Ngày 28/6, trao đổi với báo chí, Thiếu tướng Nguyễn Văn Dư, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Nam Triệu khắc phục ngay sự cố ngay từ khi ngư dân phát hiện ra việc hỏng máy.
"Với tư cách là đơn vị ký trực tiếp hợp đồng với ngư dân, Công ty Nam Triệu phải có trách nhiệm khắc phục các sự cố hỏng hóc”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Dư khẳng định.
Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Dư, trước sự việc nghiêm trọng này, lãnh đạo Tổng cục đã vào làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định, thống nhất phương án chỉ đạo xử lý sự việc.
“Nguyên tắc là yêu cầu Công ty Nam Triệu thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng đã ký với ngư dân”, ông nói.
Tàu thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng bị gỉ sét trầm trọng. |
Về hướng xử lý, Thiếu tướng Nguyễn Văn Dư cho biết, ngay sau khi phát hiện ra có sự cố, Công ty Nam Triệu đã làm việc và đặt hàng với đại diện Mitsuhishi (Nhật Bản) tại Việt Nam và ký hợp đồng để khắc phục toàn bộ 10 máy chưa đúng kỹ thuật.
Trong tháng 7 và tháng 8, Công ty Nam Triệu sẽ hoàn thành toàn bộ việc khắc phục sự cố này.
Là đại diện chủ sở hữu Nam Triệu, đến nay Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật đã yêu cầu công ty thanh tra toàn bộ quá trình đóng tàu. Tinh thần là phát hiện sai phạm, khuyết điểm sẽ xử lý nghiêm túc theo pháp luật.
Trong khi đó, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đang phải đối mặt với việc bị ngư dân Bình Định khởi kiện.
Hiện TAND huyện Phù Cát (Bình Định) đã trực tiếp hướng dẫn ngư dân chủ tàu vỏ thép làm đơn khởi kiện Công ty TNHH Đại Nguyên Dương ra Tòa Kinh tế TAND tỉnh Nam Định - nơi đóng trụ sở của công ty này.
Kết quả thẩm định độc lập của UBND tỉnh Bình Định xác định công ty này đã đóng tàu bằng thép Trung Quốc trong khi biên bản xác nhận khối lượng thực hiện, chứng thư về giá, chứng từ thanh toán đều ghi là thép Hàn Quốc.
Trao đổi trên báo Pháp luật TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương đã thề không gian dối.
"Hợp đồng do kế toán làm hết, tôi chỉ ký chứ không để ý, không đọc chi tiết. Tôi nói thật một con tàu có hơn 60 tấn thép, giữa thép Hàn Quốc và Trung Quốc chênh lệch nhau bao nhiêu tiền đâu mà tôi làm ăn gian dối! Chênh lệch nhau chỉ có ba bốn giá, chỉ có 160-170 triệu đồng, tôi lập lờ làm chi!", ông Nguyên khẳng định.
Cũng theo Giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương, khi thi công các phần mục, từ sắt thép đến thiết bị, ngư dân đều ký đồng thuận, đăng kiểm đều cho phép làm. Ngân hàng kiểm tra đầy đủ hồ sơ rồi giải ngân.
"Nếu ngư dân không đồng thuận, đăng kiểm không đồng ý thì tôi phải ngừng thi công rồi. Nghiệm thu từng phần cũng lần lượt ký đồng thuận hết để tôi hoàn chỉnh con tàu.
Khi bàn giao có thanh lý hợp đồng, có lệnh xuất xưởng, có bản cam kết. Tôi bàn giao khách quan, vô tư, chẳng nghĩ gì đến gian dối cả. Bọn tôi làm việc đầu tiên là để lấy uy tín thôi", ông Nguyên nói.
Theo Đất Việt