Muốn tăng trưởng kinh tế cần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng

Thứ tư, 28/06/2017, 09:06
TS. Nguyễn Xuân Thành cho rằng cần đặc biệt xử lý nợ xấu tại các ngân hàng hiện nay và nên lấy tiền từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước để đầu tư công.

Diễn đàn Kinh tế 2017 diễn ra sáng nay tại Hà Nội. Chủ đề năm nay là "Phát huy nội lực, tăng trưởng bền vững".

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ năm 2000 đến nay trung bình đạt khoảng 6,4%/năm. Tỷ lệ đói nghèo giảm xuống dưới 3% so với mức 50% hồi những năm 1990. Từ năm 2008, Việt Nam đã vượt qua mốc GDP bình quân đầu người 1.000 USD và bắt đầu bước vào ngưỡng có thu nhập trung bình.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% vẫn được nhấn mạnh. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Thế giới chỉ dự báo tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam năm nay đạt khoảng 6,3% GDP.

TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Chương trình Kinh tế Fulbright, cho rằng Chính phủ Việt Nam đang đứng trước sức ép lớn về tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, cuối năm 2015, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng năm 2016 đạt 6,7% GDP, nhưng kết quả chỉ đạt 6,21%. Cuối năm 2016, mục tiêu tăng trưởng cho nền kinh tế được đưa ra là 6,7%.

Chỉ số vốn của các TCTD lớn nhất hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay. Đồ họa: Quang Thắng.

Theo vị này, muốn nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng đúng như mục tiêu thì chính sách ưu tiên hàng đầu chính là phải lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng thương mại, đặc biệt về vấn đề xử lý nợ xấu và nâng vốn chủ sở hữu trong hệ thống.

Ông Thành cho rằng muốn có tiền đầu tư công trong ngắn hạn mà không phá vỡ trần nợ công thì phải lấy tiền từ cổ phần hóa và thoái vốn trong doanh nghiệp Nhà nước.

"Trước đây, xảy ra tình trạng đổi đất lấy hạ tầng khiến cho hoạt động này không minh bạch, làm tăng nợ công. Muốn giải quyết vấn đề trong trung hạn cần phải chấp nhận cho các địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng bằng trái phiếu công trình và đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, Nhà nước không bảo lãnh thì sẽ không phải gánh nợ công", ông Thành chia sẻ.

Theo TS. Nguyễn Xuân Thành việc đổi đất lấy hạ tầng khiến cho hoạt động này không minh bạch và làm tăng nợ công . Ảnh khu biệt thự bỏ hoang và nhiều khu đất trống tại Khu đô thị Dương Nội : Hoàng Hà.

Sau khi đấu thầu cạnh tranh, hạ tầng đầu tư, giá trị càng cao và thực hiện đấu giá đất, thu tiền về sẽ trả nợ trái phiếu. Như vậy, sẽ đảm bảo vừa đầu tư cơ sở hạ tầng, không làm tăng nợ công mà vẫn minh bạch.

Còn đối với dài hạn, quan điểm của TS. Nguyễn Xuân Thành là cần cải cách thuế, đặc biệt là thuế bất động sản để đầu tư hạ tầng mô hình hợp tác công - tư để nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Theo đại diện của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam đang có mức lạm phát trong tầm kiểm soát và có sự tăng trưởng về tín dụng, hàng hóa xuất khẩu tăng trưởng lớn và thanh khoản tốt…

Theo Zing

Các tin cũ hơn