Điện Quang chịu thiệt
Chỉ trong vòng chưa đầy 3 ngày sau thông tin Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét kỷ luật Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa - người từng giữ chức Chủ tịch Công ty Bóng đèn Điện Quang, giá cổ phiếu của doanh nghiệp này đã quay đầu liên tục giảm giá.
Ngày 5/7, cổ phiếu DQC của Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang giao dịch ở mức 48.700 đồng, giảm 1.800 đồng so với ngày 30/6.
Trong khi đó, tổng tài sản của gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa tại doanh nghiệp này cũng đã giảm 21 tỉ đồng so với thời điểm trước.
Nhìn nhận về vấn đề này, TS Bùi Quang Tín, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng việc này hoàn toàn dễ hiểu và trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục biến động.
Theo TS Tín, bà Thoa trước đây từng là lãnh đạo của Công ty Bóng đèn Điện Quang. Hiện nay tuy đã chuyển sang vị trí công tác khác nhưng số cổ phần của bà Thoa tại doanh nghiệp này vẫn còn gần 1,7 triệu đơn vị, chiếm tỷ lệ 4,91% vốn điều lệ công ty.
Cổ phiếu Điện Quang liên tục rớt giá sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét kỷ luật Thứ trưởng Thoa |
“Hiện nay giá cổ phiếu của Điện Quang đã bị ảnh hưởng và tác động bởi những thông tin liên quan đến việc xem xét kỷ luật bà Thoa. Trong những ngày tới tôi nghĩ khó có thể chặn được tác động xấu.
Mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kết luận cuối cùng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng như việc bà Thoa sai phạm đến đâu, chịu hình thức kỷ luật như thế nào?”, ông Tín nhấn mạnh.
Vị chuyên gia nhận định, số lượng cổ phiếu, cổ phần của bà Thoa và những người có liên quan trong Công ty Bóng đèn Điện Quang rất nhiều. Vì thế trong thời điểm này, muốn thoái vốn hoặc bán đi phần đó cho người khác cũng không phải đơn giản.
“Càng bán ra thì giá trị cổ phiếu càng rớt. Trong điều kiện bán đơn lẻ thì rớt rất nhanh. Trường hợp tìm được người mua theo hình thức thỏa thuận mới đỡ rớt giá. Nhưng việc này không phải đơn giản.
Ngoài ra, với những thông tin bất lợi trên, chắc chắn tính cạnh tranh của Điện Quang sẽ giảm. Không chỉ đối với những sản phẩm liên quan trong nước mà rất nhiều sản phẩm nước ngoài sẽ tràn vào Việt Nam. Đây là vấn đề rất khó khăn của Điện Quang trong thời điểm hiện nay”, ông Tín khẳng định.
Nhìn lại chuyện quan chức có cổ phần doanh nghiệp
GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội cũng nhận định, việc giảm sút giá trị cổ phiếu của Công ty Bóng đèn Điện Quang những ngày qua là do doanh nghiệp này có mối liên hệ mật thiết với bà Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa.
“Thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với những thông tin đó”, ông Đào nói.
Theo ông Đào, trước đây bà Thoa từng là lãnh đạo Công ty Bóng đèn Điện Quang. Sau khi trở thành Thứ trưởng Bộ Công Thương, những người thân của bà Thoa lại tiếp tục đảm nhiệm những vị trí quan trọng tại Công ty này.
“Việc bà Thoa làm nhiệm vụ quản lý nhà nước trong khi những người thân nắm quyền tại Công ty trực thuộc chắc chắc khiến dư luận đặt ra câu hỏi về tính công khai, minh bạch. Như thế có thể dẫn tới việc xung đột lợi ích hoặc làm cho chính sách của chúng ta trở nên méo mó.
Tình trạng này có thể khiến dư luận đặt nghi vấn về việc doanh nghiệp lợi dụng, núp bóng lãnh đạo”, ông Đào đặt vấn đề.
Ông Đào nhận định trước mắt Cổ phiếu của Công ty Bóng đèn Điện Quang có thể bị ảnh hưởng do thông tin xem xét kỷ luật bà Hồ Thị Kim Thoa. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp thật sự có bản lĩnh và làm ăn một cách nghiêm túc thì sẽ sớm có thể khắc phục được khó khăn trên để tiếp tục phát triển.
“Từ trường hợp bà Thoa, tôi cho rằng việc quan chức nhà nước có cổ phần trong doanh nghiệp cần phải được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc. Vụ việc của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa chỉ là một trường hợp. Tôi nghĩ nếu rà soát cả nước thì sẽ thấy nhiều vấn đề hơn.
Theo tôi đã đến lúc chúng ta nên có chính sách mạnh mẽ và siết chặt việc này. Vấn đề quản lý con người và cổ phần hóa doanh nghiệp phải làm với một quy trình chặt chẽ, rõ ràng để tránh thất thoát, tránh hiện tượng tài sản rơi vào một nhóm người”, ông Đào nêu quan điểm.
Trong khi đó, TS Bùi Quang Tín nhận định để tránh những tác động xấu đến doanh nghiệp hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp thì các cổ đông lớn (kể cả cổ đông nhà nước cũng như cổ đông tư nhân) phải hết sức minh bạch, cẩn thận trong hoạt động kinh doanh cũng như hoạt động cá nhân.
“Những người nắm giữ trên 5% cổ phần của Công ty phải cẩn thận và có trách nhiệm với các hoạt động của bản thân. Nếu không làm gương sẽ tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu cũng như uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp”, TS Tín nói thêm.
Theo Đất Việt