Mỹ đã chia rẽ thành công vùng Vịnh làm đôi

Thứ ba, 27/06/2017, 09:50
Mỹ bán vũ khí cho cả Arabia Saudi lẫn Qatar nhưng Qatar lại bị coi là gây leo thang quân sự.

Ngày 26/6, Ngoại trưởng Bahrain Khalid bin Ahmed al-Khalifa đã cáo buộc Qatar gây leo thang quân sự trong vụ tranh cãi với các cường quốc khu vực, Reuters cho biết.

"Nền tảng của bất đồng với Qatar là theo hướng an ninh và ngoại giao, chứ chưa bao giờ theo hướng quân sự. Việc đưa các kẻ thù nước ngoài và các xe bọc thép của họ tới là động thái leo thang quân sự mà Qatar đã tạo ra" - Ngoại trưởng Khalid viết trên Twitter.

Trong bối cảnh khủng hoảng ở vùng Vịnh tăng cao, ông al-Khalifa từng tuyên bố trước đó cho rằng việc can thiệp từ nước ngoài sẽ không giải quyết được vấn đề.

Tổng thống Mỹ thăm Saudi Arabia bán hợp đồng vũ khí trăm tỉ USD.

Rõ ràng, cáo buộc của Ngoại trưởng Bahrain muốn ám chỉ tới quyết định của Doha khi cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường binh lính triển khai trên lãnh thổ quốc gia này.

Thổ Nhĩ Kỳ còn thẳng thắn tuyên bố sẽ không đóng cửa căn cứ quân sự đặt tại Doha từ năm 2014 sau khi các nước Arabia ra danh sách 13 yêu sách với Qatar để có được cuộc đàm phán dỡ bỏ trừng phạt.

Trước khi Qatar có phản ứng phản đối các yêu sách trên, Thổ Nhĩ Kỳ đã "nhanh tay nhanh miệng" tuyên bố thẳng thắn ủng hộ đồng minh và không thực hiện các yêu sách của các nước Arabia.

Song không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ mang "xe bọc thép" tới Qatar như ý mà Ngoại trưởng Bahrain muốn nhắm tới. Nếu nhắc tới sự ủng hộ Qatar thì Mỹ cũng đóng góp một phần không nhỏ.

Chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống Donald Trump đã nhắc nhiều tới kẻ ủng hộ khủng bố và được cho là "giọt nước làm tràn ly" đẩy các quốc gia Arabia tiến hành cô lập Qatar thì chuyến thăm Doha của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lại là chuyến thăm mang đến sự ủng hộ đối với quốc gia này trong tình huống "thân cô thế cô".

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mang tới Saudi Arabia gói vũ khí trị giá 110 tỉ USD - bao gồm xe tăng M1, trực thăng Chinook và Black Hawk. Mới đây, Thượng viện Mỹ đã đồng ý bán 500 triệu USD bom dẫn đường cho quốc gia Trung Đông này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Qatar bán hợp đồng máy bay chục tỉ USD.

Trong khi đó, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Qatar cũng mang tới thương vụ 36 chiến đấu cơ F-15 trị giá 12 tỷ USD và cuộc tập trận Hải quân làm yên lòng đồng minh vùng Vịnh.

Các động thái của Mỹ ở cả hai phe trong cuộc đối đầu ngoại giao ở vùng Vịnh cố gắng thể hiện thiện chí là người đứng giữa hòa giải. Nhưng cách hòa giải vừa bán vũ khí vừa tuyên bố ủng hộ biện pháp ngoại giao để giải quyết khủng hoảng thì chỉ có ở... Mỹ.

Trên thực tế, việc này lại được các quốc gia vùng Vịnh khác viện cớ để tố cáo rằng Qatar gây leo thang quân sự ở khu vực.

Cùng với những phát ngôn trước đó về việc Qatar ủng hộ khủng bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump, dường như Washington đang tìm mọi cách để chia rẽ khu vực nhạy cảm này với một bên là Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và một bên là các quốc gia đã tuyên bố cắt đứt ngoại giao với Qatar.

Trong một diễn biến liên quan, thông tấn Ria Novosti đưa tin, Doha dự định phát triển quan hệ toàn diện với Tehran, và hợp tác với Iran để giải quyết các vấn đề của thế giới Hồi giáo xung quanh cuộc khủng hoảng vùng Vịnh.

Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani  và Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã thống nhất điều này.

Kênh truyền hình "Al-Mayadin" dẫn lời Quốc vương Qatar cho biết, Qatar sẵn sàng phát triển quan hệ toàn diện với Iran và hợp tác chặt chẽ với nước này để giải quyết các vấn đề của thế giới Hồi giáo, đang trong những điều kiện khó khăn...".

Về phần mình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói ông hy vọng giải quyết các vấn đề của khu vực thông qua đối thoại. Ông lưu ý rằng việc một số nước Ả Rập cô lập kinh tế và ngoại giao Qatar là không thể chấp nhận được đối với Iran.

"Không phận, hải phận và biên giới đất liền sẽ luôn luôn được mở ra cho đất nước láng giềng “anh em” - Qatar", Tổng thống Iran nhấn mạnh.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích