nhất trong HĐQT và ban điều hành cho một người là ông Nguyễn Đức Tài được cho là đang “đi ngược” với xu thế tại nhiều đơn vị khác.
Chuyện tưởng lạ, mà không lạ, đặc biệt trong bối cảnh Nghị định 71 liên quan đến các vấn đề quản trị trong công ty đại chúng có hiệu lực kể từ 1/8, với điều khoản chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm CEO sẽ tính từ năm 2020.
Còn theo quy định mới áp dụng ngay từ ngày 1/8 sắp tới, số lượng thành viên HĐQT của công ty đại chúng dao động từ 3 đến 11 người. Ít nhất 1/3 số này phải là thành viên không điều hành. Nguyên nhân là việc thành viên HĐQT tham gia kiêm nhiệm chức danh điều hành có thể làm ảnh hưởng đến tính độc lập trong hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, văn bản này cũng quy định doanh nghiệp cũng cần có ít nhất 3 thành viên HĐQT độc lập. Nếu số lượng thành viên HĐQT độc lập ít hơn 5 người thì cần có ít nhất một người làm thành viên HĐQT độc lập.
Riêng tại các công ty niêm yết, ít nhất 1/3 thành viên trong HĐQT phải là thành viên độc lập. Điều đó khiến cho việc tìm vị trí “người phán xử” trong các doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhân vật này không được có quyền lợi, quan hệ tại doanh nghiệp.
Từ năm 2019, thành viên HĐQT của một công ty đại chúng không được đồng thời là thành viên HĐQT tại quá 5 công ty khác. Từ năm 2020, chủ tịch HĐQT của công ty không được kiêm nhiệm chức danh giám đốc hoặc tổng giám đốc.
Nhân sự cấp cao tại các doanh nghiệp tỷ đô như Vinamilk, Masan, Coteccons... không còn "ôm đồm" kiêm nhiệm hai chức danh chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
“Hai phương án đang được một số đơn vị áp dụng. Một là nâng số thành viên trong HĐQT lên để có thể có thêm lựa chọn cho đủ số lượng. Hai là sẽ bổ sung thành viên độc lập thay thế cho thành viên, nhưng lại phát sinh câu chuyện ai nhường ghế”, một chuyên gia chia sẻ.
Hiện tại, VietinBank là một trong những doanh nghiệp thuộc nhóm tỷ đô đang thiếu “người phán xử” là thành viên độc lập. Ngân hàng mới có một thành viên độc lập là ông Phùng Khắc Kế, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng.
Chia sẻ với Zing.vn về vấn đề này, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank, cho biết ban lãnh đạo ngân hàng vẫn đang rà soát lại vấn đề quản trị.
Việc bổ nhiệm và bổ sung thành viên HĐQT độc lập sẽ được công bố sớm nhất trong thời gian tới. Ông Thọ cho biết việc tuyển được “người phán xử” để bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ khó hay dễ tùy vào từng doanh nghiệp, song ông tự tin ngân hàng có thể tìm được.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu lại chia sẻ quan điểm khác. Ông cho rằng hiện nay việc tìm được thành viên độc lập để bổ sung cho đủ số lượng, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, không dễ dàng.
Cả cung và cầu đều không nhiều do không ít doanh nghiệp vẫn tôn sùng mô hình "nhóm trị", "gia đình trị" và đại diện các cổ đông lớn trong HĐQT hầu như chưa muốn nghe phản biện, ý kiến trái chiều. Chưa kể, những người có đủ kinh nghiệm để đảm nhiệm cương vị thành viên độc lập trong HĐQT hiện tại đều đã đảm nhiệm chức vụ tại các đơn vị khác.
"Muốn lớn, nhận được niềm tin từ cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam cần có mô hình quản trị theo thông lệ thế giới, không thể duy trì tình trạng quản lý và quản trị đan xen, vừa đá bóng, vừa thổi còi", chuyên gia này bày tỏ.
Theo Zing