Ngày 26/6, Trung Quốc đã ra mắt tàu cao tốc Fuxing với chuyến đi đầu tiên từ Bắc Kinh tới Thượng Hải.
Fuxing có thể đạt vận tốc tối đa 400km/h, còn trong điều kiện bình thường con tàu chạy với tốc độ ổn định 350km/h. Theo đó, chỉ mất 3,5 tiếng để đi từ Thượng Hải tới Bắc Kinh thay vì 5 tiếng như hiện nay.
Trước đây, Trung Quốc phát triển tàu cao tốc bằng cách nhập khẩu công nghệ từ các nước như Nhật Bản, Đức, Pháp sau đó tự cải thiện tính năng.
Tàu Fuxing sẽ được đưa vào hoạt động trên tuyến Thượng Hải - Bắc Kinh |
Tuy nhiên, mẫu tàu mới này hoàn toàn được thiết kế và chế tạo bởi các kỹ sư Trung Quốc mà không cần sự giúp đỡ từ phương Tây.
Theo truyền thông Trung Quốc, hệ thống điều khiển trên tàu Fuxing rất tinh vi, có thể tự động giảm tốc trong trường hợp khẩn cấp hoặc điều kiện bất thường.
Có thể coi Fuxing là thành tựu quan trọng về mặt chiến lược của Trung Quốc bởi lâu nay quốc gia này luôn ôm tham vọng xuất khẩu công nghệ tàu cao tốc.
Theo giới quan sát, Bắc Kinh luôn hy vọng các dự án tàu cao tốc chuyên chở hành khách mà còn mang theo ảnh hưởng của Trung Quốc. Đặc biệt, ưu thế về giá nhân công, ngành chế tạo Trung Quốc giúp chi phí thiết kế, xây dựng, chế tạo tàu cao tốc có sức cạnh tranh nhất định trên thị trường thế giới.
Trước nay, Trung Quốc thường bị nhiều nước, chẳng hạn như Nhật Bản, cáo buộc tàu cao tốc nước này xâm phạm bản quyền vì nhiều đoàn tàu Trung Quốc giống với tàu lửa của họ, chỉ có thay đổi nhỏ về thân tàu hay trang trí bên trong, ngoài ra là thay đổi hệ thống để tăng tốc nên độ an toàn không cao.
Tuy nhiên, Fuxing ra đời có thể xóa tiếng xấu này cho Trung Quốc.
Theo nhà nghiên cứu cấp cao của chương trình đường cao tốc quốc gia Trung Quốc, Jia Limin, sau khi được đưa vào sử dụng tại Trung Quốc, tàu Fuxing sẽ được xuất khẩu sang Nga để phục vụ tuyến Moscow-Kazan (dài 770km).
Theo Đất Việt