Ngư dân Thanh Hóa khổ vì tàu thép: Cắm nhà trả nợ

Thứ tư, 28/06/2017, 09:50
Ngư dân Thanh Hóa cũng đang điêu đứng vì tàu vỏ thép mới bị hư hỏng, xuống cấp. Thậm chí có người phải cắm nhà, cắm đất để trả nợ ngân hàng.

Chính quyền địa phương lo lắng

Thông tin ngư dân tại Bình Định điêu đứng, lao đao vì tàu vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ bị hư hỏng, phải đắp chiều nằm bờ chưa khiến dư luận nguôi ngoai thì tại Thanh Hóa tình trạng trên lại tiếp tục diễn ra.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, tại địa phương này hiện có 15/23 tàu vỏ thép bị hư hỏng, trục trặc liên tục khiến ngư dân không thể ra khơi.

Ngày 27/6, trao đổi với Đất Việt, ông Trần Học Đính, Chủ tịch UBND phường Quảng Tiến (TP.Sầm Sơn) cho biết địa phương có 2 phương tiện tàu vỏ thép.

Tuy nhiên có trường hợp của ngư dân Nguyễn Hữu Oanh bị gỉ sét, bong tróc.

Ngư dân Thanh Hóa cũng điêu đứng vì tàu vỏ thép bị hư hỏng.

Ông Đính cho biết, thực hiện theo Nghị định 67 của Chính phủ, ông Oanh và các ngư dân nằm trong diện vay vốn sẽ làm việc trực tiếp với Ngân hàng rồi liên hệ với các Công ty đóng tàu để thực hiện hợp đồng.

“Anh Oanh có báo với chính quyền với việc này. Con tàu hỏng hóc về máy móc và vỏ thép xuống cấp. Phường đã cùng với Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa và Ban chỉ đạo 67 của thành phố xuống làm việc, kiểm tra thực địa tất cả các phương tiện.

Hiện nay Sở NN-PTNT đã có báo cáo trình lên tỉnh về việc các phương tiện hỏng hóc”, ông Đính khẳng định.

Theo ông Đính, do ngư dân có các thỏa thuận bằng hợp đồng đối với doanh nghiệp nên khi có hiện tượng hỏng hóc thì công ty đóng tàu phải có trách nhiệm sửa chữa, bảo hành.

“Ngoài công ty đóng tàu ra thì còn có trách nhiệm của cả bên giám sát kỹ thuật thuộc Tổng cục Thủy sản và đơn vị giám sát độc lập.

Với trách nhiệm của chính quyền địa phương, chúng tôi cũng đang đề xuất với tỉnh là cần thiết phải kiểm tra lại chất lượng của đơn vị đóng tàu”, ông Đính chia sẻ thêm.

Ông Lường Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND phường Quảng Cư (TP.Sầm Sơn) cũng xác nhận trên địa bàn phường có 5 tàu vỏ thép. Tuy nhiên đa phần tàu của ngư dân đều có trục trặc, hỏng hóc.

“Trường hợp nặng nhất là tàu vỏ của ngư dân Nguyễn Duy Muộn. Ông Muộn dù chủ động khắc phục nhưng cũng không ăn thua. Ngư dân vất vả đi biển mà hư hỏng suốt. Hiện nay ông Muộn đang chờ các ban ngành vào cuộc để xem xét lại thiết kế đóng tàu như thế nào. Chúng tôi cũng đã báo cáo Sở NN-PTNT về việc này”, ông Hoàng khẳng định.

Ngư dân mắc nợ ngân hàng

Tối 27/6, chia sẻ thêm với Đất Việt, ông Nguyễn Duy Muộn (trú tại phường Quảng Cư, TP.Sầm Sơn), chủ con tàu vỏ thép TH-93968 TS (công suất 829 CV) tỏ ra mệt mỏi vì khoản nợ ngân hàng đang phải gánh do tàu hư hỏng phải nằm bờ.

Theo ông Muộn, tháng 2/2015, gia đình ông  được UBND tỉnh Thanh Hóa đưa vào danh sách các hộ được đóng tàu theo Nghị định 67.

Tàu vỏ thép của gia đình ông Muộn có tổng vốn đầu tư hơn 17,7 tỷ đồng, trong đó tiền vay từ ngân hàng là 17 tỷ đồng, còn lại là tiền của gia đình.

Tàu do Công ty Cổ phần Đại Dương (có địa chỉ tại xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, Thái Bình) thiết kế.

Đến tháng 8/2016, ông Muộn cùng 1 số ngư dân khác nhận tàu về và tiến hành ra khơi đánh bắt. Tuy nhiên từ đó đến nay, con tàu liên tiếp gặp các sự cố và số tiền ông phải bỏ ra để sửa chữa đã lên tới hàng trăm triệu đồng.

“Chuyến đi đầu tiên ra biển được 1 ngày thì hôm sau tàu đã hư hỏng. Chúng tôi lại phải chạy về, lỗ hàng trăm triệu bạc.

Tiếp theo con tàu trục trặc đến 7,8 lần. Sau khi tàu hỏng chúng tôi cũng có ý kiến với bên sửa chữa. Họ cũng có hỗ trợ nhưng thời gian gần đây, tôi có liên hệ lại nhưng họ không vào cũng không nghe máy. Bần cùng quá nên tôi đành nhờ cơ quan chức năng vào cuộc”, ông Muộn chia sẻ.

Ông Muộn cũng cho biết, do tàu hỏng hóc, không thể ra khơi đánh bắt nên 2 quý trước để có tiền trả nợ ngân hàng, gia đình ông đã phải cầm nhà, cầm đất.

“Tôi đang soạn hồ sơ, giấy tờ để ngày tiếp tục làm việc với ngân hàng. Vì tàu đang hư nên cứ đi đi, về về suốt... Tiền nợ ngân hàng tôi mới trả được 2 quý khoảng 700-800 triệu. Quý tiếp theo thì nay đến thời hạn rồi. Họ đang mời tôi lên đóng. Tuy nhiên tàu bè không đi được nên tôi không có tiền để trả cho ngân hàng”, ông Muộn buồn bã nói.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn