Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định 1001 phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đến năm 2020.
Cụ thể, theo phương án phân loại, có 5 doanh nghiệp SCIC thực hiện cổ phần hóa và bán vốn gồm Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến Đá An Giang; Công ty TNHH 2TV Đầu tư Thương mại Tràng Tiền; Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển HPI; Công ty TNHH MTV In và phát hành biểu mẫu thống kê; TNHH MTV In thống kê TP.HCM.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Hai doanh nghiệp SCIC tiếp tục đầu tư nắm giữ là Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC); Công ty cổ phần Viễn thông FPT.
132 doanh nghiệp thực hiện bán vốn Nhà nước trong giai đoạn 2017 - 2020. Ngoài ra, có 3 doanh nghiệp xử lý theo phương thức đặc thù là CTCP Nuôi và dịch vụ thủy đặc sản Thừa Thiên Huế; CTCP dịch vụ thương mại công nghiệp; CTCP XNK Vĩnh Lợi.
4 doanh nghiệp SCIC chủ động bán vốn trong giai đoạn 2017 - 2020 là CTCP Đầu tư Việt Nam - Oman; CTCP Tư vấn đầu tư và đầu tư Việt Nam; CTCP Đầu tư tháp truyền hình Việt Nam; Công ty cổ phần Đầu tư Bảo Việt SCIC.
Việc sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC nhằm tái cơ cấu và đẩy nhanh tiến độ bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ nhằm đưa doanh nghiệp thực sự trở thành một công cụ, kênh truyền vốn Nhà nước, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp.
Thoái 1 đồng vốn, thu về 17 đồng
Cho rằng các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ trong cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các cơ quan tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, công khai minh bạch trong CPH để hoàn thành kế hoạch năm 2017.
Đến hết quý II/2017, việc bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ được thực hiện tại 22 DN với tổng giá trị theo sổ sách là 666,8 tỷ đồng (bằng 76,5% so với cùng kỳ năm 2016), thu về 11.589,3 tỷ đồng (bằng 314,11% so với cùng kỳ năm 2016). Trong đó, 6 DN thoái vốn dưới mệnh giá. Tỷ lệ hiện là thoái 1 đồng vốn, Nhà nước thu về 17 đồng.
Tuy nhiên, tiến độ CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN diễn ra chậm, đạt tỷ lệ thấp trong 6 tháng đầu năm. Việc bàn giao các DN sau CPH về SCIC cũng chậm, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán chưa thực hiện nghiêm túc.
Đặc biệt, TP.HCM chậm nhất trong số các đơn vị khi chưa có DN nào được CPH trong danh sách 39 DNNN phải CPH của địa phương này tới năm 2020.
Theo Zing