Đầu tư đúng luật
Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ thuộc Công ty TNHH quốc tế Everbright (Trung Quốc) vừa khởi công xây dựng dự án nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện tại TP.Cần Thơ vào ngày 30/6.
Dự án trên có tổng vốn đầu tư khoảng 1.050 tỉ đồng (tương đương 47 triệu USD), được xây dựng trên diện tích hơn 5,3ha với công suất xử lý đạt 400 tấn rác/ngày.
Đặc biệt, nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện được đầu tư xây dựng ở thành phố Cần Thơ là dự án đầu tiên của Việt Nam áp dụng quy trình này, mỗi ngày có thể phát được 150.000 kWh điện.
TS Nguyễn Bách Phúc đề nghị làm rõ công nghệ mà doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng để xây dựng nhà máy xử lý rác. Ảnh minh họa |
Sau khi được xử lý (đốt) phục vụ phát điện, còn lại khoảng 5% tro xỉ sẽ được chôn lấp; các chất thải dạng lỏng và khí thông qua các thiết bị xử lý chuyên nghiệp, hiện đại, đạt tiêu chuẩn sẽ thải ra môi trường.
Trao đổi với PV trước thông tin trên, TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM HASCON cho biết cần phải nhìn nhận dự án trên dưới góc độ pháp lý và hiệu quả kinh tế.
Theo TS Phúc, đây là dự án sử dụng 100 % vốn của chủ đầu tư. Trong đó 20% là vốn tự có của chủ đầu tư và 80% còn lại do chủ đầu tư vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
“Theo tôi nguồn vốn không có gì phải băn khoăn cả. Doanh nghiệp Trung Quốc đến và kinh doanh tại Việt Nam. Nếu họ làm tốt, có chiến lược cụ thể thì sẽ có lời. Nếu thua lỗ thì doanh nghiệp phải chịu. Nhân dân và nhà nước không mất gì cả”, ông Phúc nói.
Ngoài nguồn vốn, theo ông Phúc, câu chuyện đầu tư và cấp phép của địa phương cũng làm đúng pháp luật.
Ông Phúc dẫn chứng: “Với mức vốn đầu tư 47 triệu USD thì Cần Thơ không phải thông qua Bộ KH-ĐT, không phải thông qua Chính phủ mà hoàn toàn có quyền phê duyệt dự án.
Bên cạnh đó, địa phương cũng tổ chức đấu thầu quốc tế rõ ràng và chọn được 7 nhà thầu sơ bộ. Sau đó Cần Thơ chọn ra 2 nhà thầu, trong đó có nhà thầu Everbright.
Cần Thơ cũng cử 2 đoàn chuyên gia đến Trung Quốc để khảo sát thực tế dự án của Everbright đầu tư tại đây và cử một đoàn khác đến Paris (Pháp) để thăm dự án của nhà đầu tư còn lại. Sau khi có kết quả chuyến đi thực tế, và so sánh các nhà thầu, Cần Thơ đã chọn công ty đến từ Trung Quốc”.
Đặc biệt, theo vị chuyên gia, phía Everbright đã có báo cáo dự án, báo cáo tác động môi trường và nộp cho Bộ TN-MT. Bộ này sau đó cũng có quyết định phê duyệt.
“Về mặt pháp lý, tôi thấy dự án này không có gì sai phạm cả và rất đáng hoan nghênh”, ông Phúc nói.
Dấu hỏi công nghệ
Một vấn đề khác được vị chuyên gia nhắc đến đó là công nghệ mà phía nhà thầu Trung Quốc sẽ dùng trong dự án này.
Theo ông Phúc, đại diện Công ty Everbright từng khẳng định sẽ sử dụng công nghệ, thiết bị, quản lý, vận hành tốt nhất để đưa dự án thành dự án trọng điểm ở ĐB Sông Cửu Long. Tuy nhiên cụ thể công nghệ đó là gì thì lại không được đề cập đến để các chuyên gia và người dân tiện theo dõi.
“Tôi nghĩ Cần Thơ cần công bố công nghệ người Trung Quốc đấu thầu và trúng thầu. Tốt nhất là công bố luôn cả công nghệ của nhà thầu còn lại để cùng so sánh. Khi đó các chuyên gia mới đánh giá, nhận định được loại nào tốt, loại nào có vấn đề”, ông Phúc nhấn mạnh.
Dựa trên kinh nghiệm của bản thân, TS Nguyễn Bách Phúc cho rằng, nếu không tính toán một cách thận trọng và có chiến lược cụ thể, rất có thể doanh nghiệp Trung Quốc sẽ bị thua lỗ sau 20 năm thực hiện dự án tại Việt Nam.
Theo ông Phúc, với thông tin được công bố tại buổi họp báo, mỗi ngày nhà máy có thể phát được 150.000 kWh điện. Như vậy trong 1 năm sẽ đạt được khoảng 55 triệu kWh điện. Tính trong thời gian 20 năm, tổng cộng Công ty này sẽ phát được khoảng 1,1 tỷ kWh điện.
“Tôi không biết EVN sẽ mua cho họ giá bao nhiêu. Tuy nhiên trước kia nhà máy điện gió ở Bình Thuận cũng rất đau khổ vì giá điện chúng ta mua quá thấp. Sau nhiều lần kiến nghị thì giá cuối cùng được đưa ra là 7,8 cent Mỹ /kWh. Nếu bây giờ cũng với công nghệ mới và được giá như vậy thì trong khoảng 20 năm phía Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB CầnThơ sẽ thu được khoảng 80 triệu USD.
Tuy nhiên chi phí vận hành nhà máy, nguyên vật liệu, trang thiết bị cũng như trả lương cho cán bộ công nhân viên theo dự tính của tôi phải hết 50 triệu USD. Còn lại 30 triệu USD thì không đủ hoàn vốn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp bỏ ra 47 triệu nhưng sau 20 năm chỉ thu được khoảng 30 triệu. Thế là thế nào? Tại sao họ lại làm một công trình mà họ chịu lỗ là sao?”, ông Phúc nêu quan điểm.
Vị chuyên gia khẳng định đây chỉ là tính toán sơ bộ của bản thân dựa trên những con số báo chí và lãnh đạo thành phố Cần Thơ đưa ra. Có thể những thông tin trên chưa chính xác hoặc hiện nay phía doanh nghiệp đã thương lượng được EVN mua với giá cao hơn.
“Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đầu tư 47 triệu USD sẽ được 1 nhà máy nhiệt điện công suất khoảng 30MW, mỗi ngày sản xuất được khoảng 300.000 KWh, chứ không phải chỉ 150.000 KWh như thông tin công bố.
Như vậy, sau 20 năm doanh nghiệp Trung Quốc sẽ thu về 170 triệu USD, trừ đi 50 triệu USD chi phí, và 47 triệu hoàn vốn, còn lời 73 triệu USD, lãi suất trên tổng vốn đầu tư 73/47 = 15,5% là bình thường! Dù sao, việc này vẫn phải xem xét nhìn nhận một cách thận trọng”, ông Phúc nhấn mạnh.
Theo Đất Việt