Chắc chắn do công nghệ kém
Ngày 27/6, người dân xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp sau khi quan sát đã phát hiện có chất bột màu trắng từ Nhà máy chế biến alumin Nhân Cơ phát tán và bám trên cây trồng của người dân.
Theo báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông, kết quả kiểm tra tại khu vực nung Hydrat của Nhà máy Alumin Nhân Cơ có tồn đọng bột Al2O3, từ đó phát tán ra ngoài.
Về nguyên nhân phát tán bột Al2O3, theo báo cáo của đại diện Công ty Nhôm Đắk Nông, trong quá trình sản xuất, do áp suất trong đường ống tăng, công ty phải xả Alumin vào bể chứa hở tại khu vực nung Hydrat. Vì thế, khi gặp gió lớn đã bay ra ngoài.
Trước thông tin trên, ngày 4/7, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản cho biết: "Sự cố này xảy ra theo tôi là do chất lượng công nghệ kém, dẫn đến quá trình sản xuất không hoàn lưu được, bởi hệ thống cản trở phát tán các chất bột ra ngoài không khí hoạt động không hiệu quả.
Đoàn công tác Bộ Công thương kiểm tra nhà máy. |
Về nguyên tắc, trong quá trình nung mọi chất thải, khí thải đều phải hoàn lưu, đảm bảo cho các vật liệu, các sản phẩm không thoát ra ngoài không khí, đã thoát ra không khí, bụi gì cũng ô nhiễm cho môi trường sinh thái, nên phải khép kín".
Bên cạnh đó, theo ông Khiển, từ khi đưa vào sản xuất, dự án Alumin Nhân Cơ liên tiếp xảy ra các sự cố, từ vỡ đập làm ảnh hưởng nguồn nước, giờ là phát tán bột trắng ảnh hưởng không khí, vậy là cả nguồn nước, cả không khí bị nhiễm chất độc.
Trong sản xuất Alumin có 4 loại chất thải bao gồm: chất thải khí, chất thải lỏng (đưa vào các dòng chảy tự nhiên đã được xử lý), chất thải rắn (khói bụi, các loại vật liệu khí quặng thải ra), chất thải nguy hại (liên quan tới hóa chất, các chất thải xăng dầu, ắc quy).
Một khi chất thải lỏng, chất thải khí phát tán ra ngoài môi trường không có kiểm soát, tức là nhà máy không có hệ thống giữ các chất độc, vừa gây thất thoát vật liệu, vừa làm ô nhiễm không khí.
"Những việc này phải được giải quyết sớm, phải có biện pháp đề nghị Ban quản lý dự án, Công ty Alumin Nhân Cơ có trách nhiệm xử lý và tránh tái phạm. Tôi đã nói nhiều lần, công nghệ sản xuất Alumin Nhân Cơ của Trung Quốc rất lạc hậu và đây là những hệ quả nhãn tiền đã được dự báo mà bây giờ phải gánh hậu quả", ông Khiển chỉ rõ.
Xem xét lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, theo vị chuyên gia trên, ôxít nhôm khi vào không khí, cơ thể con người hít phải là rất độc hại, đây là bụi công nghiệp (bụi silic), không đi qua con đường hô hấp bình thường, nên rất dễ đi vào các phế nang, nếu lượng lớn sẽ gây ra các bệnh lý về phổi, dễ biến chứng thành ung thư.
Bệnh bụi phổi - silic là tình trạng bệnh lý của phổi do hít thở bụi có chứa silic trong môi trường lao động.
Thực tế cơ thể con người tiếp xúc với khói độc không phát bệnh ngay mà tích lũy dần, cho nên, hiện nay, các bệnh lý về phổi đối với công nhân khai thác khoáng sản rất phổ biến.
Phổi có vai trò quan trọng trong cơ thể, cung cấp ô xy, giúp cho các tế bào tạo hồng cầu, trong phổi có rất nhiều phế nang mà các phế nang đó bị các bụi chất rắn bù lấp vào sẽ giảm độ đàn hồi của phế nang, không đẩy ra ngoài được.
"Tôi thấy Sở TN-MT Đắc Nông vào cuộc rất kịp thời, nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc Bộ TN-MT là nơi cấp phép cho dự án triển khai sau khi phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Qua sự cố này, có thể thấy rõ việc đánh giá ĐTM rất yếu, không lường trước được những gì xảy ra đối với môi trường khi vận hành nhà máy Alumin này, đó là điều được các chuyên gia dự báo nhiều năm trước đây.
Bây giờ phải xem xét: thứ nhất, khâu thẩm định đã làm đầy đủ hay chưa, đã lường được các khả năng rủi ro hay chưa; thứ hai, khi xảy ra các sự cố này thì chủ dự án phải có trách nhiệm đôn đốc, tìm nguyên nhân, rút kinh nghiệm và tránh tái phạm ra sao?
Cần phải nắm rõ thực trạng, bởi thực tế khi mà xét duyệt dự án các chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến và quyết định tốt, có cơ sở khoa học, nhưng khi về các doanh nghiệp họ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ.
Mà với các dự án như Alumin Nhân Cơ là phải có quan trắc về môi trường về nước, không khí, chất thải rắn, hệ thống quan trắc phải làm việc 3 tháng hoặc 6 tháng/lần, sau đó có sự điều chỉnh, giảm thiểu các tác động, nhưng các doanh nghiệp không làm, vì nếu làm rất tốn kém.
Cho nên, Bộ TN-MT phải vào cuộc điều tra, thanh tra xem doanh nghiệp thực hiện có đúng hay không, phương pháp xử lý các chất thải có đúng với ĐTM hay không?. Bộ TN-MT là nơi phê duyệt ĐTM cho tất cả dự án khai thác khoáng sản và các dự án khác, khi xảy ra sự cố thì họ phải vào cuộc".
Ông Khiển cũng nói rõ, Việt Nam bị bệnh rút kinh nghiệm rồi lại tái phạm, cuối cùng chỉ dân chịu thiệt, cho nên, công tác thanh tra, kiểm tra, minh bạch hóa các lỗi là cần thiết.
Còn hiện tại cần phải yêu cầu nhà máy ngưng hoạt động sản xuất để không phát tán thêm, những bụi khí đã phát tán ra ngoài rồi thì cần các nhà chuyên môn vào cuộc tư vấn để xử lý.
Theo Đất Việt