Vụ bệnh nhân chạy thận tử vong: Giám đốc Sở sửng sốt với kết quả giám định

Thứ ba, 27/06/2017, 14:59
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hoà Bình Trần Nguyên Khánh cho biết, thông thường hàm lượng Florua vượt gấp 2 lần (quy định tối đa 0,2mg/l) đã quá nguy hiểm, sẽ khiến bệnh nhân nhiễm độc. Còn nếu hàm lượng vượt hàng trăm lần như kết quả giám định thì cực kỳ nguy hiểm.

Trưa 27/6, trao đổi với Tiền Phong, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình Trần Nguyên Khánh cho biết tới thời điểm hiện tại đơn vị vẫn chưa nhận được văn bản kết quả giám định thiết bị y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình từ Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an mà chỉ được cơ quan điều tra công an tỉnh thông tin.

Hiện, ông Trương Quý Dương vẫn đang tiếp tục thực thi quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày (lần 2 từ ngày 23/6) để kiểm điểm, phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ sự việc. Quyết định này sẽ tiếp tục được ra hạn cho tới khi nào cơ quan điều tra có kết luận. Khi ấy, Sở sẽ có hình thức kỷ luật tiếp theo đối với ông Dương.

Về thông tin giám định từ Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an, hàm lượng hóa chất Florua trong nước lọc thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình gấp 245 và 260 lần, ông Dương tỏ ra sửng sốt. Ông Khánh cho biết, theo quy định, nước dùng cho quá trình chạy thận nhân tạo cho phép hàm lượng Florua mức tối đa 0,2mg/l.

“Thông thường, hàm lượng hóa chất này vượt gấp 2 lần mức quy định đã quá nguy hiểm, sẽ khiến bệnh nhân nhiễm độc. Hàm lượng này vượt hàng trăm lần như kết quả giám định thì cực kỳ nguy hiểm”, ông Khánh nhấn mạnh.

Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cũng cho hay, trước khi xảy ra sự cố Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình có trình Sở Y tế đề án bảo trì, bảo dưỡng thiết bị y tế, cụ thể là máy lọc thận với Công ty Thiên Sơn. Tuy nhiên, việc trình đề án này theo quy định tại Thông tư 15 Bộ Y tế (năm 2014) thì Sở không phê duyệt đơn vị nào thực hiện bảo trì thiết bị mà do bệnh viện tự đánh giá, ký kết hợp đồng.

Theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, việc kiểm tra, rà soát và đề xuất phương án bảo dưỡng thiết bị do Trần Văn Sơn-cán bộ Phòng Vật tư thiết bị y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đảm nhận, phối hợp với Công ty Thiên Sơn và đơn nguyên Thận nhân tạo trong việc sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị. Tuy nhiên, Cty Thiên Sơn lại thuê Cty Trâm Anh thực hiện dẫn đến sai sót trong quá trình xúc rửa thiết bị bằng hóa chất khiến hàng loạt bệnh nhân nhiễm độc.
Gíam đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình Trần Nguyên Khánh.

Gần một tháng sau sự cố chạy thận khiến 8 người tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố Bùi Mạnh Quốc (31 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh); Trần Văn Sơn (27 tuổi, cán bộ Phòng Vật tư - trang thiết bị y tế Bệnh viện đa khoa Hòa Bình); Hoàng Công Lương (31 tuổi, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Đơn nguyên thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) lần lượt về các tội danh Vô ý làm chết người, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về khám, chữa bệnh.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn