|
Nếu phá sản, hơn 1.200 lao động nhà máy đóng tàu Dung Quất đang có nguy cơ mất việc làm. |
Liên quan tới phương án xử lý dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất, tại buổi làm việc với Bộ Công Thương tuần qua, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổ trưởng tổ công tác xử lý tại dự án thua lỗ Nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS) cho biết, hiện PVN đang đưa đơn vị kiểm toán vào làm việc để lấy căn cứ xử lý.
Theo vị này, trong thời gian ngắn tới, tổ công tác sẽ trình Bộ Công Thương các phương án xử lý dự án này theo hướng tiếp tục duy trì và tìm đối tác hoặc cho phá sản.
"Đối với phương án duy trì dự án thì trên thực tế, DQS vẫn đang chủ động đi kiếm việc từ bên ngoài nhưng dù có tích cực thì vẫn còn hạn chế. Hiện tại do không được chỉ định thầu nên khi tham gia đấu thầu, DQS khó giành được bởi kết quả kinh doanh đã thua lỗ vài năm. Vấn đề chính với DQS hiện chỉ là việc làm, nếu không có chính sách cụ thể thì không thể giải quyết được", Tổ trưởng tổ công tác xử lý tại dự án thua lỗ Nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS) cho biết.
Theo đại diện PVN, thời gian qua dù rất nỗ lực để duy trì hoạt động, giảm thiểu khó khăn nhưng với tổng mức đầu tư quá lớn, các hợp đồng trước đây Vinashin thực hiện không quyết toán hoặc không có hồ sơ nên xảy ra hàng loạt vấn đề.
Nêu cụ thể hơn, ông Phan Tử Giang - Giám đốc DQS cho biết, trên thực tế, từ khi chuyển giao từ Vinashin sang PVN tới nay thì Nhà máy đóng tàu Dung Quất chưa xử lý được bất cứ vấn đề gì.
"Bộ Công Thương đã trình lên Văn phòng Chính phủ phương án nhưng chưa được xử lý. Có 3 vấn đề cần giải quyết là công việc, công việc và công việc. Dù là dự án thua lỗ nhưng DQS chưa dừng sản xuất 1 ngày nào, dòng tiền cho sản xuất vẫn thực dương, âm chỉ là vì các khoản lỗ tồn tại trước đó. Tuy nhiên, để giải quyết vướng mắc về công việc thì phải có cơ chế đặc biệt: đấu thầu, chỉ định thầu", ông Giang nói.
Còn trong dài hạn, theo ông Giang: "Cần xem xét tìm đối tác nhưng thị trường như thế này phải 5-10 năm nữa mới tìm được. Việc tìm đối tác không phải là không tiềm năng nhưng hiện tại bán DQS nợ như thế thì không tiềm năng. Trong tương lai, thị trường lên thì không phải là khó tìm đối tác bởi hiện cũng có những đối tác từ Mỹ, Hàn Quốc tìm hiểu nhưng họ có những điều kiện chưa giải quyết được".
Trước đề xuất của lãnh đạo phía DQS, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: "Quan điểm là tái cơ cấu lại và cực chẳng đã thì mới cho phá sản. Giải quyết vấn đề công việc cho DQS nếu trong trường hợp đặc biệt, Chính phủ sẽ có phương án nhưng cũng lưu ý cần tránh xử lý 1 trường hợp lại gây ra vấn đề cho doanh nghiệp khác".
Tuy nhiên, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - Tổng Giám đốc PVN - đơn vị đang tiếp quản DQS lại thẳng thắn cho biết: "Từ khi chuyển giao đến nay, có công việc nào DQS có thể thực hiện thì PVN đều chuyển giao lại cho DQS. Nhưng hiện nay, thị trường đóng tàu ngoại trừ sửa chữa nhỏ thì việc đóng mới là hoàn toàn không có".
"Do đó, hoàn toàn không có nguồn việc trong 5 - 10 năm nữa. Việc đảm bảo công việc rất khó khăn còn về chỉ định thầu thì Chính phủ không cho phép, nên công với DQS ngày càng khó khăn. Tôi nghĩ phương án phá sản là tốt nhất dù phá sản thì vẫn phải tiếp tục đối mặt với những khoản nợ DQS đang phải gánh", ông Sơn nói.
Như PV đưa tin trước đó, mặc dù PVN đã có nhiều nỗ lực nhằm cứu Nhà máy đóng tàu Dung Quất nhưng hiện công ty này vẫn gặp nhiều khó khăn về tài chính và chưa thoát khỏi nguy cơ phá sản dai dẳng từ nhiều năm nay. Bản thân PVN, sau khi được bàn giao từ Vinashin về PVN đến nay, PVN đã chuyển cho DQS 5.095 tỷ đồng, bao gồm 1.900 tỷ đồng góp vốn điều lệ và 3.104 tỷ đồng để thanh toán nợ.
Trong một báo cáo của Bộ Công Thương trình lên Thủ tướng Chính phủ hồi cuối năm ngoái cho biết, trên thực tế, DQS đã lâm vào tình trạng phá sản, việc thực hiện thủ tục phá sản là phù hợp với các quy định hiện hành. PVN sẽ không phải tiếp tục chịu rủi ro trong tương lai khi tiếp tục duy trì hoạt động của DQS.
Tuy nhiên, nếu thực hiện phương án phá sản, giá trị ước tính có thể thu hồi vẫn thấp hơn nợ phải trả. Do đó, PVN sẽ không thể thu hồi được khoản tiền trên 5.000 tỷ đồng đã đầu tư vào DQS. Ngoài ra, các thủ tục xử lý phá sản tương đối phức tạp, kéo dài và tốn thêm chi phí thực hiện thủ tục phá sản. Hơn nữa, việc bán thanh lý tài sản có thể khó khăn và hạn chế trong khi vấn đề giải quyết quyền lợi cho hơn 1.200 lao động khi mất việc cũng là vướng mắc.
Theo Dân Trí