Vinafood 2 sai phạm hàng trăm tỷ: Có bao che?

Thứ ba, 11/07/2017, 09:57
“Sai phạm của Vinafood 2 hết sức nghiêm trọng và kéo dài. Nếu thanh tra nghiêm túc chắc chắn sẽ phát ra hiện. Vậy ai là người bao che?”.

Vi phạm hết sức nghiêm trọng

Bộ NN-PTNT vừa công bố kết luận thanh tra tra đột xuất tại Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2).

Theo đó, từ năm 2014, Vinafood 2 đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và bán tài sản trên đất trái với quy định.

Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Vinafood 2 giao cho Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn quản lý, sử dụng Nhà máy chế biến và bảo quản thủy sản, thực phẩm và vùng ao nuôi thủy sản cồn Đông Giang (Đồng Tháp) từ ngày 1/4/2015 đến ngày 30/8/2016 nhưng không ký hợp đồng thuê khoán và không thu tiền.

Vinafood 2 mắc hàng loạt sai phạm, trong đó có hoạt động xuất khẩu gạo. Ảnh minh họa

Liên quan đến thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung, Vinafood 2 chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của thương nhân đầu mối như: không xây dựng phương án dự thầu, đàm phán, ký kết hợp đồng tập trung có hiệu quả, không có phương án (bằng văn bản) triển khai thực hiện hợp đồng ngay sau khi ký hợp đồng tập trung.

Vinafood 2 cũng không có văn bản đánh giá về giá gạo xuất khẩu theo hợp đồng tập trung để so sánh với giá gạo xuất khẩu theo hợp đồng thương mại trên thị trường cùng thời điểm để đảm bảo hiệu quả xuất khẩu...

Trao đổi với PV về vấn đề này, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông học hàng đầu Việt Nam khẳng định những vi phạm của Vinafood 2 vô cùng nghiêm trọng và cần phải được xử lý nghiêm khắc.

Theo ông Xuân, không phải đến thời điểm hiện tại Vinafood 2 mới mắc phải những sai phạm trong vấn đề chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thời điểm lãnh đạo trước của Vinafood 2, ông Xuân cùng nhiều người khác đã từng lên tiếng về những tồn tại trong vấn đề quản lý, hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên đến thời điểm này, sau khi tiến hành thanh tra, kiểm tra kỹ, Bộ NN-PTNT mới phát hiện ra các sai phạm của Vinafood 2.

Lý giải việc này, GS Võ Tòng Xuân cho rằng có 2 lý do chính cần phải xem xét, làm rõ. Thứ nhất, có thể do Vinafood 2 tìm cách che giấu, qua mặt các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Thứ hai, các bộ phận được giao nhiệm vụ kiểm tra bị doanh nghiệp mua chuộc, không làm nghiêm túc, đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công.

Dĩ nhiên là về mặt nhà nước, cơ quan chủ quản là Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của Vinafood 2. Những sai phạm này là hết sức nghiêm trọng.

Theo nhận định của tôi, về mặt nhà nước, Vinafood 2 có thể thua lỗ nhưng về mặt cá nhân luôn luôn có tiền. Không loại trừ khả năng họ che giấu sai phạm bằng cách chia bớt cho những người có quyền lực.

Cho nên dù thanh tra, kiểm tra không phát hiện ra sai phạm mà cứ để tình trạng này kéo dài, Vinafood than thua lỗ nhưng lại có tiền đi đầu tư ngoài ngành. Điều này đã xảy ra từ lãnh đạo trước Vinafood 2 đã xảy ra rồi. Nhiều người đã nói thẳng, có bao che của cấp trên thì Vinafood 2 mới dám làm như vậy”, ông Xuân nhấn mạnh.

GS Võ Tòng Xuân nhận định thêm, với những sai phạm của Vinafood 2 rõ ràng như trên, nếu làm nghiêm túc, chắc chắn cơ quan quản lý nhà nước sẽ phát hiện ra các sai phạm để xử lý chứ không thể để việc này tồn tại, kéo dài đến thời điểm bây giờ.

“Bây giờ cần phải làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan đến việc sai phạm hàng loạt của Vinafood 2. Liệu có ai đứng đằng sau bao che, bỏ qua những vi phạm của doanh nghiệp này hay không? Cần làm rõ và xử lý đúng theo quy định của pháp luât”, ông Xuân kiến nghị.

Xóa bỏ độc quyền của Vinafood 2

Một vấn đề mà GS Võ Tòng Xuân đặc biệt chú ý là những vi phạm trong hoạt động xuất khẩu gạo được thanh tra Bộ NN-PTNT chỉ ra trong kết luận vừa qua.

Theo ông Xuân, Việt Nam có nhiều tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng lúa. Tuy nhiên việc Vinafood được giao độc quyền trong hoạt động thu mua, xuất khẩu lúa gạo đã tạo ra những hệ lụy xấu khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức quá thấp và người nông dân không được hưởng lợi.

“Vinafood nắm các công ty nhỏ, các công ty lương thực ở các tỉnh. Đáng lẽ họ phải đi các nơi trên thế giới, nơi nào cần loại gạo gì thì phải hợp đồng, ký với người ta để giao lại cho công ty con sản xuất. Tuy nhiên Vinafood không làm như vậy.

Họ chờ khi có đấu thầu giữa Việt Nam với Philippines, Malaysia thì tham gia và trả giá rẻ hơn để giành được hợp đồng.

Đấu thầu bỏ giá thấp quá và khi về Việt Nam không mua được với giá đó. Do đó họ mới bắt các công ty con chia lỗ cùng. Việc này không đúng và kiềm chế sự phát triển của hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam”, ông Xuân bức xúc.

Ông Xuân chia sẻ, cách làm của Vinafood 2 lâu nay là mua rẻ, bán rẻ. Trong khi các doanh nghiệp tư nhân muốn xuất khẩu gạo giá cao và có sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính lại bị ràng buộc bởi những quy định về kho chuyên dùng, nhà máy xay xát..., mà đa số sẽ chẳng đáp ứng được.

“Bây giờ cần phải giảm bớt quyền của Vinafood 2 trong hoạt động xuất khẩu lúa gạo. Muốn gạo Việt Nam có khả năng cạnh tranh với các nơi khác, cần để các doanh nghiệp tư nhân có gạo ngon và thị trường cùng tham gia. Như thế mới khuyến khích được ngư dân sản xuất, thu lợi nhuận từ việc trồng lúa”, ông Xuân nêu quan điểm.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn