PVN phải vào cuộc quyết liệt xử lý các dự án thua lỗ
Ngày 7/7, tại cuộc họp về các dự án thua lỗ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, cần có giải pháp quyết liệt để triệt để xử lý các dự án thua lỗ này.
Theo đại diện Bộ Công Thương, PVN hiện có 5 dự án thua lỗ cần xử lý là: Nhà máy Nhiên liệu sinh học (NLSH) Ethanol Phú Thọ, Nhà máy Ethanol Bình Phước, Nhà máy sản xuất NLSH Bio-Ethanol Dung Quất, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất và Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX).
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đang làm việc với PVN về các dự án không hiệu quả |
“5 dự án của PVN đều lớn, ít cũng 70 - 80 triệu USD, nhiều thì 300 - 400 triệu USD nên nhận được sự quan tâm lớn, cần nhanh chóng có giải pháp xử lý khó khăn”, ông Vượng khẳng định.
Đưa ra phương án cụ thể cho từng dự án, lãnh đạo Bộ Công Thương nêu rõ, với dự án Ethanol Dung Quất, quan điểm là khởi động lại dự án sau đó mới thoái vốn, chuyển nhượng vốn.
Với dự án nhà máy NLSH Bình Phước, PVN và phía nhà máy cần làm việc với đối tác để sớm khởi động lại dự án. Bởi việc khởi động dự án không chỉ liên quan đến nguồn vốn mà còn liên quan đến lộ trình thay thế và sử dụng xăng sinh học E5 từ đầu năm 2018.
Đề cập đến dự án Ethanol Phú Thọ, lãnh đạo Bộ Công Thương thống nhất phương án dừng dự án và tiến hành phá sản công ty. Đồng thời đề nghị PVN làm việc với cổ đông để thực hiện lộ trình dừng và phá sản này.
Với 2 dự án còn lại, đặc biệt là dự án PVTEX, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, phương án đưa ra là hợp tác với đối tác nước ngoài để khởi động lại dự án, sau đó thực hiện chuyển nhượng vốn.
Trong khi đó, nhà máy Đóng tàu Dung Quất được lựa chọn phương án cho phá sản. Với việc quyết toán con tàu 104.000 tấn, do giá trị nhà máy và đối tác đưa ra chênh lệch khá lớn nên Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chỉ đạo Vụ Tài chính - Bộ Công Thương có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc để định giá con tàu.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng đề nghị PVN sớm xây dựng hai phương án: Một là phương án như đã quyết định ở trên, với điều kiện cho phép cổ đông bỏ vốn xử lý khó khăn. Thứ hai là nếu như cổ đông không được bỏ vốn thì chấp nhận phương án đàm phán hoặc phá sản ngay từ đầu.
Làm không xong thì thay thế
Trước đó, ngày 5/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp triển khai kết luận của Bộ Chính trị về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp yếu kém, chậm tiến độ ngành công thương.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ ra 2 bệnh chung của 12 dự án ngàn tỷ yếu kém.
Theo đó, bệnh chung thứ nhất là khi lập, phê duyệt dự án thì làm rất nhanh nhưng khi tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản rất trì trệ, vướng mắc pháp lý với các nhà thầu EPC, điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm 43% so với dự toán, nhiều dự án kéo dài tới giờ chưa xong, có nhà máy xong rồi nhưng không hoạt động được.
Bệnh thứ hai là khi lập phương án đầu tư, sản xuất kinh doanh thì thông số đầu vào khả quan, chi phí sản xuất thấp và giá trị đầu ra cao nhưng khi vận hành thì thông số đầu vào cao còn giá trị đầu ra thì thấp.
Nhà máy sản xuất ethanol (Bình Phước) là một trong 5 dự án thua lỗ nghìn tỷ của PVN |
Phó Thủ tướng khẳng định kiên quyết xử lý theo cơ chế thị trường ở hai điểm là tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp và Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, nhà máy.
Kiên quyết xử lý sớm các vướng mắc pháp lý của các dự án. Ưu tiên bán dự án, nhà máy cho các nhà đầu tư ngoài Nhà nước, cho phép giải thể các dự án không có khả năng, thu hồi tối đa tài sản,..
“Ai không làm và làm không xong thì phải thay thế”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Riêng đối với trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) trong xử lý các dự án này, Phó Thủ tướng phê bình việc xử lý quá chậm trễ. Ông yêu cầu Bộ Công thương họp với PVN và báo cáo cụ thể những việc cần làm và xác định rõ trách nhiệm từng người.
Theo Đất Việt