Tàu ngư dân đóng rẻ hơn "tàu 67" 3 tỷ đồng, nhưng lãi tiền tỷ/năm

Thứ hai, 03/07/2017, 16:53
Trong khi hàng loạt tàu vỏ thép đóng theo "Nghị định 67" của ngư dân ở nhiều tỉnh thành lâm vào cảnh khốn đốn vì làm ăn thua lỗ, nằm bờ do sự cố máy móc...thì "đội tàu vỏ thép" của "Quỹ hỗ trợ ngư dân" Quảng Ngãi đạt lãi ròng tính bằng con số tỉ đồng/năm/chiếc.

Trưa 29.6, trò chuyện với phóng viên báo Dân Việt, ông Huỳnh Luận, ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ-một trong 2 trường hợp đầu tiên của tỉnh được "Quỹ hỗ trợ ngư dân" Quảng Ngãi cho vay đóng tàu cá vỏ thép phấn khởi cho biết: "Từ khi tiếp nhận vào tháng 5.2015 đến nay, tàu vẫn hoạt động bình thường với số lần ra khơi 8-10 chuyến/năm". Tuy không cho biết cụ thể thế nhưng ngư dân Luận xác nhận lợi nhuận tính bằng con số tiền tỷ đồng/năm".

Tàu vỏ thép của ngư dân Huỳnh Thạch, ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ đóng từ nguồn vốn vay của "Quỹ hỗ trợ ngư dân" Quảng Ngãi

Được biết, trước khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP về Chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ được triển khai thực hiện, từ nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước, "Quỹ hỗ trợ ngư dân" Quảng Ngãi đã tiên phong cho ngư dân trong tỉnh vay không lãi suất trong thời hạn 11 năm để đóng tàu vỏ cá vỏ thép.

Ngư dân tàu vỏ thép đang hoạt động trên biển

Theo đó đến thời điểm này có tất cả 4 tàu cá vỏ thép đánh bắt bằng hình thức lưới vây kiêm chụp mực, trị giá từ 7,5-10,5 tỷ đồng/chiếc (chưa tính ngư cụ),  công suất 811 Cv/chiếc được đóng từ nguồn vốn vay của "Quỹ hỗ trợ ngư dân" Quảng Ngãi hoàn thành và đi vào hoạt động.

Tàu vỏ thép đóng từ "Quỹ hỗ trợ ngư dân" Quảng Ngãi trên đường ra khơi

Trong khi nhiều tàu cá vỏ thép đóng theo "Nghị định 67" liên tục xảy ra hỏng hóc phải nằm bờ để sửa chữa, làm ăn thua lỗ....thì toàn bộ tàu vỏ thép đóng từ nguồn "Quỹ hỗ trợ ngư dân" Quảng Ngãi hoạt động ổn định và đạt hiệu quả kinh tế cao.

4/4 chủ tàu vỏ thép khẳng định: "Phần máy và vỏ từ khi đưa vào hoạt động đến giờ không xảy ra bất kì sự trục trặc, hay hiện tượng gì bất thường cả. 99% số chuyến ra khơi đều có lợi nhuận với mức từ 100-400 triệu đồng/chuyến".

Ngư dân trên tàu vỏ thép đang đưa cá đánh bắt được vào khoang chứa

Trả lời câu hỏi: "Vì sao đi tiên phong nhưng tàu vỏ thép của "Quỹ hỗ trợ"đóng lại không gặp bất kì sự cố nào như hàng loạt tàu cá tương tự đóng theo "Nghị định 67" , ông Phùng Đình Toàn- Phó Chi cục trưởng Chi Thủy sản, Sở NNPTNT, đại diện "Quỹ hỗ trợ ngư dân" Quảng Ngãi thẳng thắn: " Ngay từ khi chọn lựa cơ sở để đóng, chúng tôi cùng ngư dân được vay đã có khảo sát, chọn lựa đánh giá kỹ về năng lực, giá cả. Trong quá trình đóng việc kiểm tra được thực hiện trên cả bản thiết kế và thực tế. Cụ thể đối với loại thép đóng thì yêu cầu đơn vị đóng xuất trình hóa đơn mua, nhập về. Sau đó đối chiếu thực tế xem loại thép đã đóng đúng hay không. Riêng với hạng mục cần người có chuyên môn sâu, như máy thì ngoài người của nơi đóng chúng tôi mời riêng một giám sát riêng để kiểm tra....".

Không chỉ hoạt động ổn định, 4/4 tàu vỏ thép đóng từ "Quỹ hỗ trợ ngư dân" Quảng Ngãi đều có lãi tiền tỉ/năm

Ông Toàn còn kể một câu chuyện vui: "Có lần ngư dân "X.M" so bì vì sao cùng đóng tàu vỏ thép nhưng số "đóng 67" được chủ cơ sở đóng tàu bỏ "bì", mời đi tham quan nhiều nơi... còn tụi tui ngay cả bữa cơm cũng không được họ mời".

Chính vì sự lựa chọn kỹ lưỡng, giám sát chặt chẽ ngay từ đầu và trong suốt quá trình đóng như vậy nên khi đưa vào hoạt động đến nay, toàn bộ tàu cá vỏ thép đóng từ nguồn quỹ hỗ trợ ngư dân gần 100% không xảy ra bất kỳ sự cố nào, đặc biệt là về máy móc, vỏ.

Không những vậy, ông Toàn còn cho biết: "Tàu vỏ thép mà chúng tôi đóng chi phí thấp hơn so với tàu có kích cỡ tương đương đóng bằng vốn "Nghị định 67" từ 2-3 tỷ đồng/chiếc"

Từ hiệu quả của số tàu vỏ sắt, hiện Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi tiếp tục đi tiên phong khi cho ngư dân vay đóng tàu cá bằng vỏ Composite nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng tuổi thọ của vỏ tàu lên gấp từ 2-3 lần so với chất liệu thép.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn