Họp vụ tàu 67: Công an Bình Định lần đầu lên tiếng về các sai phạm

Thứ hai, 26/06/2017, 17:30
Dù đã được UBND tỉnh Bình Định mời dự họp công bố kết quả kiểm tra tàu 67 hư hỏng của Tổ thẩm định nhưng đơn vị đóng tàu là công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) vắng mặt không lý do.

Cuộc họp có rất nhiều người tham gia.

Yêu cầu nhanh chóng sửa chữa tàu

Lúc 14 giờ chiều nay (26.6), UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp công bố kết quả chính thức của Tổ thẩm định tàu 67 hư hỏng. Sau khi Tổ thẩm định này đã kiểm tra 17 con tàu hư hỏng tại Bình Định.

Thành phần tham dự được mời gồm có lãnh đạo ban ngành của địa phương, công an, ngư dân, thành viên Tổ thẩm định và 2 doanh nghiệp đóng tàu là công ty TNHH MTV Nam Triệu (Tổng cục Hậu cần, Bộ Công an) và công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định).

Tuy nhiên, ông Trần Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay: “Đến lúc này, công ty TNHH Đại Nguyên Dương không tới dự chưa có lý do”.

Việc vắng mặt của công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã khiến nhiều ngư dân bức xúc. Vì đây không phải là lần vắng mặt đầu tiên của công ty này khi được tỉnh Bình Định mời họp cùng ngư dân”.

Ngư dân Nguyễn Văn Lý- Chủ tàu BĐ 99004 TS lo lắng: “Ai đời hợp đồng thép Hàn/Nhật mà công ty TNHH Đại Nguyên Dương lại đi đóng thép Trung Quốc, sao chúng tôi chịu nổi. Hôm thông báo kết quả thẩm định (ngày 22.6) thì phía Công ty TNHH Đại Nguyên Dương không vào làm việc, ngư dân rất thất vọng. Việc đóng thép không đúng chuẩn gây ra tình trạng rỉ sét phải nằm bờ nhưng công ty thì im re, chưa chịu sửa chữa. Nếu nhà nước can thiệp, mà công ty không chịu thì chúng tôi sẽ đâm đơn kiện ra tòa”.

Tổ thẩm định công bố kết quả các sai phạm.

Ông Trần Văn Phúc- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định, kiêm Tổ trưởng Tổ thẩm định đang báo cáo kết quả chính thức của Tổ thẩm định tại cuộc họp.

Trong đó, Tổ thẩm định đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của 2 doanh nghiệp đóng tàu. Nhiều thông tin được ông Phúc đưa ra khiến nhiều người bất ngờ như: công ty TNHH Đại Nguyên Dương tự ý thay thế thép Hàn/Nhật bằng thép Trung Quốc không đúng hợp đồng với ngư dân. Nhiều máy tàu do công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng không phải là máy chính hãng...

Đồng thời, ông Phúc yêu cầu 2 doanh nghiệp đóng tàu nhanh chóng vào cuộc sửa chữa, thay thế các thiết bị không đúng hợp đồng để ngư dân sớm được vươn khơi...

Ông Trần Châu- Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Sự cố, là điều đáng tiếc”.

Ông Bùi Hữu Hùng- Phó giám đốc công ty TNHH MTV Nam Triệu đồng ý với kết quả của Tổ thẩm định.

Tàu đang xuống cấp trầm trọng.

Ông Nguyễn Chí Công- Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cho hay: “Tàu nằm bờ khiến ngư dân mất bạn đi biển, nợ ngân hàng. Đề nghị công ty đóng tàu hỗ trợ kinh phí trong thời gian nằm bờ”.

Về vấn đề này, ông Trần Châu cho hay, nhà nước sẽ xem xét đủ điền kiện thì nhà nước hỗ trợ. Đồng thời, ông Châu đề nghị cơ sở đóng tàu phải đền bù cho ngư dân vì lỗi do doanh nghiệp gây ra.

Lãnh đạo UBND huyện Phù Cát cũng đã nêu ý kiến: “Đề nghị cơ sở đóng tàu nhanh chóng sửa chữa, thay máy mới để ngư dân ra khơi vì ngư dân đang rất khó khăn. Đề nghị 2 công ty, đơn vị nào nhận tiền thiết kế phí thì phải trả lại cho bà con ngư dân vì việc nhận tiền không đúng với Nghị định của Chính phủ”.

Đại tá Trần Huy Giáp- Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định

Công an Bình Định công bố các sai phạm

Đại tá Trần Huy Giáp- Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định cho biết: “Nhiều tàu vỏ thép còn đang thời gian bảo hành nhưng gặp sự cố đã làm dư luận bất bình, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng trả nợ ngân hàng cho ngư dân. Nhiều ngư dân có tâm lý e ngại khi đóng tàu 67 mới”.

Theo ông Giáp, sau khi công an kiểm tra thì hợp đồng kinh tế giữa cơ sở đóng tàu và ngư dân rất chặt chẽ nhưng trong quá trình thực hiện đóng tàu có những nội dung chưa đúng hợp đồng.

“Nhiều tàu gặp sự cố qua thẩm định chất lượng tàu cá không đảm bảo, có dấu hiệu sai phạm. Do đó bên nào thực hiện không đúng hợp đồng thì đó phải chịu trách nhiệm. Cần sửa chữa một cách nhanh nhất để ngư dân sớm ổn định. Giữa khắc phục và điều tra, ngư dân cuối cùng vẫn là người thiệt thòi nhất. Chúng tôi đã phối hợp để thu thập tài liệu, báo cáo cho Bộ Công an. Riêng về vấn đề sai phạm, công an sẽ làm rõ và đề xuất xử lý cá nhân có sai phạm”- ông Giáp cho hay

Ông Phan Trọng Hổ- Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định cho hay: “Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã có văn bản về việc chuẩn bị 11 máy mới Mitsubishi để thay thế cho ngư dân. Nhưng chúng tôi đang chờ thẩm định lại và trong quá trình sửa chữa cần tư vấn giám soát vì công ty Nam Triệu có 3 vỏ tàu không đạt chất lượng loại A. Khó khăn nhất hiện nay phần trả nợ ngân hàng các ngư dân giãn nợ. Riêng ngân hàng BIDV khi Tổ thẩm định yêu cầu phối hợp thì họ rất ít phối hợp, thiếu tích cực. Vì vậy, tỉnh cần chỉ đạo BIDV tích cực khâu giám soát”.

Về việc 7 chủ tàu đề nghị rút đơn thẩm định, ông Hổ đặt nghi vấn. “Tổ thẩm định lấy mẫu thép thì các ngư dân không cho lấy, không hiểu vì sao họ phản đối quyết liệt khiến vụ việc kéo dài”- ông Hổ cho hay.

Ông Trần Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị các huyện hỗ trợ ngư dân kiện ra tòa liên quan đến vụ việc tàu 67 hư hỏng trong ngày mai (27.6).

Vận động ngư dân khởi kiện công ty đóng tàu trong ngày mai

Tiếp tục cuộc họp, ông Trần Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu, sau cuộc họp 2 công ty đóng tàu ngồi lại cùng ngư dân, chủ tàu (Sở NNPTNT có mặt) thống kê từng tàu hư hỏng thiết bị gì và 2 bên lập biên bản giữa chữa trong tháng 7.2017. Công ty TNHH MTV Nam triệu có tham gia và có sự chuẩn bị tư thế thay thế, đề nghị ngay ngày mai phải làm ngay. Đã gọi ngư dân hợp đồng với cơ sở đóng tàu tôi yêu cầu sửa chữa mới 100% không thể sửa chữa sơ bộ để ngư dân hoạt động.

Về sửa chữa: Thân, vỏ tàu thì vỏ tàu không đúng chuẩn loại thép phải tháo ra đánh rỉ, thay thép mới sơn đúng quy trình.  Nếu đoạn nào thép không đúng chất lượng dứt khoát phải tháo ra thay lại.

Đối với máy chính, lắp không đúng chủng loại thì phải tháo ra thay thế đúng chủng loại hợp đồng, phải mới nguyên đai nguyên kiện.

Thiết bị phụ những bộ phận không phù hợp phải tháo ra thay thế lại cho đảm bảo, đúng hợp đồng.

Đề nghị ngân hàng nhà nước cần có phương án đề xuất UBND tỉnh, trình Thống đốc NHNN xem xét hỗ trợ giãn nợ, xem xét thời gian ân hạn kéo dài ra với ngư dân. Vì lỗi không phải do ngư dân gây ra.

Trong thời gian qua, việc khắc phục sữa chữa đối với 2 công ty thì công ty TNHH MTV Nam Triệu có phần tích cực nhưng công ty TNHH Đại Nguyên Dương hầu như không hợp tác, riêng công ty Đại Nguyên Dương có vấn đề.

“Tôi đề nghị công an tỉnh nắm bắt thông tin công ty TNHH Đại Nguyên Dương báo cáo cho UBND tỉnh biết. Đồng thời, chính thức yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện vận động ngư dân đóng tàu tại công ty TNHH Đại Nguyên Dương  khởi kiện công ty trong ngày mai vì vỏ thép không đúng hợp đồng, các thiết bị máy móc đã hư hỏng. Công an tỉnh lập ngay hồ sơ báo cáo Bộ công an, truy tố công ty TNHH Đại Nguyên Dương. Khi xảy ra sự cố công ty không tham gia cùng tỉnh mà có ý định lẩn tránh thì đây là vấn đề không tốt”- ông Châu khẳng định.

Rất đông phóng viên báo, đài đến dự cuộc họp này.

Ông Châu yêu cầu ngân hàng thương mại giữ sổ đỏ của ngư dân phải trả ngay sổ đỏ, nếu ngân hàng còn giữ là con sai luật trong khi ngư dân hư hỏng tàu đã quá khổ sở. Tiền thiết kế phí 2 công ty đóng tàu đã thu, ông Châu đề nghị nên trả lại cho ngư dân. Bên cạnh đó, ông Châu đề nghị sau cuộc họp, công an tỉnh cần nhanh chóng báo cáo toàn bộ sự việc để Bộ Công an biết để cùng vào cuộc điều tra.

Theo  Dân Việt

Các tin cũ hơn