Mới đây tại cuộc họp về tình hình phát triển ngành Công nghiệp ôtô Việt Nam, các Bộ, ngành được chỉ đạo tập trung đẩy mạnh phát triển ngành này trở thành ngành công nghiệp chủ lực, có sức cạnh tranh.
Đáng chú ý, ôtô mang thương hiệu Việt Nam phải gắn với chất lượng tốt, giá cả phù hợp khả năng chi trả của người dân và cạnh tranh trong thị trường khu vực, thế giới.
Là người nhiều năm gắn bó với ngành ôtô, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn ôtô máy kéo Trường Đại học Bách khoa TP.HCM đã có những chia sẻ thẳng thắn với Đất Việt xung quanh vấn đề này.
Khó kêu gọi doanh nghiệp cùng tham gia
Những chính sách đưa ra đối với ngành công nghiệp ôtô Việt Nam tôi thấy còn nhiều điều phải nói.
Chúng ta vẫn chưa ra một phương hướng nào có độ tin cậy. Tại vì những người vạch ra chính sách này chủ yếu quản lý hành chính, không thuộc diện có chuyên môn và kinh nghiệm thực tế.
Chủ trương phát triển ngành công nghiệp ôtô để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước bằng cách khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế liên kết, hợp với các tập đoàn lớn trên thế giới tham gia nghiên cứu, sản xuất, lắp ráp… rất khó thực hiện. Theo tôi ít nhất 20 năm nữa chúng ta cũng không thể thực hiện được giấc mơ này.
Vì sao tôi khẳng định thế?
Thực tế đến năm 2018, thuế nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ bằng 0 %. Các doanh nghiệp Việt Nam và người Việt lâu nay có thói quen “ăn xổi ở thì”. Họ không dại gì tốn công đầu tư, tổ chức xây dựng nhà máy để làm ra những sản phẩm chưa bằng người ta, thậm chí giá thành có thể đắt hơn.
Nhiều năm qua, Việt Nam nhập linh kiện nhiều từ Trung Quốc. Ảnh minh họa |
Ngành công nghiệp ôtô của các nước đã có những bước tiến dài hơn Việt Nam nhiều năm. Họ làm ra những sản phẩm có thương hiệu nên việc nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài sẽ tiện hơn tự làm trong nước.
Chuyện nhà nước động viên doanh nghiệp tham gia sản xuất để tạo ra một ngành công nghiệp ôtô là mong muốn, một nguyện vọng dù chính đáng nhưng không có cơ sở xã hội cả về tư duy lẫn giải pháp tổ chức.
Bởi lẽ chúng ta lạc hậu quá rồi. Chúng ta không đuổi kịp các nước trong khu vực và trên thế giới. Tầm nhìn của chúng ta vẫn còn hạn chế, manh mún. Nó ngắn và chỉ thấy bề nổi, thấy cái lợi trước mắt. Ngành công nghiệp ôtô của chúng ta sau bao nhiêu năm đầu tư, ưu đãi vẫn chỉ đạt được bước tiến nhỏ.
Với kiểu làm ăn như thế nên nhiều sản phẩm chúng ta làm ra như trục khuỷu cũng không có người mua. Tình trạng đó làm sao để doanh nghiệp mặn mà và đồng ý tham gia vào chuỗi sản xuất.
Nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc?
Việc nhà nước khẳng định sẽ có điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi linh kiện, phụ tùng ôtô, phát triển ngành công nghiệp ôtô gắn với thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, tham gia chuỗi sản xuất ôtô toàn cầu... cũng cần phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc.
Chúng ta nhập chủ yếu những linh kiện này ở đâu?
Hiện nay nhiều năm qua, chúng ta nhập khẩu linh kiện, phụ tùng nhiều nhất là từ Trung Quốc.
Trung Quốc đã bắt đầu tự sản xuất từ những năm 50. Họ liên kết với Liên Xô để bắt tay vào chế tạo và có công nghiệp thế kỷ. Cách đây chừng khoảng 20 năm, Trung Quốc đã có chừng 500 nhà máy sản xuất phụ tùng khắp cả nước.
Trong khi đó, sau năm 1954, Việt Nam chỉ có 1 số vài nhà máy nhỏ, sản xuất phụ tùng, động cơ Diezel, lắp ráp đơn giản ở phía Nam. Đến thời điểm này, các hoạt động sản xuất của chúng ta trong lĩnh vực này cũng không thật sự hiệu quả và gặp nhiều khó khăn.
Lý do vì sao? Do chúng ta không đầu tư cơ bản, kể cả con người, kỹ sư, nguồn lực lao động không đảm bảo chất lượng.
Như đã nói ở trên nếu giảm thuế nhập khẩu linh kiện thì đương nhiên doanh nghiệp sẽ nhập khẩu từ bên ngoài vào để lắp ráp, phục vụ sản xuất thay vì dùng hàng nội địa. Như vậy thì công nghiệp phụ trợ trong nước sẽ đi đâu về đâu?
Tôi cho rằng chúng ta không nên tiếp tục tồn tại tư duy “bắt buộc phải có công nghiệp ôtô” để không thua chị kém em. Các nước đã có bề dày nhiều năm và đạt được nhiều thành tựu. Trong khi sức của Việt Nam lại ngày càng hụt.
Nếu muốn vực dậy ngành công nghiệp ôtô thì phải cấm nhập khẩu ôtô hoặc đánh thuế nhập khẩu cao hơn để người ta không mua nữa và dùng ôtô Việt Nam. Tuy nhiên những việc này thì không nên làm.
Thời gian vừa qua, người dân Việt Nam đã không được tiếp cận với giá ôtô rẻ. Giá chúng ta đắt gấp đôi, thậm chí gấp ba so với các nước do chúng ta chủ trương đánh thuế quá cao. Xe Ấn Độ có giá rất rẻ, chưa đến 100 triệu nhưng khi sang Việt Nam tính thuế vào bán đến tới 500 triệu.
Năm 1986 tôi đã từng chất vấn về điều này ở cuộc họp HĐND TP. Theo tôi cần tạo điều kiện để cho mọi người dân có nhu cầu được mua ôtô giá rẻ.
Quay lại với công nghiệp ôtô, tôi cho rằng nên tạm dừng lại. Chúng ta nên nhìn vào những ngành nào, sản phẩm nào là thế mạnh của Việt Nam để phát triển lên.
Hiện nay Việt Nam đang học tập Israel trong nông nghiệp văn minh. Chúng ta là nước nhiệt đới ẩm nên tất cả các loại rau, củ quả, trái cây nếu đầu tư vào đó công nghệ cao thì sẽ thu được những kết quả tốt. Vừa rồi vải thiều của Việt Nam đã xuất khẩu sang Thái Lan và được coi như là một thắng lợi.
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh (nguyên chủ nhiệm bộ môn ôtô máy kéo Trường Đại học Bách khoa TP.HCM)
Theo Đất Việt