Làm gì với 3 bãi rác đóng cửa?

Thứ sáu, 30/06/2017, 09:18
TP.HCM vừa chính thức mời gọi đầu tư hợp tác công tư phủ đỉnh, cải tạo các bãi chôn lấp rác lâu nay đã đóng bãi (ngưng tiếp nhận rác) để triển khai các dự án phát triển kinh tế.

Công nhân chăm sóc dưa lưới trong nhà kính được trồng tại bãi rác Đông Thạnh, huyện Hóc Môn

Thông tin này được giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng thông báo tại hội nghị “Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ doanh nghiệp hạ tầng đô thị” do UBND TP.HCM tổ chức vừa qua.

6 nhà đầu tư vào cuộc

TP.HCM mời gọi đầu tư theo hai phương án: làm sân golf, công viên cây xanh hoặc cải tạo bãi chôn lấp rác để tái sử dụng quỹ đất thành trung tâm thương mại, nhà ở... Cũng theo mời gọi đầu tư này, hình thức thực hiện là hợp tác công - tư.

Hiện TP.HCM có 3 bãi chôn lấp rác đã ngưng tiếp nhận rác với tổng diện tích khoảng 118ha, đó là các bãi Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), Gò Cát (quận Bình Tân) và Phước Hiệp (Củ Chi). Các bãi chôn lấp rác này đang là nơi chứa hơn 25 triệu tấn rác.

Trao đổi thêm với PV, ông Nguyễn Toàn Thắng đánh giá các bãi chôn lấp rác trước đây chiếm diện tích đất khá lớn.

Hiện TP.HCM mong muốn vừa cải tạo các bãi chôn lấp rác này, vừa sử dụng quỹ đất một cách có hiệu quả. Chính vì vậy TP.HCM chủ trương kêu gọi đầu tư, sử dụng quỹ đất của các bãi chôn rác (đã ngưng nhận rác) cho phát triển kinh tế.

Ông Thắng cho biết đến nay đã có sáu nhà đầu tư (đa số là trong nước) gửi phương án đầu tư theo mời gọi đầu tư của TP.HCM.

Có nhà đầu tư đề xuất cải tạo bãi chôn lấp rác, xử lý hết lượng rác đã chôn và sau đó sử dụng quỹ đất của bãi chôn lấp rác để đầu tư công viên hoặc sân golf; có nhà đầu tư đề xuất phủ đỉnh bãi chôn lấp rác và sau đó sử dụng quỹ đất của bãi chôn lấp để làm công viên... Ông Thắng cho hay TP.HCM đang cân nhắc lựa chọn.

Xe chở rác ra vào khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc tại bãi rác Phước Hiệp, huyện Củ Chi

Dân mong công viên

Trong khi đó, đa số hộ dân ở gần bãi rác Đông Thạnh vẫn chưa hay tin bãi rác sẽ được cải tạo, nhiều người kể vẫn thấy xe chở rác y tế ra vào bãi. Đó là trạm xử lý rác thải y tế nguy hại còn hoạt động ở đây và đang lên kế hoạch di dời.

Ông Trần Văn Ước, nhà ở sát bên bãi rác, đề nghị: “Mong TP.HCM kiểm tra và sớm chấm dứt tình trạng các xe chở rác, nước thải độc hại vào bãi. Đã nói đóng cửa rồi nhưng sao còn tiếp nhận rác? Mới thứ ba vừa rồi (ngày 27-6) xe rác vẫn ra vào ngang nhiên”.

Gần bãi chôn lấp rác ở xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi còn vài chục hộ dân sinh sống, buôn bán. Hầu hết người dân hài lòng với cách đóng cửa và xử lý rác hiện tại ở bãi này nhưng phản ảnh nước thải, mùi hôi và ruồi từ hoạt động của hai nhà máy xử lý chất thải rắn Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa.

Bà Phùng Thị Thương, từng ở gần bãi rác Phước Hiệp, kể: “Khi bãi chôn rác Phước Hiệp còn hoạt động, thấy họ xử lý hố rác gọn, sạch, nhanh, không hôi hám gì, đào nước giếng khoan còn dùng được.

Mới dời qua gần hai nhà máy xử lý rác ba năm mà tui tiếc! Giờ bãi rác còn một ô trống, tui mong sớm lấp lại để trồng cây phủ xanh tạo cảnh quan”.

“Nếu TP.HCM làm du lịch càng tốt, không thì làm công viên có cây xanh, máy tập thể dục để sáng sớm người dân có chỗ thể dục.

Tui thấy trên bãi rác cũ giờ có nhà kính nghe đâu trồng rau sạch, dưa lưới. Nếu xử lý đất, nước sạch thì cho dân canh tác càng tốt” - ông Nguyễn Văn Bá, sống gần bãi rác Đông Thạnh từ năm 1976, cho biết.

Anh Lê Minh Sơn, nhân viên vận hành gas, điện của Nhà máy điện Gò Cát (nằm trong bãi rác Gò Cát, Q.Bình Tân), kiểm tra hệ thống thu gas của nhà máy

PGS.TS CHẾ ĐÌNH LÝ (Viện môi trường và tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM):

Xây công viên, làm kho bãi

Nếu cải tạo, sử dụng mặt bằng bãi rác này thì có thể sử dụng làm công viên, không gian mở (sân bóng, nơi tập thể dục...) như các nước đã làm. Còn trường hợp xây dựng bất động sản nên ưu tiên cho kho bãi hơn là nhà ở vì rủi ro sức khỏe cho người ở.

Để các nhà đầu tư tham gia, TP.HCM cần đầu tư nghiên cứu đánh giá rủi ro môi trường do không đúng kỹ thuật lúc xây dựng, có thể những vấn đề nổ khí rác, phát tán nước rỉ rác có thể xảy ra...

Việc cải tạo bãi rác như thế nào cần lấy ý kiến những người dân xung quanh bãi rác cũng là sự cầu thị.

* PGS.TS NGUYỄN ĐINH TUẤN (Trường ĐH Tài nguyên môi trường):

Làm gì cũng phải đảm bảo môi trường

Việc sử dụng mặt bằng của các bãi chôn lấp rác, có nơi người ta lấy hết rác đã chôn lấp để xử lý lại nhưng cũng có nơi tiếp tục để nguyên và sử dụng cho mục đích khác.

Tuy nhiên theo tôi, dù làm gì, cải tạo như thế nào cũng phải kiểm soát được vấn đề về môi trường. Đừng vì nóng vội mà quyết định sai lầm để sau này phải trả giá.

Nếu không quan tâm về vấn đề môi trường mà chuyển bãi chôn lấp này thành công viên hay dự án bất động sản thì môi trường tiếp tục ô nhiễm.

Một bãi chôn lấp rác có thể ảnh hưởng đến hàng chục năm sau khi đóng cửa, nước rỉ rác có thể thấm xuống tầng nước ngầm, các loại khí metan, H2S, NH3 (amoniac) vẫn còn phát sinh ảnh hưởng tới môi trường.

* PGS.TS LÊ HÙNG ANH (viện trưởng Viện khoa học công nghệ và quản lý môi trường, ĐH Công nghiệp TP.HCM):

Phục vụ dân sinh

Cần phải xem rác thải là nguồn tài nguyên, tức là phải quản lý và khai thác, đem lại lợi ích cho xã hội, không làm tốn kém ngân sách của Nhà nước.

Có thể tận dụng các khu chôn lấp rác thải, chẳng hạn như khu chôn rác Gò Cát (quận Bình Tân), ngưng tiếp nhận rác đã lâu, để làm nhà máy sản xuất điện từ rác thải cho TP.HCM, tranh thủ xử lý rác thải đã chôn lấp làm nhiên liệu cho nhà máy này.

Tôi cho rằng cần sử dụng quỹ đất này để làm các công trình phục vụ dân sinh, cộng đồng; còn nếu làm sân golf chỉ phục vụ một nhóm người.

Ở Đức dùng chính mặt bằng của bãi rác để xây dựng khu sản xuất điện từ năng lượng mặt trời; còn ở Hàn Quốc dùng mặt bằng của bãi rác để làm công viên...

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích