Các công ty, ngân hàng con của Sacombank làm ăn hiệu quả đến đâu?

Thứ tư, 28/06/2017, 08:54
Năm 2016, lợi nhuận trước thuế của Sacombank chỉ đạt 97 tỷ đồng, giảm 86,1% so với năm trước, trong khi nhóm công ty/ngân hàng con lại thu về tới 141,3 tỷ đồng lợi nhuận cùng năm.

Tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015-2016 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) công bố mới đây đã tiết lộ kết quả kinh doanh của các công ty/ngân hàng con của nhà băng này trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập.

Theo đó, Sacombank cho biết để thực hiện Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập ngân hàng đã phải tập trung mọi nguồn lực và xử lý những tồn đọng về nợ xấu dẫn đến quy mô lợi nhuận sụt giảm.

Năm 2015, riêng ngân hàng mẹ Sacombank ghi nhận 698 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm tới 75,5% so với năm trước và đạt 70% kế hoạch. Sang năm 2016, lợi nhuận nhà băng này tiếp tục giảm mạnh chỉ đạt 97 tỷ đồng, vỏn vẹn gần 9% kế hoạch đã đề ra trước đó.

Kết quả kinh doanh của các công ty/ngân hàng con và Sacombank trong 2 năm thực hiện Đề án tái cấu trúc hậu sáp nhập 2015-2016. Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ Sacombank. Đồ họa: Quang Thắng.

Đáng chú ý, trong khi ngân hàng mẹ Sacombank với khối lượng tài sản lên tới 329.187 tỷ đồng, chiếm hơn 99% tổng tài sản hợp nhất chỉ đạt 97 tỷ đồng lợi nhuận thì các công ty/ngân hàng con với gần 1% tổng tài sản lại thu về tới 141,3 tỷ đồng lợi nhuận (không bao gồm 2 ngân hàng con tại Lào và Campuchia).

Phía Sacombank cho biết trong 2 năm 2015-2016, quy mô và hiệu quả hoạt động của các công ty/ngân hàng con vẫn duy trì ổn định, chỉ có Công ty Vàng bạc đá quý – SBJ vẫn tiếp tục tập trung tái cấu trúc còn thua lỗ. Tuy nhiên, do đã chuyển hướng hoạt động kinh doanh, mức lỗ cũng đã giảm đáng kể so với trước đó.

Cụ thể, năm 2016, Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản của Sacombank (SBA) ghi nhận 67,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 8% kế hoạch; Công ty Cho thuê tài chính (SBL) đạt 79,5 tỷ đồng; Công ty Kiều hối (SBR) lãi 2,4 tỷ đồng; và Công ty Vàng bạc đá quý lỗ 8,1 tỷ đồng.

Đặc biệt, 2 ngân hàng con là Sacombank Lào và Sacombank Campuchia năm qua cũng ghi nhận lợi nhuận lần lượt đạt 22 tỷ và 42 tỷ đồng. Lợi nhuận giảm so với năm 2015 được Sacombank giải thích do chi phí phát triển mạng lưới sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động.

Ghế nóng tại Sacombank sẽ chính thức có chủ vào ngày 30/6 tới đây. Ảnh: Zing.

Nếu so với năm 2015, hầu hết lợi nhuận tại công ty/ngân hàng con của Sacombank đều giảm. Tuy nhiên do lợi nhuận của ngân hàng mẹ trong năm 2016 xuống thấp, khiến lợi nhuận các công ty con gấp tới 1,5 lần so với lợi nhuận ngân hàng mẹ. Năm 2015, tổng lợi nhuận trước thuế các công ty/ngân hàng con Sacombank đạt 156,7 tỷ đồng, chiếm gần 18% tổng lợi nhuận hợp nhất.

Dự kiến, ĐHĐCĐ thường niên 2015-2016 của Sacombank sẽ được tổ chức vào ngày 30/6 tới đây.

Bên cạnh những chiến lược phát triển nhà băng giai đoạn tái cấu trúc 2017-2021 thì vấn đề được rất nhiều người quan tâm chính là việc người sẽ ngồi vào "ghế nóng" tại nhà băng này.

Thời gian gần đây, trong giới tài chính xuất hiện nhiều thông tin cho rằng người ngồi vào "ghế nóng" tại Sacombank sẽ là ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam. Ông Minh là người mới đây đã từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank và thoái toàn bộ vốn của Him Lam khỏi nhà băng này.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào về việc ông Minh sẽ tham gia vào lãnh đạo tái cấu trúc Sacombank. Danh sách tham gia ứng cử thành viên HĐQT và BKS Sacombank nhiệm kỳ 2017-2021 vẫn bỏ ngỏ 2 cái tên.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích