Những bức tường bê tông cao ngút dường như nhấn chìm cả mảng rừng rậm rạp ở miền núi Tây Nam Trung Quốc. Công nhân làm việc cật lực ở lòng sông khô cạn bên dưới để xây nên đập thủy điện mới nhất ở nước này: Lưỡng Hà Khẩu.
Công trường khổng lồ ở tỉnh Tứ Xuyên "nút chửng" ba con sông cho thấy một khía cạnh khác về năng lực của đội ngũ kỹ sư Trung Quốc song cùng lúc cũng phơi bày nỗi đau gây ra cho người dân và thiên nhiên nơi này.
Khi hoàn thành vào năm 2023, công trình cao 295m sẽ trở thành đập thủy điện cao thứ ba thế giới với công suất 3.000 megawatt.
Nhưng đối với cộng đồng dân cư xung quanh, một vài nơi cách công trình 100km về phía thượng nguồn, đập thủy điện Lưỡng Hà Khẩu sẽ nhấn chìm những ngôi nhà tổ tiên để lại, những tu viện Phật giáo, những vụ mùa tươi tốt và những ngọn núi linh thiêng.
Công trình thủy điện Lưỡng Hà Khẩu tại huyện Nhã Giang, tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Bắc Kinh đang xây dựng đập thủy điện với tốc độ chóng mặt tại vùng đất nơi có đông người dân tộc sinh sống. Đây là một phần tham vọng giảm phụ thuộc vào năng lượng than đá cũng như cắt giảm lượng khí thải vốn biến nước này thành "kẻ gây ô nhiễm" hàng đầu thế giới.
Vào năm 1949 khi thành lập nước, Trung Quốc chỉ có 2 nhà máy thủy điện nhưng giờ đây con số này vào khoảng 22.000, chiếm gần một nửa thế giới. Việc xây dựng không chừa một dòng sông lớn nào ở nước này.
Trong văn hóa Phật giáo Tây Tạng, những ngọn núi và những dòng sông được tôn kính và thờ phụng. Công trình xây dựng quy mô lớn nói trên, bắt đầu từ năm 2014, đã gây hoang mang cho người dân địa phương vốn tin rằng họ chỉ có thể sống yên bình nếu thiên nhiên quanh họ được bảo vệ.
"Năm ngoái, người ta nói một đám cháy rừng lớn xảy ra bởi vì họ cho nổ ngọn núi thiêng để làm đường và họ đã nhận báo ứng", chị Tashi Yungdrung, một nông dân địa phương sống dựa vào đàn bò yak (bò Tây Tạng), cho biết.
Chị nói rằng hầu hết người dân sẽ không dám lấy chỉ một hòn đá từ núi Palshab Drakar, một địa điểm hành hương linh thiêng.
Người dân đang đẩy nhanh việc tái định cư, hoạt động từng gây ra sự tàn phá ở nhiều nơi khác tại Trung Quốc.
Bắt đầu từ những năm 1990, hơn một triệu người bị buộc chuyển tới nơi khác sinh sống để nhường chỗ cho đập Tam Hiệp, công trình thủy điện lớn nhất thế giới về công suất. Hàng nghìn người trong số đó vẫn đang phải sống trong cảnh chật vật.
Những kế hoạch được công bố tại công trường Lưỡng Hà Khẩu cho biết 22 nhà máy thủy điện sẽ được xây dựng dọc theo sông Nhã Lung, một nhánh của sông Dương Tử. Những công trình này mang lại tổng cộng 30 gigawatt điện, bằng 1/5 năng lực thủy điện hiện tại của Trung Quốc.
Một bản đồ vẽ năm 2013 cho thấy sự dày đặc của các công trình thủy điện ở phía Nam cao nguyên Thanh Tạng: màu đỏ là đập đã vận hành, màu xanh là đập đang xây dựng và màu vàng là đập dự kiến xây. Nhà máy thủy điện Lưỡng Hà Khẩu (Liangheko) được khoanh vuông đỏ trên bản đồ. Đồ họa: tibet.net. |
Li Zhaolong, một người dân tộc Tạng ở làng Zhaba, nói anh nhận được 300.000 nhân dân tệ (khoảng 44.000 USD) trợ cấp từ chính phủ để xây nhà mới ở khu vực cao hơn, nơi anh sẽ chuyển đến sống vào năm tới.
Tuy nhiên, số tiền đền bù 28.000 tệ/người mà gia đình anh nhận được cho việc di dời sẽ không tồn tại lâu một khi ruộng nương của họ bị nhấn chìm dưới nước hồ thủy điện và họ không còn nguồn thu nhập nào nữa.
"Trước đây chúng tôi là nông dân, còn giờ đây chúng tôi mất hết đất đai", anh Li nói. "Chúng tôi không thể ra thị trấn sống, bởi vì chúng tôi không được ăn học và sẽ không có cách nào để kiếm sống ở đó".
Theo một website về năng lượng do chính phủ Trung Quốc quản lý, khoảng 6.000 người ở 4 huyện sẽ phải tái định cư.
Một vị lama tên Lobsang cho hay 5 tu viện đã và sẽ được xây dựng lại ở vùng đất cao hơn nhưng tầm quan trọng về tâm linh của chúng sẽ không còn vì cộng đồng gắn bó với những nơi này đã dời đi nơi khác.
"Chính quyền rất lớn còn thung lũng này thì quá nhỏ. Quá nhiều mất mát nhưng chúng tôi không thể chống đối hay đấu tranh", ông nói. "Khi bạn nói ra điều gì đó và cố bảo vệ nơi sinh sống của mình, chính quyền liền cho bạn là thành phần ly khai".
Khoảng 80% tiềm năng thủy điện của Trung Quốc nằm ở các dòng sông trên núi cao và được sông băng cung cấp nước thuộc cao nguyên Thanh Tạng. Tuy nhiên, theo tổ chức phi chính phủ International Rivers, những đập thủy điện được xây ở đó mang lại rất ít lợi ích cho địa phương bởi vì phần lớn lượng điện được đưa về các thành phố công nghiệp ở miền đông Trung Quốc.
Một gia đình tại khu định cư thủy điện Lưỡng Hà Khẩu. Ảnh: AFP. |
Công nhân Zeng Qingtao nói Công ty Xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina) đưa đến 10.000 nhân công nhưng không ai là người địa phương.
Những người dân gốc gác Hồ Bắc sống ở Zhaba, ngôi làng nơi các tập tục mẫu hệ độc đáo đang dần biến mất vì người dân bỏ đi nơi khác.
"Tác động tiêu cực của những đập thủy điện được nhìn thấy rất rõ ở địa phương trong khi những tác động tích cực lại vô cùng hiếm hoi và đại khái", giáo sư Darrin Magee, chuyên gia về thủy điện Trung Quốc tại Đại học Hobart & William (Mỹ), cho biết.
Một số chuyên gia đặt vấn đề rằng thủy điện có thể giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào than đá hay không khi tính hiệu quả thấp của nó có thể thúc đẩy kế hoạch xây dựng các nhà máy điện than để sẵn sàng cung ứng năng lượng trong mùa khô.
Ngoài ra, Fan Xiao, kỹ sư trưởng của Cục Địa chất và Khoáng sản tỉnh Tứ Xuyên, cho biết các nghiên cứu chỉ ra rằng các hồ thủy điện ở khu vực này thải một lượng lớn khí mê-tan và CO2 sinh ra từ các vật chất hữu cơ trong lòng hồ.
Các kỹ sư và nhà nghiên cứu môi trường cũng lo ngại rằng Tứ Xuyên, tỉnh dự kiến chiếm 1/3 đầu tư vào thủy điện tại Trung Quốc vào năm 2020, là vùng rốn của các hoạt động địa chấn có thể gây ra hư hại cho các nhà máy thủy điện.
Một phụ nữ đứng cạnh ngôi nhà bị giải tỏa để xây dựng thủy điện Lưỡng Hà Khẩu. Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, các chuyên gia địa chất tin rằng áp lực nước do các hồ chứa tạo ra có thể dẫn đến động đất. Một số người nghi ngờ rằng chính điều này là nguyên nhân gây ra trận đại địa chấn ở Wenchuan, địa điểm cách thủy điện Lưỡng Hà Khẩu chỉ vài km, khiến 87.000 người thiệt mạng hồi năm 2008.
Thế nhưng một khi đã tiến hành, các dự án thủy điện gần như không thể dừng lại.
"Dù dự án có mang đến lợi ích hay lợi nhuận thực sự hay không, một khi thủy điện đã được xây dựng thì đây không còn là mối bận tâm của quan chức chính quyền hiện tại nữa", ông Fan nói.
Theo Zing