Bị tố làm sai hợp đồng, Giám đốc “im lặng”?
Chiều nay (30.6), cuộc họp tìm cách khắc phục sự tố tàu 67 hư hỏng đã “mổ xẻ” nhiều vấn đề thắc mắc giữa ngư dân và doanh nghiệp đóng tàu, để tìm tiếng nói chung.
Ông Trần Văn Phúc- Phó giám đốc Sở NNPTNT Bình Định cho biết: “Sau khi công ty TNHH Đại Nguyên Dương làm việc với ngư dân, về phần vỏ tàu 2 bên cam kết sửa chữa theo hướng đưa tàu lên đà, kiểm tra tổng thể mẫu thép nếu thép Trung Quốc đạt cấp A thì giữ lại, vị trí nào không đạt cấp A phải thay thế thép Hàn Quốc đạt cấp A. Công ty đóng tàu có trách nhiệm thanh toán phần chênh lệch từ thép Hàn Quốc sang thép Trung Quốc cho ngư dân, công ty tiến hành làm sạch, sơn lại vỏ thép theo đúng quy trình bảo dưỡng”.
Tàu vỏ thép BĐ 99179 TS của ngư dân Mai Văn Chương đóng tàu tại công ty TNHH Đại Nguyên Dương bị rỉ sét. |
Theo ông Phúc, về trang thiết bị hàng hải: 1 máy dò có đầu dò hoạt động không được, 1 máy màn hình bị thay đổi thì công ty cam kết thay mới đầu dò và màn hình. Đối với hầm bảo quản hiện nay bị rỉ sét, tiêu đá… công ty thống nhất sửa chữa toàn bộ theo đúng quy chuẩn đảm bảo an toàn.
“Trong quá trình làm việc, ngư dân cho rằng máy bảo ôn lắp hầm bảo quản là Trung Quốc nhưng theo hợp đồng là của Đức. Đây là ý kiến mới, cái này chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra lại. Nếu hợp đồng không phải máy Trung Quốc, công ty sẽ tính toán trả lại tiền chênh lệnh, lúc đó ngư dân thống nhất. Cơ sở đóng tàu chịu chi phí cho việc cải hoán mẫu thiết kế cho phù hợp. Thời gian sửa chữa dự kiến, từ 20.7-20.8 tại Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) hoặc TP Đà Nẵng, kinh phí do công ty phải thanh toán”- ông Phúc cho hay.
Ông Nguyễn Xuân Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương. |
PV đã gặp trực tiếp và đề nghị ông Nguyễn Xuân Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương trả lời về những vấn đề liên quan nhưng vị Giám đốc này từ chối.
“Thông tin trực tiếp trong cuộc họp rồi còn tham gia gì nữa, đăng tải rất nhiều rồi, tôi đang rất cảm xúc?”- ông Nguyên nêu lý do.
Đăng kiểm chịu trách nhiệm giám sát!
Ông Nguyễn Công Bình- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT Bình Định) cho hay: “Công ty TNHH MTV Nam Triệu và ngư dân đã thống nhất, về vỏ tàu sẽ kéo tàu lên đà sơn lại toàn bộ tại Tam Quan (huyện Hoài Nhơn), máy tàu sẽ thay mới 11 máy mới hiệu Mitsubishi. Về máy điện phía chủ tàu đề nghị thay mới lại máy điện nhưng vấn đề này cần phải kiểm tra lại?. Hầm bảo quản 1 số tàu mất nhiệt thì công ty cam kết khắc phục, thay đáy hầm bảo quản đảm bảo. 2 máy dò cá bị hư đầu dò theo ý chủ tàu đề nghị thay luôn máy dò nhưng cái này kiểm tra lại vì máy chính hãng, đúng hợp đồng”.
Ông Nguyễn Công Bình- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT Bình Định) |
Theo ông Bình, kinh phí sửa chữa công ty cam kết chịu 100 %. Trong khi đó, theo ý kiến của UBND tỉnh Bình Định công ty Nam Triệu phải trả lại tiền thiết kế phí cho ngư dân. Nếu công ty không thực hiện, bắt buộc phải báo cáo lại cho UBND tỉnh.
Về hướng giải quyết sắp đến, ông Phan Trọng Hổ- Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho hay: “Tôi đề nghị đăng kiểm viên (Trung tâm đăng kiểm tàu cá, Tổng cục thủy sản) có mặt lúc tàu sửa chữa. Tất cả máy, thiết bị… đăng kiểm viên phải kiểm tra và chịu trách nhiệm chất lượng, thông báo cho ngư dân. Sau khi sửa chữa xong, từng con tàu đăng kiểm sẽ kiểm tra lại và xác nhận đủ điều kiện đi đánh bắt. Nếu đăng kiểm viên không có mặt thì chúng tôi sẽ báo cáo UBND tỉnh và Trung tâm đăng kiểm tàu cá sẽ chịu trách nhiệm. Không có đăng kiểm viên, ngư dân không cho sửa chữa”.
Tàu 67 hơn 15 tỷ đồng bị hư hỏng nằm bờ. |
Vấn đề mới phát sinh về máy bảo ôn (tàu do công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng), ông Hổ đề nghị ngư dân gởi báo cáo cụ thể đến Sở NNPTNT Bình Định để cơ quan này có hỗ trợ kịp thời.
Theo Dân Việt