Cục trưởng chống tham nhũng nói về sai phạm của Thứ trưởng Kim Thoa

Thứ tư, 05/07/2017, 10:22
Liên quan đến vi phạm trong kê khai tài sản của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, Dân Việt có trao đổi với Cục trưởng Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt để tìm hiểu rõ hơn vi phạm này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư nêu rõ, trong thời gian dài, bà Hồ Thị Kim Thoa nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định về kê khai tài sản, thu nhập. Đây là việc vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thưa ông?

Vi phạm như của bà Hồ Thị Kim Thoa được Ủy ban Kiểm tra T.Ư nêu ra như trên là vi phạm về pháp luật phòng, chống tham nhũng. Việc kê khai tài sản, thu nhập là một trong những giải pháp phòng, chống tham nhũng.

Trong Chỉ thị 33 năm 2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai tài sản và kiểm soát việc kê khai tài sản, Nghị định 78/2013 của Chính phủ và Thông tư 08/2013 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập đã quy định rõ vấn đề trên.

Trong Luật phòng, chống tham nhũng, quy định kê khai tài sản là một nội dung về quản lý nhà nước trong phòng, chống tham nhũng. Đối với người thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập, sau khi đã kê khai lần đầu nếu hàng năm tài sản có sự biến động thì người kê khai phải bổ sung, còn tài sản vẫn giữ nguyên như cũ thì không phải khai bổ sung.

Nếu cán bộ vi phạm trong kê khai tài sản sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của Nhà nước, thưa ông?

Trước đây việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức (diện phải kê khai) năm nào cũng phải kê khai, hai năm gần đây có quy định mới nếu có biến động tài sản mới phải kê khai bổ sung.

Về xử lý vi phạm đối với người thực hiện không đúng việc kê khai tài sản, thu nhập đã có quy định rất rõ ràng. Ví dụ kê khai chậm, không tổ chức chỉ đạo việc kê khai, không công khai, nội dung kê khai không đúng, không đủ, không trung thực đều có hình thức xử lý tùy theo mức độ vi phạm, từ khiển trách cho đến cảnh cáo, giáng chức, cách chức…

Để xử lý cụ thể trường hợp nào đó vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập cần phải có Hội đồng để xem xét, đánh giá để xem nội dung vi phạm của người đó đến mức độ nào để có hình thức xử lý tương xứng.

Đối với người vi phạm là đảng viên trước khi bị xử lý theo quy định của Nhà nước sẽ bị xem xét xử lý về mặt Đảng. Cái đó làm cơ sở để xử lý về mặt chính quyền.

Trường hơp bà Hồ Thị Kim Thoa, khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư vào cuộc mới kết luận bà này trong thời gian dài nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ, theo ông có phải do sự bất cập của pháp luật nên việc phát hiện vi phạm chậm?

Đây không phải là do sự bất cập của pháp luật. Pháp luật đã quy định rất rõ việc kê khai tài sản, thu nhập trên nguyên tắc tự nguyện, tự giác. Để đảm bảo việc thực hiện đúng cần vai trò của người đứng đầu trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Thời gian qua, việc thực hiện quy định về kê khai tài sản, thu nhập chưa được nghiêm túc nên nhiều người vẫn cho rằng việc kê khai tài sản còn mang tính hình thức.

Vấn đề nữa là pháp luật đã quy định nhưng việc kiểm tra, xử lý việc vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập còn ít. Hàng năm nhiều người kê khai nhưng việc xác minh, thậm định, xử lý còn ít, việc xử lý đó so với thực tế có phải thế không là cả về đề cần phải tính.

Tới đây khi Luật phòng, chống tham nhũng được sửa đổi, cần bổ sung quy định thế nào để việc kê khai tài sản, thu nhập không bị coi là hình thức, thưa ông?

Tất nhiên phải bổ sung, chẳng hạn phải giao cho cơ quan nào đó để kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập. Như thời gian vừa qua Bộ Chính trị đã giao cho Ủy ban Kiểm tra T.Ư kiểm tra việc kê khai tài sản của khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Còn án bộ cấp dưới nữa do cơ quan nào kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của họ trong luật phải quy định rõ. Cần thành lập một bộ phân chuyên môn để kiểm tra kê khai tài sản hay phân cấp luật cần phải quy định rõ hơn thì trách nhiệm mới rõ ràng, còn hiện nay vẫn chung chung, chưa rõ ràng. Ví dụ, nếu như giao tất cả việc kiểm tra, giám sát kê khai tài sản cho Thanh tra Chính phủ thì cơ quan này phải thành lập một bộ phận để thực hiện.

Xin cảm ơn ông (!)

Bà Hồ Thị Kim Thoa sinh năm 1960 tại Nghệ An, có trình độ Thạc sỹ kinh tế. Trước khi trở thành Thứ trưởng Công Thương bà từng giữ chức Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang từ năm 2005 - 2010.

Vào đầu năm 2017, bà Hồ Thị Kim Thoa đã bị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Bà Thoa được cho là có trách nhiệm trong việc đồng ý với đề xuất tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh trái quy định; thực hiện không đúng nguyên tắc, quy định khi ký quyết định bổ nhiệm và điều động một số cán bộ.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn